Người đàn bà giỏi giang nhưng bạc mệnh Vũ Quyên, một giảng viên ưu tú tại trường Đại học Phục Đán (Fudan University) danh tiếng ở Thượng Hải qua đời cách đây không lâu vì căn bệnh ung thư vú.
Trước khi mắc bệnh, cuộc sống của chị khá êm đềm. Từng đi du học ở trời Tây, trở về với tấm bằng Tiến Sĩ, chị trở thành giảng viên ưu tú. Năm 2008, chị kết hôn và hạ sinh con trai đầu lòng. Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, nào ngờ vào cuối năm 2009 chị bị chuẩn đoán mắc ung thư vú. Vài ngày sau, chị nghe như sét đánh ngang tai khi bác sĩ thông báo căn bệnh của chị đã bước sang giai đoạn cuối, tức cơ hội sống chẳng còn được bao nhiêu.
Trải qua hơn một năm kiên cường chống chọi bệnh tật, cuối cùng chị đã ra đi ở tuổi 33 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bố mẹ, chồng, con thơ và những người xung quanh.
Trong thời gian chiến đấu với bệnh ung thư vú, chị Vũ Quyên đã dành rất nhiều thời gian viết nên một bức tâm thư chia sẻ về bệnh tật, nguyên nhân khiến mình bị bệnh… Sau khi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, ngay lập tức nó thu hút được sự chú ý một lượng người không hề nhỏ, cả trong và ngoài nước và nhất là những người trẻ tuổi.
Đọc những dòng chữ trong bức tâm thư của chị Vũ Quyên, ai cũng thảng thốt giật mình bởi có quá nhiều điều trùng hợp với bản thân họ. Ai cũng nhận ra mình có mặt ở đâu đó trong bức thư. Với bạn, nếu đang đọc những dòng chữ này chắc chắn cũng có lúc bị “nhìn thấu tim đen”.
Bức thư có tựa đề “Khi bạn đang ở giữa ranh giới sự sống và cái chết” dưới đây chắc chắn khiến hàng triệu người phải rơi lệ và suy ngẫm, thay đổi cách sống của mình.
‘Sức khỏe thực sự rất quan trọng. Vào lúc phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện rằng việc làm thêm giờ, tạo nhiều áp lực cho bản thân hay những nhu cầu thiết yếu như mua nhà, mua xe đều trở nên phù phiếm.
Nếu có thời gian, bạn hãy dành nó để ở bên con cái, lấy tiền mua xe tặng bố mẹ để họ mua những món đồ cần thiết. Đừng ép mình phải có một căn nhà to đẹp bởi chỉ cần được ở bên người mình yêu thương, một căn phòng nhỏ cũng đủ làm bạn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc lắm rồi’.
Tôi đã chiến đấu với căn bệnh ung thư suốt 1 năm trời, cũng từng trải qua vài lần chết hụt. Hiện giờ có thể ngồi đây gõ ra những dòng chữ này, tôi cho rằng đã đến lúc nên nghiêm túc suy nghĩ xem tại sao bản thân mình lại bị mắc bệnh ung thư? Tuy rằng đối với tôi, việc làm ấy chẳng có bất kỳ ý nghĩa gì, nhưng có lẽ nó sẽ giúp ích cho người khác.
Vũ Quyên ngày trước là một cô gái khỏe mạnh, hoạt bát.
Nguyên nhân khiến tôi suy nghĩ về vấn đề kể trên và quyết định viết ra những điều tâm huyết này là bởi vì cho dù có phân tích kiểu gì, tôi vẫn cho rằng mình không thể là người bị mắc bệnh ung thư vú được.
Trước tiên, tôi không phải bị bệnh di truyền. Thứ hai, thể chất của tốt rất tốt. Thứ ba, tôi vừa sinh con và mới chỉ cho bé bú được 1 năm. Thứ tư, các bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú đều ở độ tuổi trên 45, tôi chỉ mới 31 tuổi mà thôi. Vậy, vì lý do gì?
Tôi nghĩ việc mình mắc bệnh chắc chắn là hệ quả của nhiều yếu tố đã được tích luỹ trong một khoảng thời gian dài.
Đi ngủ không đúng giờ
Suốt 10 năm qua, tôi có thói quen ngủ muộn. Hầu như, chẳng hôm nào tôi ngủ trước 12h đêm mà sớm nhất cũng là lúc gần 1h sáng. Thực ra tôi thấy điều này chẳng có gì to tát. Đa số những người tôi quen đều đi ngủ khá muộn. Tuy nhiên, điều này thực sự rất có hại cho cơ thể.
Có muôn vàn lý do khiến tôi không đi ngủ sớm như bận học, ôn thi, tám chuyện với bạn bè, chơi game… Tính ra, cho dù tôi có đi ngủ sớm thì cũng chẳng bao giờ trước 1 giờ sáng.
Khi làm xét nghiệm, tôi rất ngạc nhiên khi gan của mình có chỉ số cao chót vót, dù trước đó, tôi không có bất cứ triệu chứng gì về bệnh gan. Chức năng gan kém thì tôi không thể tiếp tục quá trình hóa trị.
