Phần 2: Thiêng giây phút đầu tiên được nghe nhịp tim con
Tuần thứ 6: Cánh tay, chân của bé đã bắt đầu nhú ra
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Lúc này, tử cung rộng ra gấp đôi, bầu bắt đầu “đối mặt” với những cơn ốm nghén khó chịu, việc ăn uống cũng vì thế mà khó khăn hơn. Tuần thứ 6 lượng máu cũng tăng lên 10% so với trước khi chưa mang thai.
Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 6: Bước vào tuần thứ 6 kích thước của em bé đã tăng gấp đôi 5 tuần đầu. Tuy nhiên, bé vẫn đang là một phôi thai, có kích thước bằng một hạt đậu lăng, dài 1.25cm thôi nhé. Ở tuần này, mẹ có thể nhìn thấy những đốm nhỏ nhú ra ở phần tay, chân. Và những đốm tối ở vùng mắt, đốm ở lỗ mũi và phần ở tai cũng nhô ra, chuẩn bị cho việc hình thành tay, chân, mắt, mũi và tai của bé ở những tuần tiếp theo.
Mẹ biết không, ở tuần 6 khi quan sát qua màn hình siêu âm, cánh tay bé sẽ giống mái chèo đấy. Ngoài ra, hai bán cầu não cũng đang phát triển, gan bắt đầu tạo ra tế bào hồng cầu. Bé cũng đã có ruột thừa và tuyến tụy, nơi sẽ tạo ra hóc môn insulin. Một đoạn ruột của bé phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt để mang oxy và chất dinh dưỡng đến và đưa chất thải ra ngoài.
Tuần thứ 7: Mẹ đã có thể nghe được nhịp tim bé rồi nhé!
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Ở tuần thứ 7 kích thước của em bé tăng lên đáng kể, cộng với sự thay đổi của nội tiết tố nên cơ thể của người mẹ sẽ có nhiều thay đổi. Ở tuần này, những cơn ốm nghén vẫn tiếp tục “đeo bám” và làm bầu gặp không ít khó khăn và khổ sở trong việc ăn uống và sinh hoạt. Nhìn chung, cân nặng của mẹ chưa thay đổi là bao, tuần thứ 7 một số mẹ bầu sẽ có dấu hiệu tăng cân nhẹ, một số có thể sụt cân. Đây là chuyện hết sức bình thường bầu không nên quá lo lắng. Nếu tình trạng ốm nghén nặng có thể đi gặp bác sĩ để được hỗ trợ thêm.
Phôi thai ở tuần thứ 7 và màng ối – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi ở tuần 7: Tuần thứ 7, lúc này thai nhi vẫn đang là một phôi thai có kích thước tương đương hạt đậu gà, dài khoảng 4-5mm. Đến cuối tuần này, kích thước phôi thai sẽ tăng gấp đôi, cân nặng khoảng 0,8 gram và kích thước sẽ bằng một quả mâm xôi.
Chưa hết, em bé sẽ bắt đầu hình thành chồi của chân và tay. Trong đó, chồi của chân giống vây cá còn chồi của tay dai hơn một chút xíu, lòng bàn tay và cánh tay đã phân định rõ ràng. Đồng thời, các hình bẹt – phần hình thành ngón tay và ngón chân bé sau này cũng đã hình thành.
Còn nữa! Ruột già và tuyến tụy – nơi sản xuất ra insuline cũng đã xuất hiện, một phần ruột phồng lên trong dây rốn. Ở tuần này, quả tim bé bỏng của bé đã lớn hơn và phân chia thành 2 buồng; trái và phải, nhịp tim bé đạt 150 lần/phút rồi đấy. Khi đi siêu âm, bác sĩ sẽ cho mẹ nghe nhịp tim bé, các bố nên đi cùng để được nghe nhịp đập đầu tiên của bé nhé!
Tuần thứ 7 cũng là tuần đánh dấu sự thay đổi ở não bộ thai nhi. Cụ thể não trước đã chia thành hai phần, hình thành bán cầu não, nơi có khoảng 100 tế bào thần kinh được tạo ra mỗi phút.
