Băn khoăn của các mẹ
Chị Lan Anh (Q.Bình Thạnh), sắp sinh con đầu lòng băn khoăn: “Qua tìm hiểu mình được biết hiện có 3 phương pháp ăn dặm được nhiều mẹ áp dụng. Nhưng xung quanh đó cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Mình rất hoang mang. Được cái mẹ chồng mình khá tâm lý, bà chia sẻ mỗi bé có một chế độ ăn khác nhau, tùy từng trường hợp mà có cách chế biến phù hợp. Nên mình cũng an tâm hơn.”
Khác với chị Lan Anh, hoàn cảnh của chị Dung (Q.4) lại trớ trêu hơn, chị chia sẻ:“Mình rất khổ tâm, mẹ chồng mình cái gì cũng thoải mái, nhưng từ khi Cu Bin bắt đầu ăn dặm hai mẹ con mặt nặng mày nhẹ với nhau. Mẹ chồng mình chủ trương cho cháu ăn bột gạo và các loại ngũ cốc tự xay và tự nấu với nước hầm xương, thịt cá và rau củ. Riêng vợ chồng mình muốn mua bột ăn dặm có sẵn. Giờ mình rối quá, không biết có nên nghe theo ý mẹ chồng hay tự làm theo cách của mình?”.
Là một ông bố trẻ, anh Văn (Q.11) có cái nhìn khác: “Vợ chồng mình mới có con đầu lòng, việc chăm con mình nhường cho vợ, vì bà xã khéo hơn. Nhưng hai vợ chồng đều đồng ý chăm con bằng bản năng và tùy vào nhu cầu của con mà có thực đơn phù hợp. Theo mình mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng nên cũng chưa hẳn cái nào tốt hơn cái nào”.
Vậy, những phương pháp ăn dặm gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng đó là gì? Bác sĩ nói gì về những phương pháp ăn dặm được cho là đang “hot” này?
Ba phương pháp ăn dặm đang “hot” hiện nay
1. Ăn dặm theo kinh nghiệm
Phương pháp này gắn liền với nhiều thế hệ người Việt, cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất giữa mẹ chồng và con dâu.
Cách chế biến khá cầu kỳ, dùng nước hầm xương để nấu cháo, bột cho bé cùng với khoai tây, cà rốt… từ lúc bé 4-6 tháng tuổi với quan niệm để bé “mau cứng xương”. Thường bột ăn dặm được xay từ gạo, các loại hạt đậu, hạt sen… Thức ăn cũng được nghiền nhuyễn, trộn chung nhiều nguyên liệu lại với nhau, thường dùng máy xay sinh tố. Ăn với số lượng lớn khoảng 1 bát hoặc 1 đĩa bột, khi ăn thường bế đi rong.
Ăn dặm theo kinh nghiệm là phương pháp gắn liền với nhiều thế hệ người Việt – Ảnh minh họa
Ưu điểm
• Bé ăn với số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn dặm.
• Bát bột mềm mịn, dễ nuốt cho bé mới tập ăn dặm.
Nhược điểm
• Nước hầm xương không chứa nhiều chất dinh dưỡng, không có chất đạm vì chất đạm chỉ nằm trong miếng thịt dính vào cục xương (dù là sau khi đã hầm nhừ), cũng không có canxi (canxi chỉ nằm trong cục xương), chỉ có một chút nước béo nếu nấu xương tủy.
• Thức ăn đưa vào cơ thể bé quá nhiều chất bột nhưng thiếu chất đạm. Điều này, có thể làm bé tăng cân giai đoạn đầu nhưng sẽ bị biếng ăn và thiếu máu do thiếu sắt, lâu dần sẽ bị suy dinh dưỡng.
• Nếu ngay từ đầu bé được cho ăn quá nhiều cũng không hề tốt, vì với trẻ 6 tháng tuổi thì sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là ưu tiên số 1.
• Bé không phân biệt các hương vị thức ăn khác nhau và rất ngán vì ăn mãi 1 mùi vị nước hầm xương.
• Bé sẽ bị ép ăn quá mức, không tạo được hứng thú trong việc ăn uống, lâu dần bé sẽ sợ ăn, biếng ăn.
• Bé không được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho giai đoạn sau. Đến 3 tuổi vẫn phải ăn cơm xay khi đến nhà trẻ.
• Vừa ăn vừa đi rong sẽ tạo thói quen ăn uống không tốt cho trẻ sau này.
2. Ăn dặm truyền thống
Đây là phương pháp được các mẹ áp dụng nhiều nhất hiện nay. Khác với phương pháp ăn dặm theo kinh nghiệm, ăn dặm kiểu truyền thống chú trọng cân bằng giữa các dưỡng chất gồm tinh bột, chất đạm, rau củ và dầu ăn; chú trọng tô màu bát bột theo tiêu chuẩn vàng – đỏ – xanh. Các thực phẩm được chế biến riêng rồi trộn lẫn với nhau. Thực phẩm được cắt nhỏ, băm nhuyễn bằng dao, thớt, độ thô của thực phẩm phù hợp với từng độ tuổi. Bắt đầu cho bé ăn 1 món với lượng ít, nhạt, rồi làm quen với món mới từ từ, từ ít đến nhiều để bé quen dần. Và chủ trương để bé ngồi trên ghế ăn, không xem tivi, không ép bé ăn.
Ăn dặm kiểu truyền thống chú trọng cân bằng giữa các dưỡng chất – Ảnh minh họa
Ưu điểm
• Bé được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và cân đối các thành phần cần thiết.
• Bé có thời gian làm quen với từng vị thức ăn, nhờ đó giúp bố mẹ dễ dàng phát hiện cơ thể bé dị ứng với loại thức ăn nào.
• Bé được tập ăn thô kỹ càng, tốt cho việc luyện kỹ năng nhai và nuốt giai đoạn về sau.
• Thực đơn được xây dựng khoa học, phù hợp từng độ tuổi của mỗi bé.
• Mẹ có thể chế biến bát bột nhanh, từ thức ăn được bảo quản trữ đông như thịt cá hoặc dự trữ cháo trắng trong tủ lạnh, giúp mẹ an nhàn hơn.
• Bé được ăn uống đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Thực đơn được thay đổi thường xuyên cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
• Không thúc ép bé ăn, ăn nhạt rất tốt cho thận của bé.
• Tạo thói quen tự ngồi ăn cho bé từ khi còn nhỏ.
Nhược điểm
• Việc trữ đông thức ăn tươi sống cần thời gian để rã đông trong ngăn mát tủ lạnh trước khi chế biến.
• Các bà mẹ trẻ thích đổi mới thường ít ủng hộ phương pháp cho con ăn dặm này.
3. Ăn dặm tự chỉ huy – BLW (Baby led weaning)
BLW là phương pháp ăn dặm phổ biến ở các nước phương Tây và được các mẹ Tây ưa thích. Các bé sẽ tự quyết trong việc thích ăn gì, ăn bao nhiêu cũng được. Đặc biệt, phương pháp ăn dặm BLW sẽ không có bột hoặc cháo loãng. Ngay từ khi bắt đầu ăn dặm, thức ăn sẽ được cắt nhỏ các bé tự bốc ăn và nhai bằng lợi. Thức ăn thường là miếng cà rốt, khoai tây, khoai lang, ức gà, cá, chuối… được cắt nhỏ để bé tha hồ tự bốc và khám phá. Ở giai đoạn này, các mẹ Tây không chú trọng con ăn được bao nhiêu, mà đây là cách để họ rèn cho con kỹ năng nhai và cầm nắm thức ăn là chính.
Kiểu ăn dặm tự chỉ huy khá phổ biển ở các nước phương Tây – Ảnh minh họa
Chưa hết đâu mẹ nhé, các mẹ Tây sẽ cho con ăn cùng bàn, cùng lúc và ăn thức ăn chung với các thành viên trong gia đình. Với các mẹ Tây đây chỉ là một cuộc “dạo chơi”, khám phá thế giới ẩm thực mới cho bé các bé thôi. Còn sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là thức ăn chính của bé.
Ưu điểm
• Cho bé tự do, thoải mái khám phá thế giới ẩm thực.
• Rèn kỹ năng nhai, cầm nắm và kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt.
• Bé sẽ nhanh biết cầm thìa để xúc thức ăn.
• Tạo sự hào hứng và thích thú cho bé mỗi bữa ăn.
• Bé tự định lượng nhu cầu mà cơ thể cần, tạo thói quen ăn uống lành mạnh về sau.
• Mẹ sẽ không mất nhiều thời gian để chế biến thức ăn cũng như cho bé ăn.
Nhược điểm
• Phương pháp này không chú trọng đến số lượng và loại thức ăn đưa vào cơ thể, vì để trẻ tự chọn theo ý thích. Nên trong thời gian đầu bé sẽ chậm tăng cân, kéo dài có thể khó cân đối về dinh dưỡng vì trẻ không ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm.
• Gặp phải sự phản đối từ nhiều người.
• Bé dễ bị nghẹn, hóc hoặc ném vung vãi thức ăn khắp nhà. Nếu không giữ vệ sinh sẽ khiến trẻ dễ bị tiêu chảy. Đòi hỏi mẹ phải kiên trì và phải có “tinh thần thép” mới dám áp dụng.
• Có thể bé ăn vào người không bao nhiêu mà phá thức ăn thì nhiều!
Trên đây là ba phương pháp ăn dặm đang được nhiều mẹ áp dụng và cũng có nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ nói gì về điều này? Cùng lắng nghe những lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy (Nguyên bác sĩ Trung Tâm Dinh dưỡng TP. HCM, Cố vấn dinh dưỡng Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc) nhé!
Ý kiến chuyên gia: Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (BV Quốc tế Hạnh Phúc):
Thưa bác sĩ, ở góc độ chuyên môn bác sĩ đánh giá như thế nào về 3 phương pháp ăn dặm nêu trên?
Mỗi phương pháp đều có những ưu và khuyết điểm, nhưng mẹ nên áp dụng hình thức ăn dặm kiểu truyền thống. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể nấu cháo với nước hầm xương hay chút khoai, chút đậu trong chén bột, cháo. Hoặc thỉnh thoảng mẹ lại cho bé cầm nắm và lựa chọn thức ăn theo kiểu “tự chọn” để tạo sự yêu thích việc ăn uống.
Qua đây, bác sĩ có lời khuyên nào để các mẹ lên được thực đơn ăn dặm phù hợp cho con em mình?
Từ khoảng 6 tháng tuổi, mẹ hãy bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm với 1 nhóm thực phẩm nào có thể làm mềm, loãng, mịn… cho bé dễ nuốt, sau đó 2-3 ngày hãy tăng dần món cũ và tập món mới. Cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến sệt, đặc, từ 1 bữa/ngày đến 2 rồi 3 bữa/ngày, từ 1 nhóm đến 2 rồi 3, 4 nhóm thực phẩm. Dần dần chén bột, cháo của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm và trẻ được thay đổi món thường xuyên. Ví dụ 1 chén bột hay 1 chén cháo phải có khoảng 30g đạm (2 muỗng canh súp thịt, cá, tôm… băm nhuyễn), 2 muỗng canh lá rau bằm và 1-2 muỗng canh dầu ăn.
Theo sự tư vấn của bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Cố vấn dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc)