Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó. Chăm sóc một thiên thần bé bỏng với trái tim không được khỏe lại càng khó khăn gấp bội. Bạn cần trang bị những kiến thức khoa học, đầy đủ cho mình.
1. Có được tiêm phòng cho trẻ bị tiêm bẩm sinh không?
Nhiều bà mẹ lo lắng rằng nếu con mình yếu như thế thì việc tiêm phòng ảnh hưởng thêm đến sức khỏe của bé thì sao, vậy là quyết định… khỏi tiêm!!! Trong khi đó, bạn nên nhớ rằng việc tiêm phòng các bệnh thông thường đặc biệt quan trọng với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh vì trẻ yếu đuối hơn những trẻ khác nên cần được bảo vệ chu đáo hơn. Có những căn bệnh khi đến với trẻ bình thường thì trẻ sẽ lướt qua rất nhanh, nhưng với trẻ bị tim bẩm sinh thì trở thành nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, việc ghi nhớ và đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ là điều bắt buộc với bé yêu của bạn. Hãy nhớ thật kỹ điều này!
2. Hãy quan tâm đặc biệt đến vệ sinh răng miệng!
Trong bài viết trước, bạn có thể hơi bất ngờ khi đọc được một ô lưu ý trong bài, dặn rằng cần chăm sóc thật tốt cho răng miệng của bé. Tại sao lại như thế? Bạn cho rằng răng miệng thì đâu có gì quan trọng, đứa trẻ nào chẳng có vài chiếc răng sâu. Nhưng bạn đã lầm! Răng miệng có một mối liên quan mật thiết đến quả tim của bé. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tim bẩm sinh là viêm màng trong tim nhiễm khuẩn bán cấp có nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, không biết cách điều trị dự phòng bằng kháng sinh trước và trong khi nhổ răng hay chữa răng cho trẻ.
Vi khuẩn theo đường răng miệng vào máu cư trú và gây bệnh tại nơi tim bị dị dạng, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu con bạn có một quả tim không khỏe thì bạn cần quan tâm gấp đôi, gấp ba đến vấn đề vệ sinh răng miệng của trẻ. Hãy chăm sóc cho những chiếc răng của con ngay từ khi chúng mới mọc. Ngoài ra, khi bé lớn hơn, nếu bé cần nhổ răng, bị sâu răng cần điều trị, bạn phải đưa bé đến bệnh viện hoặc phòng khám răng với trang thiết bị y tế đầy đủ, có nha sĩ giỏi chứ không được mặc kệ hay… nhổ bừa.
3. Làm sao khi con kém bú, kém ăn?
Như đã nói, trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ gầy gò, xanh xao, ăn ít, bú ít, chậm lên cân. Bạn cần biết điều này để quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé. Đừng quá stress và mất kiên nhẫn mỗi khi thấy con ăn vào lại nôn ra, bú hết một bình sữa lâu gấp đôi trẻ bình thường. Bé bị mệt, vì thế cần cho bé ăn từ từ, chủ yếu bằng muỗng. Nên cho ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít hơn so với trẻ bình thường để trẻ đỡ mệt. Bạn cũng cần đưa trẻ đến các trung tâm dinh dưỡng để được các bác sĩ chuyên về dinh dưỡng thiết kế chế độ ăn phù hợp dành cho trẻ và theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên. Một điều nữa cần nhớ là trẻ bị tim bẩm sinh rất hay vã mồ hôi nên mẹ cần cho trẻ uống bù đủ nước mỗi ngày.
4. Có nên cho con chạy chơi, đùa giỡn với bạn bè?
Đúng là trẻ bị tim bẩm sinh sẽ yếu đuối hơn trẻ bình thường. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng điều đó không hề đồng nghĩa với việc trẻ như một bông hoa thủy tinh dễ vỡ chỉ nên chưng cất kỹ lưỡng… trong tủ kính! Trẻ cần có hoạt động vui chơi, giải trí, kể cả vận động ngoài trời để có được sự phát triển tốt, có được sự tự tin, hòa đồng với bạn bè (thay vì ngày càng trở nên nhút nhát và mặc cảm).
Bạn có thể trao đổi cụ thể với bác sĩ về tình hình bệnh của con, để biết có thể cho trẻ hoạt động ở mức độ nào. Chỉ cần tránh những hoạt động quá sức. Còn lại, khi được tập luyện đúng mức thì không những trẻ được tăng khả năng hoạt động của tim mà còn “lên dây cót” được cả về tâm lý, tinh thần.
Bạn chỉ nên lưu ý một việc là trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ ảnh hưởng sức khỏe do thay đổi thời tiết. Vì vậy, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, không nên cho trẻ ra ngoài trời. Khi đưa trẻ đi chơi xa, qua các vùng có khí hậu thay đổi cần chuẩn bị kỹ áo ấm, khăn choàng, mang theo sổ khám bệnh và có số điện thoại khẩn cấp khi cần thiết.
5. Nên đối xử với bé ra sao?
Bác sĩ từng gặp rất nhiều trường hợp, cha mẹ xót xa khi biết con bị tim bẩm sinh, nghĩ rằng con chịu quá nhiều thiệt thòi trong đời, lại yếu đuối như thế nên dành hết mọi sự cưng chiều cho bé. Bé đòi gì được nấy, hay nhõng nhẽo mè nheo, hay khóc lóc và dùng nước mắt là… vũ khí (vì cha mẹ sợ con khóc thì ảnh hưởng sức khỏe nên cứ thấy bé khóc là muốn gì cũng chiều). Nhiều bậc cha mẹ còn bắt những đứa trẻ khác (anh chị em ruột hoặc anh chị em họ của bé) phải dành sự ưu tiên cho bé trong mọi trò chơi. Điều này thật ra không nên!
Bạn cần biết rằng bé không chỉ cần được chăm sóc về sức khỏe mà còn cần được giáo dục như một đứa trẻ bình thường, để có thể tự tin, vượt qua mặc cảm bệnh tật trong tương lai. Vì vậy, nên đối xử bình đẳng với trẻ trong gia đình. Đừng vì trẻ bệnh mà sẵn sàng bắt các anh chị em khác của trẻ phải chiều chuộng trẻ tối đa. Đừng cho phép con đòi hỏi mọi thứ mà không có bất kỳ sự uốn nắn nào. Thậm chí, các bác sĩ luôn khuyên rằng nếu đến tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, mẹ cứ nên cho con đi học. Có như thế, bạn mới mang đến được cho con một tương lai bình thường, như bao đứa trẻ bình thường khác!
Bác sĩ Phạm Khuê Anh
(BV Nhi Đồng 1)