Qua lời bác sĩ, tôi được biết, từ 11h đêm tới 3h sáng là khoảng thời gian gan hoạt động mạnh nhất, đó là lúc thải độc tốt nhất của gan. Lúc này, nếu gan không được nghỉ ngơi sẽ gây ra lưu thông máu không đủ ở gan, rất khó để các tế bào gan hồi phục dẫn đến sự suy giảm và làm trầm trọng thêm. Vì vậy, nhiều người vẫn nói “thường xuyên thức khuya cũng đồng nghĩa với việc tự sát” kỳ thực không phải là quá phóng đại.
Chị Vũ Quyên trong thời gian điều trị ung thư tại bệnh viện.
Sau khi bị bệnh, tôi bắt đầu nghiên cứu các loại tài liệu liên quan tới sức khỏe con người. Trong đó có nói cơ chế đồng hồ sinh học cơ thể con người diễn ra như sau:
Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc).
Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan.
Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật.
Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi.
Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc.
Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên ngủ sớm và nên chú ý nhiều hơn về việc kiểm soát thời gian. Hãy coi những thứ giải trí như xem phim, tụ tập bạn bè… chỉ là những thú vui tức thời, sau đó có còn gì không? Điều cần nhất đó là sức khỏe của bạn.
Ăn uống vô tội vạ
Tôi là một người ăn uống rất nhiều và tuỳ tiện. Tôi chẳng bao giờ từ chối nếm thử bất kỳ món ăn nào. Lúc còn học ở bên trời Âu, thầy giáo thường xuyên mời tôi đi ăn vì vợ thầy bị mất vị giác, trong khi nhìn tôi vừa nhồm nhoàm nhai vừa kể chuyện cười lại khiến cho thầy có cảm hứng ăn uống. Đến khi đi làm, tôi vẫn giữ thói quen ấy. Có lần đi ăn với một nhóm thầy giáo cùng trường mà cả 5 người đàn ông cũng chẳng ai ăn nhiều được như tôi.
Tôi thấy mình thật giống với con rắn tham lam trong trò chơi “rắn săn mồi” yêu thích trên điện thoại, cứ mải miết ăn rồi bị chết bởi chính thói tham ăn của mình.
Đặc biệt, tôi là người bị nghiện ăn thịt. Đến bữa ăn, nếu trên mâm cơm không có thịt, tôi sẽ cảm thấy không muốn ăn hoặc có ăn thì cũng không bao giờ cảm thấy no.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất thích ăn hải sản. Quê chồng tôi lại ở gần biển nên tôi có thể ăn hải sản tùy thích. Có lẽ do chồng tôi là người miền biển nên anh ấy có thể ăn hải sản trường kỳ mà không sao. Còn tôi lại ở vùng đồng bằng, từ nhỏ đã không quen ăn nhiều đồ biển nên sau này việc tôi thường xuyên ăn hải sản có lẽ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới cơ thể vì không thích nghi được.
Người ta vẫn nói “ở đâu quen đấy”, và tôi thì nhận thức sâu sắc một điều: Không phải cứ được gả đến vùng biển thì tôi sẽ có thể chất của một ngư dân.
Chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại con thơ mồ côi mẹ.
Học tập và làm việc kiểu ‘nhồi nhét’ quá độ
Trong hơn 30 năm cuộc đời, tôi đã dành đến 20 năm để học tập. Tôi không biết nên tự hào hay xấu hổ khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết vì điều này.
Tôi tự nhận thấy mình là mẫu người điểm hình của chế độ “2 tuần” – tức là chỉ bắt đầu cày kiến thức trước khi diễn ra kỳ thi 2 tuần và kết quả luôn ở mức kém.
Vì vậy, mỗi khi kỳ thi đến, tôi luôn phải ‘nhồi nhét’ mớ kiến thức mênh mông vào trong bộ não nhỏ bé. Trong khoảng thời gian này, có ngày tôi dành tới 21 tiếng để ôn bài mà sau đó rơi vào tình trạng kiệt sức. Kết thúc kỳ thi, tôi thường phải nghỉ bù khoảng 2-3 ngày.
Tôi tin rất nhiều bạn trẻ đang có thói quen sinh hoạt giống như tôi đã từng. Qua đây, tôi muốn nhắc nhở các bạn cần phải hết sức trân trọng sức khoẻ của mình, đừng bao giờ để cơ thể quá kiệt quệ.
Môi trường sống
Trước đây tôi chưa từng chê bai về môi trường không khí ô nhiễm ở Thượng Hải. Tuy nhiên, sau khi đi du học từ châu Âu trở về, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Theo kết quả của một cuộc thống kê, ở Trung Quốc cứ 10.000 người lại có 180 người bị mắc bệnh ung thư và Thượng Hải là thành phố có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao nhất.
Tôi không nói rằng nguồn không khí ô nhiễm ở Thượng Hải đã khiến mình bị ung thư nhưng tôi thấy đây là một trong những tác nhân chính gây ra căn bệnh của mình.
Ngoài ra, những yếu tố tai hại như nguồn nước ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo… cũng góp phần khiến tình trạng ung thư gia tăng.
Tôi hy vọng những điều trên đây sẽ giúp ích cho bạn, bởi tôi không mong muốn có thêm bất kỳ trường hợp nào phải chịu đau khổ giống như mình.’