Mẹ&Con - Ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác về tần suất tim bẩm sinh trong cộng đồng. Song ước tính mỗi năm có 16.000 - 20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Đây là con số đáng báo động. Làm thế nào để bảo vệ trái tim nhỏ bé của con và khi con bị bệnh tim, chế độ chăm sóc như thế nào? Mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây! Trẻ chỉ thích ngồi xổm, coi chừng là tim bẩm sinh Đàn ông nhiều vợ tăng 4 lần nguy cơ bị bệnh tim 5 lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Vì đâu trái tim bé yêu không khỏe mạnh?

Bệnh tim bẩm sinh là dị tật tim và mạch máu lớn tạo nên do những bất thường trong bào thai ở tháng thứ 2-3 của thai kỳ, vào giai đoạn hình thành các mạch máu lớn từ ống tim nguyên thủy. Theo thống kê có khoảng 5% ở trẻ sơ sinh (theo tài liệu Pháp, Mỹ) bị tim bẩm sinh ở giai đoạn này.

Nguyên nhân gây tim bẩm sinh ở trẻ là do người mẹ khi mang thai bị nhiễm siêu vi chỉ yếu là bệnh ban đào (Rubella), vi rút cảm cúm, Cytomegalo, Herpe. Ngoài ra, ngộ độc hóa chất, thuốc chữa bệnh (thuốc chống động kinh, Thalidomide, nội tiết tố sinh dục), bị ảnh hưởng của tia phóng xạ… trong ba tháng đầu thai kỳ cũng tăng nguy cơ trẻ sinh ra dễ bị tim bẩm sinh.

Bên cạnh đó, bệnh có liên quan đến các yếu tố di truyền mang tính gia đình như: đột biến gene hay đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình mang thai, hoặc di truyền từ thế hệ trước. Các nhà khoa học nhận thấy có một số tật tim bẩm sinh có thể di truyền và đi kèm với các hội chứng đa dị tật như trong hội chứng Ehrles-Danlos, Noonan, Leopard, Ellis-Van-Creveld, Hunter,.. Cũng có một số dị tật tim bẩm sinh xảy ra có liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể như trong hội chứng Down (có 3 nhiễm sắc thể 21), hội chứng Turner (XO, không có nhiễm sắc thể giới tính Y), hội chứng Klinefelter (XXY: có 2 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y ); hay do đột biến gen.

Các nghiên cứu gần đây, cũng chỉ ra rằng những phụ nữ uống nhiều bia rượu trong thời gian mang thai, đứa trẻ sinh ra cũng dễ bị dị tật tim bẩm sinh (hay còn gọi là hội chứng rượu đối với bào thai). Biểu hiện gồm đầu bé, mắt ti hí, trán gồ, hàm nhỏ, chậm phát triển thai nhi, trẻ có thể bị thông liên thất hoặc thông liên nhĩ.

Tim bẩm sinh có phòng tránh được không?

Trên thực tế những bệnh do yếu tố di truyền rất khó để phòng tránh. Tuy nhiên, trước khi quyết định có thai nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn thêm. Ngoài, trong suốt chín tháng thai kỳ, mẹ bầu phải thường xuyên gặp bác sĩ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, với những trường hợp bệnh nặng các bác sĩ sẽ yêu cầu đình chỉ sớm thai nhi, tránh để lại gánh nặng về mặt tinh thần và tài chính cho gia đình về sau.

Bên cạnh đó, trước khi mang thai người mẹ phải tiêm phòng Rubella, nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất độ hại, không uống thuốc bừa bãi, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên cho đến tuần thứ 8 của thai kỳ, giai đoạn hình thành quả tim hoàn chỉnh của bào thai.

Để phòng tránh bệnh tim bẩm sinh cho trẻ các mẹ phải lưu ý thêm:

– Không nên mang thai khi đã lớn tuổi, ngoài 40 tuổi trẻ dễ bị bệnh Down.
– Trước khi có thai nên chủ động chủng ngừa bệnh sởi, Rubella.
– Cần tư vấn di truyền trước khi mang thai đứa tiếp, nếu trước đó đã có 1 con bị tim bẩm sinh.
– Khi mang thai nên thường xuyên thăm khám bác sĩ định kỳ và tránh bị các bệnh siêu vi trong 3 tháng đầu.

Làm sao để biết con có một trái tim không khỏe mạnh?

