Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, điều này chỉ đúng khi bạn chợp mắt dưới 40 phút. Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Tokyo (Nhật Bản), những người ngủ trưa trên 1 tiếng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type-2 cao hơn 45% so với người bình thường.
Nghiên cứu này được tiến hành trên hơn 300.000 người và kết quả thực sự là một cú sốc đối với những người có thói quen ngủ trưa. Ngoài ra, nếu bạn ngủ “từ trưa đến chiều”, nguy cơ mắc tiểu đường type-2 không chỉ dừng lại ở mức 45% mà có thể lên tới 56%. Một trong những hệ lụy của việc ngủ quá nhiều là chúng ta trở nên chậm chạp, lơ đãng, lảo đảo và còn buồn ngủ nhiều hơn. Ngủ trưa kéo dài thực sự là “cơn ác mộng”.
Ngủ trưa trên 1 tiếng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 45%. (Ảnh minh họa)
Cùng quan điểm trên, Giáo sư Naveed Sattar, Đại học Glasgow (Anh) cho biết: Hiện nay đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy rối loạn giấc ngủ và bệnh tiểu đường liên quan mật thiết với nhau. Ngủ trưa kéo dài khiến chúng ta ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ và những biến chứng đáng tiếc như: tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… Ngoài ra, mất ngủ còn tăng sự thèm ăn, đây cũng được coi là yếu tố “châm ngòi” cho bệnh tiểu đường phát triển.
Kết quả của cuộc nghiên cứu trên đã được báo cáo tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội tiểu đường châu Âu tại Munich (Đức). Sau đó, nó sẽ được rà soát một lần nữa trước khi xuất hiện trên tạp chí y khoa thế giới.
Như vậy, ngoài giấc ngủ kéo dài khoảng 7 tiếng vào ban đêm, 30 – 40 phút là thời lượng lý tưởng cho một giấc ngủ trưa. Hãy ghi nhớ con số này, bạn nhé!