Nên
Nên thăm khám bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và tầm soát tiền sản giật, dị tật bẩm sinh, di truyền. Và làm xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngừa Rubella khi mang thai.
Nên chia nhỏ bữa ăn và chọn các thực phẩm lành mạnh như dưa chuột, ngũ cốc, cà rốt, bánh mì, dưa hấu và xoài.
Bổ sung thêm viatmin B6, B12 và axít folic
Không nên
Tránh thức ăn nhanh, thực phẩm cay nóng dễ bị táo bón.
Tránh vận động và làm việc quá sức, tránh tiếp xúc hóa chất độc hại
Tránh các bài tập vận động mạnh, không tập thể dục quá sức.
Tuần thứ 8: Phôi thai đã là một bào thai
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Chào mừng mẹ đến với giai đoạn mới của thai kỳ, giai đoạn bé đã bắt có những thay đổi vượt bậc. Mặc dù bề ngoài, mẹ vẫn chưa ra dáng mẹ bầu, nhưng tử cung không ngừng nới rộng ra, tương đương một quả bưởi. Bầu cũng bắt đầu xuất hiện những cơn co thắt. Vì thế giai đoạn này, bầu nên tránh các hoạt động mạnh dễ bị co cơ, gây xuất huyết, dễ bị sẩy thai. Khi xuất hiện những cơn co thắt bất thường kèm xuất huyết nên đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Ở tuần thứ 8, phôi thai đã là một bào thai – Ảnh minh họa
Kích thước vòng ngực đã thay đổi, bầu sẽ cảm thấy căng tức ngực, khó chịu. Lượng máu cũng tăng gấp nhiều lần để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho thai nhi phát triển. Dịch nhầy âm đạo bắt đầu xuất hiện và kéo dài cho đến hết thai kỳ. Một số mẹ bầu bị đau nhức ở phần hông và lưng.
Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 8: Chúc mừng mẹ nhé! Ở tuần này em bé chuyển từ phôi thai sang bào thai và từ giây phút này mẹ có thể gọi bé với một cái tên mới là “thai nhi” rồi. Mẹ sẽ mừng hơn khi em bé không chỉ được “thay tên”, mà đây cũng là thời điểm bé yêu có những bước phát triển quan trọng nữa.
Tuần thứ 8 em bé đã có hình hài giống người lớn, mặc dù các cơ quan chưa hoàn chỉnh vẫn tiếp tục hoàn thiện và phát triển ở những tuần tiếp theo. Đầu tiên, cơ quan nội tạng của bé yêu đã hình thành sơ khai, tuy chưa nằm đúng vị trí. Tiếp đến, não bé đã bắt đầu hoàn chỉnh, các nếp gấp ở mí mắt cũng đã hình thành và chóp mũi cũng xuất hiện rồi đấy.
Ở tuần này, xương của bé yêu cũng bắt đầu hình thành, đặc biệt cổ tay và khuỷu tay đã có những gấp khúc, cánh tay bé đã dài hơn, đã chúc xuống và hơi uốn cong quanh phần tim. Tuần 8 ở cả bé trai và bé gái đều hình thành bộ phận sinh dục.
Chưa hết đâu mẹ nhé! Mẹ sẽ còn nhiều bất ngờ nữa khi ở tuần này động mạch chủ, cuống phổi của bé đã xuất hiện. Các ống nối từ cổ họng đến chức năng phổi được phân nhánh. Cơ quan tiêu hóa đã phát triển hơn, hậu môn đã hình thành, ruột già cũng dài hơn.
Tuần này, nhịp tim bé cũng đạt 150 lần/phút, làn da thì vô cùng mỏng manh, có thể nhìn rõ các mạch máu ở phía dưới. Đặc biệt, máu bắt đầu chảy trong hệ thống tuần hoàn sơ khai. Bé bắt đầu có một số cử động.
Nên
Nên đi siêu âm tổng thể để các bác sĩ xác định thai nhi đã đi vào tử cung và bám chắc vào tử cung hay chưa.
Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, tránh canh thẳng, buồn bã lo âu.
Nên uống các loại nước ép trái cây tự nhiên.
Bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tăng cường rau xanh và chất xơ để phòng tránh táo bón.
Không nên
Tránh thực phẩm cay nóng, thức ăn sẵn vì dễ gây táo bón và tăng cân quá nhanh.
Tránh nước có ga, nước uống chứa chất kích thích.
Tránh tiếp xúc với nguồn hóa chất, phân động vật đặc biệt là phân mèo.
Tuần thứ 9: Cơ thể bé đã dần hoàn thiện và sẵn sàng để tăng cân
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Ở tuần này, những cơn buồn nôn, ốm nghén khó chịu đã dần “lắng xuống”. Lúc này cơ thể cũng bắt đầu dễ chịu hơn, cảm hứng chuyện “yêu” cũng được khôi phục. Nguyên nhân là do sự cân bằng và tăng cao của estrogen và progesterone, máu lưu thông đến ngực và âm đạo nhiều hơn, nhờ đó kích thích ham muốn “yêu” cho bầu.
Cân nặng của bầu tiếp tục có xu hướng tăng dần, kích thước vòng ngực thay đổi đáng kể. Đặc biệt, thể tích máu cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu của mẹ và sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Hệ tuần hoàn phải hoạt động liên tục nên ở giai đoạn này bầu dễ bị giãn tĩnh mạch hoặc trĩ.
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 9: Sau 2 tháng em bé của mẹ đã có những thay đổi bất ngờ phải không nào? Ở tuần 9 này chiếc đuôi bé xíu của bé đã biến mất, cơ quan nội tạng của bé đã hình thành. Lúc này, em bé của mẹ sẽ tương đương quả dâu tây đấy, bé nặng 31gram, dài 25mm.
Ở tuần 9 bé sẽ cử động chân tay liên tục, vì các ngón tay của bé có thể giơ và gập lại trước ngực, dù mẹ chưa thể cảm nhận được rõ rệt. Chân bé cũng dài ra có thể chạm được vào phía trước cơ thể. Mắt bé đã hoàn chỉnh nhưng vẫn nhắm nghiền, đôi tai bắt đầu xuất hiện. Bộ phận sinh dục tiếp tục hoàn thiện, nhưng bác sĩ vẫn chưa thể xác định được giới tính thực sự của bé qua siêu âm đâu nhé, phải đến tam cá nguyệt thứ 2 mới xác định chính xác.
Đặc biệt hơn, tim của bé đã phân thành 4 buồng riêng biệt, các van tim cũng bắt đầu xuất hiện. Nhau thai trước đã có thể tự sản xuất hóc môn.
Nên
Bổ sung thêm viatmin B6 theo sự chỉ dẫn của bác sĩ
Tăng cường rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ để phòng tránh táo bón
Nhớ bổ sung thêm canxi
Nên đi khám để làm các xét nghiệm quan trọng
Dành vài phút mỗi ngày để tập kegel giúp khung xương chậu dẻo dai
Không nên
Hạn chế sử dụng tinh dầu để mát xa, tránh xông hơi, ngâm nóng hoặc tắm muối khoáng
Tránh thực phẩm cay nóng, hạn chế đồ ăn sẵn để tránh táo bón
Tránh căng thẳng, làm việc quá nặng, vận động quá sức
Tuần thứ 10: Bé đang tập uốn cong tay, chân dù chưa thuần thục
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Khi kích thước và trọng lượng của bé tăng lên thì đồng nghĩa với việc vòng bụng của bầu cũng phải căng ra, tử cung phải mở rộng ra để em bé phát triển. Ở thứ 10 tử cung của bầu mở rộng ra tương đương một trái bưởi. Tuy nhiên, bầu vẫn có thể mặc những bộ quần áo bình thường, bụng vẫn chưa nhô ra nhiều lắm đâu. Nhưng để thoải mái bầu nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, đặc biệt nên chọn áo ngực rộng để dễ chịu hơn.