Một đứa bé có trái tim bất thường thường biểu hiện qua sự phát triển thể chất kém, trẻ còi cọc chậm lớn. Những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh thường có nguy sinh non cao, trẻ sinh ra nhẹ cân. Ngoài ra, để nhận biết con có một trái tim không khỏe mạnh các bậc phụ huynh có thể dựa những triệu chứng phổ biến như trẻ thường khó thở và khóc khi bú, hoặc bé chỉ bú được một lúc là muốn nhanh chóng rời vú mẹ, kèm thở nhanh hổn hển, cánh mũi phập phồng nhanh, mạnh.

bé có trái tim khỏe mạnh

Một số bé tỏ ra khó chịu, thường xuyên cáu gắt, cằn nhằn. Chưa hết, trẻ bị tim bẩm sinh thường tím tái mặt mày khi khóc hoặc bú. Trẻ lớn dễ bị viêm phổi, da xanh xao, vã mồ hôi nhiều và chậm phát triển…

Khi phát hiện những triệu chứng nêu trên, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách nghe nhịp tim, phát hiện tiếng thổi ở tim và một số dấu hiệu bất thường khác. Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm cũng giúp các bác sĩ phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở bào thai để có cách can thiệp kịp thời.

Bệnh tim bẩm sinh điều trị ra sao?

Dị tật về tim thường là hẹp van, hở van, không có lỗ van, tim chỉ có một tâm nhĩ hoặc một tâm thất hay ba buồng tâm nhĩ, vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim có bất thường. Khi đã xác định bất thường của tim do đâu, các bác sĩ đề ra giải pháp và bạn phải kiên trì điều trị cho con theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, với những bé bệnh nhẹ mẹ không nên cho bé kiêng các hoạt động thể chất, mà hãy cho bé tham gia các hoạt động nhẹ nhàng. Điều này vừa tốt cho tinh thần vừa có ích cho việc tăng cường sức khỏe của con. Chỉ với những trường hợp bệnh nặng bác sĩ chỉ định không được vận động nhiều thì mẹ mới nên kiêng vận động cho bé mà thôi.

Không phải đứa trẻ bị tim bẩm sinh nào cũng cần phải phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, bé chỉ cần dùng thuốc là ổn. Tuy nhiên, có một điều bạn cần phải bình tĩnh đối mặt nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật để chuẩn bị cả tốt kinh tế và tinh thần. Bởi lẽ, chi phí cho một ca mổ tim thường đắt đỏ, tốn cả chục triệu đồng và bệnh càng phẫu thuật sớm càng hạn chế được nhiều rủi ro.

Con bị tim bẩm sinh nên chăm sóc như thế nào?

Trẻ bị tim bẩm sinh nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ bị các biến chứng nguy hiểm như: suy tim, cao áp động mạnh phổi, viêm phổi nặng tái phát nhiều lần, nhiễm trùng mạc tim. Ngoài ra, trẻ bị bệnh tim cũng biếng ăn, dễ bị thiếu máu hoặc gặp chứng cô đặc mấu gây tắc nghẽn mạch máu, áp – xe não… Đây là những nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Vì thế, với những đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cha mẹ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt và điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh cha mẹ nên lưu ý những điều sau:

– Đối với những bé đang tuổi bú sữa mẹ: Khi cho bé bú mẹ phải bế đầu bé cao lên, cho trẻ bú làm nhiều lần trong ngày với số lượng ít.
– Với những trẻ đã ăn cháo: Khi nấu cháo nên nêm gia vị nhạt, cho bé ăn nhiều rau, các loại trái cây tươi để phòng tránh táo bón. Bé bị suy tim chỉ nên cho uống nước khi bé thật sự khát.
– Nên hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất đòi hỏi phải dùng nhiều sức và vận động quá nhiều. Vào mùa đông, giữ ấm cho bé, vệ sinh răng miệng thường xuyên vì trẻ bị tim bẩm sinh dễ bị viêm phổi, các bệnh về răng miệng dẫn đến nhiễm khuẩn máu và nội mạc tim.
– Trẻ bị tim bẩm sinh cần được tiêm phòng đầy đủ như các bé bình thường khác.
– Cho trẻ đi khám định kỳ và điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
– Khuyến khích bé tham gia các hoạt động thể chết nhẹ nhàng để tăng sự dẻo dai và sức đề kháng cho cơ thể.

Theo sự tư vấn của Bs. Nguyễn Tiến Hoàn – Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa vùng Thủ Đức

Tags:

Bài viết liên quan