Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở một số nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có ngày Tết Đoan Ngọ. Thế nhưng, đã bao giờ bạn tò mò về các món ăn Tết Đoan Ngọ trên khắp cả nước? Cùng khám phá với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Những điều cần biết về ngày Tết Đoan Ngọ
Đoan ngọ có thể hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nóng bức nhất trong năm. Đoan nghĩa là bắt đầu, ngọ chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều).
Tùy theo từng quốc gia khác nhau, ý nghĩa về Tết Đoan Ngọ cũng sẽ khác nhau. Tương tự, ở nước ta, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên dân dã hơn là Tết nửa năm, Tết diệt sâu bọ.
Theo quan niệm của người xưa, đây là thời điểm hoa quả trên cây bắt đầu đơm hoa kết trái. Cúng tổ tiên vào thời điểm này sẽ mang lại cho họ một mùa bội thu. Sau lễ cúng là tục lệ diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật… Vì thế, món ăn Tết Đoan Ngọ thường được người dân khắp 3 miền thưởng thức bao gồm:
Hoa quả theo mùa
Những loại hoa quả đầu hè với vị chua chua, ngọt dịu là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình trong ngày Tết Đoan Ngọ, điển hình là mận, vải, xoài, chôm chôm và đào. Người dân tin rằng, việc ăn trái cây đầu mùa sẽ giúp tiêu trừ mầm bệnh và giúp hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Cơm rượu nếp
Đây là món ăn nhất định phải có trong ngày “Tết diệt sâu bọ”. Theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ giúp tiêu diệt ký sinh trùng gây hại trong cơ thể rất hiệu nghiệm. Món ăn này thường được người dân ăn ngay sau khi ngủ dậy.
Ủ cơm rượu thường có nhiều cách ủ khác nhau, phụ thuộc vào từng vùng miền. Tuy nhiên, khi ủ cơm rượu, nhiều gia đình thường chọn loại gạo nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, gạo nếp lứt với hạt nâu vàng, óng ả để có được thành phẩm thơm ngon nhất. Ăn hạt chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Bánh ú tro
Bánh tro còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio, bánh âm, bánh nẳng… Đây là món bánh có màu vàng nhạt, vàng đậm hoặc nâu sẫm – tùy thuộc vào gạo nếp được ngâm với loại nước tro nào. Bánh được gói trong lá chuối và đem luộc.
Ở mỗi vùng miền có một kiểu gói bánh khác nhau, một số nơi gói hình thuôn dài, trong khi những nơi khác gói hình chóp tam giác nhưng bánh đều có đặc điểm chung là mềm, vị nhạt và được ăn kèm với đường hoặc mật.
Thịt vịt
Ở miền Trung, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày tết đặc biệt này. Nhiều người tin rằng, vịt không chỉ có tính hàn giúp hạ nhiệt mà còn chứa nhiều chất bổ giúp bồi bổ thể trạng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch.
Cũng từ quan niệm “diệt sâu bọ”, phòng trừ bệnh tật mà thịt vịt với tính hàn có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.
Chè trôi nước
Nếu thịt vịt là món ăn không thể thiếu của người miền Trung thì đến miền Nam món chè trôi nước sẽ là món ăn không thể không có trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Những viên chè tròn được làm từ bột nếp trắng dẻo mềm, bên trong chứa nhân đậu xanh ngọt bùi, ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy là món ăn mang ý nghĩa đoàn viên, mong muốn mọi việc diễn ra trôi chảy.
Món ăn Tết Đoan Ngọ – bánh xèo
Không biết từ lúc nào món ăn Tết Đoan Ngọ ở khu vực Tây Nam Bộ nhất định phải có món bánh xèo. Các chuyên gia ẩm thực cho rằng bánh xèo xuất hiện trong dịp mùng 5 tháng 5 là do thói quen tụ họp gia đình, bánh dễ làm và dễ ăn cùng với đây là thời điểm mưa bắt đầu thường xuyên hơn, rau xanh tươi tốt.
Món ăn Tết Đoan Ngọ rất đa dạng. Tùy theo từng vùng miền mà các chị, các mẹ sẽ chế biến thật nhiều món ngon cho cả nhà thưởng thức. Nơi bạn ở thường làm món gì vào dịp này? Chia sẻ với Tạp chí Mẹ và Con nhé!