Thai nhi trong bụng mẹ ở tuần thứ 10 – Ảnh minh họa
Sự thay đổi hóc môn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của mẹ bầu. Để tránh cáu gắt, lo âu ảnh hưởng không tốt đến tinh thần, bầu nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sẽ tốt cho cả mẹ và con.
Sự phát triển của thai nhi trong tuần 10: Tin vui là ở tuần này, em bé đã bắt đầu biết gập tay chân và cử động nhẹ. Mặc dù bầu vẫn chưa thể cảm nhận được rõ ràng. Kích thước bào thai đã tăng lên tương đương một quả sung, não bộ, thận, gan và phổi tiếp tục hoàn thiện. Phần đầu đã dài bằng ½ chiều dài cơ thể, trán phình ra.
Da bé bắt đầu xuất hiện lông tơ, chổi răng được hình thành, xương cũng đang phát triển, đôi tai đã hoàn chỉnh. Ở tuần thứ 10 này, cân nặng của bé đạt khoảng 4g, dài 3,1cm, đặc biệt bé đã biết sử dụng nước ở màng ối để nuôi cơ thể, tay và chân đã cử động linh hoạt hơn.
Khi siêu âm, bác sĩ có thể quan sát được dây thần kinh cột sống đang giãn ra từ tủy sống, qua lớp mờ dưới da. Bộ phận sinh dục bé tiếp tục hoàn thiện nhưng vẫn chưa phân định được giới tính.
Tuần thứ 11 và 12: Kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên
Cuộc sống của mẹ thay đổi ra sao?
Ở tuần thứ 11 kích thước tử cung của bầu tăng lên tương đương quả dưa vàng. Bầu cũng bắt đầu xuất hiện những cơn ợ nóng, do nhau thai sản sinh nhiều nội tiết tố progesterone làm lỏng các van ngăn cách giữa thực quản và dạ dày.
Trong khoảng thời gian này, thai nhi có chiều dài từ đầu đến mông khoảng 6cm – Ảnh minh họa
Bước sang tuần thứ 12 tử cung của bầu đã hoàn thiện ở khung xương chậu, cơ thể có thay đổi đáng kể, cân nặng tăng, kích thước vòng 1 cũng tăng lên, tử cung căng ra. Và cuối tam cá nguyệt đầu tiên nguy cơ sẩy thai cũng ít hơn.
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 11 và 12: Ở tuần thứ 11 tất cả các quan như gan, thận, ruột, não và phổi đã hoàn thiện. Bộ phận sinh dục cũng đã nhìn rõ hơn. Xương sông và các ống thần kinh chạy dọc theo xương sống. Các phản xạ của bé đã linh hoạt hơn, bé có thể nắm xòe tay, đá chân, miệng cử động. Phần ruột trồi lên thành dây rốn, chuyển dần qua khoang bụng, thận đã bài tiết nước tiểu vào bàng quang. Chưa hết, các tế bào thần kinh nhân bản với tốc độ chóng mặt, các khớp thần kinh cũng hình thành “siêu tốc”. Tuần này bé nặng 7g, dài 4,1cm.
Kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên, em bé từ phôi thai chuyên sang thai nhi, có những bước phát triển vượt bậc, các bộ phận đã hoàn chỉnh cơ bản giống người lớn. Ở tuần thứ 12 bé nặng 30 gram, dài khoảng gần 8cm, nhịp tim đạt 160 lần/phút. Đặc biệt, miệng của bé đã bắt đầu ngọ nguậy, tuyến tụy đã bắt đầu sản sinh ra hóc môn, các tế bào thần kinh phát triển chóng mặt. Hệ tiêu hóa non nớt của bé đã bắt đầu tạo áp lực để đẩy thức ăn đi qua ruột và cũng có khả năng hấp thụ Glucozơ (đường). Về cơ bản ở cuối tuần này hình hài bé yêu đã hoàn chỉnh.
Theo sự tư vấn của BS. Ngô Thanh Thảo, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương