Nhang được làm từ mùn cưa và chất kết dính. (Ảnh minh họa)
Nhang hay còn gọi là hương, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của các gia đình. Nhang được làm từ hợp chất bao gồm mùn cưa và chất kết dính. Trong khi đó, mùn cưa có thể được lấy từ các loại gỗ bất kỳ nên rất khó để đảm bảo chất lượng khói sinh ra khi đốt. Do vậy, những người làm nhang cũng không thể kiểm soát được việc khói nhang độc hại hay không.
Gây tổn thương mắt, hệ thần kinh trung ương
Bạn biết đấy, người làm nhang thường dùng nhiều loại hương liệu như bột quế, trầm hương, tinh dầu hoặc hương liệu tổng hợp để tạo mùi thơm. Đây chính là nguồn chất độc vô cùng nguy hiểm. Thông thường, thành phần tạo mùi thơm trong khói nhang là những hợp chất thơm có tên khoa học là benzene.
Sau khi đốt nhang hai phút trong phòng kín, khói nhang chứa chất làm thơm benzene có thể gây tổn thương mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gan, thận, làm ảnh hưởng đến cơ chế tự điều hòa cơ thể và trầm cảm. Đây là lý do khi ở trong khu vực có nhiều khói nhang chúng ta dễ bị ho, chảy nước mắt hoặc choáng váng, nhức đầu và khó thở, nhưng khi ra khỏi nơi đó thì sẽ hết và thoải mái trở lại.
Gây nhiễm trùng đường hô hấp
Việc đốt nhang trong phòng sẽ tạo ra khói, gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khí này có thể gây ra viêm phổi và làm tăng nguy cơ gây bệnh cho các cơ quan thuộc hệ hô hấp. Bên cạnh đó, người nhạy cảm với thành phần của khói nhang sẽ bị ho, hắt hơi liên tục, thậm chí nghẹt thở.
Gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn
Khói nhang độc hại ngang với khói thuốc lá. Cụ thể, khói nhang sinh ra nhiều chất độc gây hại cho hệ hô hấp. Khi hít phải một lượng lớn khói nhang thì nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn là rất cao.
Gây dị ứng da
Khói nhang có thể gây kích ứng mắt cho trẻ em và người già. (Ảnh minh họa)
Tiếp xúc trong một thời gian dài với khói nhang sẽ gây kích ứng mắt, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi. Người nhạy cảm sẽ bị ngứa khi tiếp xúc với khói nhang ở những vùng da mỏng như mũi, xung quanh mí mắt, khuỷu tay.
Ngoài ra, khi tiếp xúc nhiều với khói nhang, bạn sẽ phải đối diện với nhiều bệnh lý về thần kinh như đau đầu, mất tập trung…
Gây ung thư
Theo các nhà nghiên cứu, việc tiếp xúc thường xuyên với khói nhang trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ ung thư đường hô hấp. Bên cạnh đó, khói nhang còn làm tăng nồng độ các tạp chất trong máu. Thậm chí, khi đốt nhang sinh ra nhiều chất độc hại (chì, sắt, magie) khiến người dùng dễ mắc bệnh lý về thận.
Làm suy yếu hệ tim mạch
Hít phải khói nhang trong một thời gian dài sẽ làm tăng 12% nguy cơ suy tim và 10% các bệnh về mạch vành. Ngoài ra, các hợp chất trong khói nhang độc hại cũng làm tăng nguy cơ viêm mạch máu, ảnh hưởng đến lưu lượng máu, từ đó dẫn đến các bệnh lý về tim mạch.