Mẹ&Con - Nhìn một em bé thân thể nhỏ oắt so với tuổi, khò khè từng hơi thở, không bậc làm cha làm mẹ nào không xót xa. Đáng tiếc là tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh của trẻ em Việt Nam vẫn đang ở con số khá cao: 0,8%. Điều đó nghĩa là cứ 1 triệu em bé chào đời, thì lại có khoảng 8.000 trẻ lớn lên với một trái tim yếu ớt, khác thường như vậy. Nguyên nhân và giải pháp phòng chống bệnh tim ở phụ nữ Cẩn thận bệnh tim mạch ở bầu Phòng bệnh trước thai kỳ

Làm sao biết con bệnh tim?

Nhận biết điều này không khó. Dấu hiệu căn bản và dễ thấy nhất là trẻ bị tim bẩm sinh có cơ thể còi cọc, bé oắt so với trẻ cùng tuổi. Thể chất của trẻ cũng rất yếu ớt, thay vì có thể chạy nhảy tung tăng như bạn bè cùng tuổi thì trẻ thường chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ, vì hễ đi lại nhiều một chút đã thở dốc không ra hơi.

Một “đặc điểm” nữa kèm theo là trẻ rất hay bị viêm phổi, viêm phế quản. Khi thấy con cứ  ho, thở khó… trong thời gian dài, cha mẹ không nên chỉ tập trung vào việc điều trị viêm phổi, viêm phế quản mà nên nghĩ tới việc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh vì có mối liên quan mật thiết giữa các bệnh này với nhau. Ngoài ra, có những dấu hiệu cũng dễ nhận biết khác là khi sờ vào ngực trẻ sẽ thấy ngực nhô lên, áp tai nghe vào nghe tiếng thở rất to ở ngực trái.

Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể thấy trẻ bị tím tái từ khi mới chào đời. Những vị trí tím tái dễ thấy là môi, móng tay, móng chân, hoặc cũng có thể tím tái toàn thân. Khi trẻ tập thể dục, đi lại, lên cầu thang… trạng thái tím tái này càng tăng. Hơi thở của trẻ đứt quãng, khò khè. Thậm chí trẻ có thể bị ngất khi phải lên cầu thang hay tập thể dục. Những trường hợp này, cha mẹ cần lập tức nghĩ đến chuyện con bị tim bẩm sinh, để đưa trẻ đến khám tại bệnh viện. Khi đã có dấu hiệu rõ rệt như thế thì trẻ có thể đã bị các dạng tim bẩm sinh nặng như hẹp động mạch, hẹp đường van cản trở máu lên phổi…

me-phai-lam-gi-khi-trai-tim-con-khong-khoe

Theo kinh nghiệm của một số bác sĩ chuyên khoa tim mạch khác thì phụ huynh cũng nên để ý đến dấu hiệu trẻ hay ngồi xổm, chỉ thích ngồi xổm. Nguyên nhân là vì khi bị tim bẩm sinh, cơ thể trẻ bị thiếu oxy, khó thở nên trẻ sẽ chọn tư thế ngồi này như một cách thích nghi của cơ thể. Khi thấy con có một hoặc nhiều dấu hiệu như đã kể trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và điều trị chính xác. Không nên chỉ cho uống các loại thuốc nam, thuốc bắc hoặc tin vào những cách chữa trị mang tính mê tín dị đoan, có thể làm tình trạng bệnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Bạn nên làm gì khi rơi vào trường hợp ấy?

Một tỷ lệ không nhỏ các bà mẹ (nhất là các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa, không được tiếp cận thông tin đầy đủ) cho rằng con mình bị tim bẩm sinh là do bị… ma ám, bị “ông bà” quở trách. Có không ít phụ huynh, dù được bác sĩ giải thích cặn kẽ về bệnh trạng của con mình vẫn tốn công tốn của đi… cầu “thầy bà” trong khi không biết rằng những điều này chỉ gây ảnh hưởng hơn cho sức khỏe của con mình. 

Bạn cần biết rằng thực tế đa phần trường hợp trẻ bệnh tim bẩm sinh đều bắt nguồn từ nguyên nhân di truyền và do tác động của môi trường lên người mẹ trong lúc mang thai chứ hoàn toàn không phải bị “quở trách” gì ở đây cả. Trường hợp di truyền là do đột biến gen hay đột biến nhiễm sắc thể trong quá trình mang thai, hoặc di truyền từ thế hệ trước. Ví dụ trong gia đình từng có nhiều người bị mắc bệnh tim thì nguy cơ trẻ sinh ra mắc phải bệnh tim bẩm sinh là rất cao. Còn tác động của môi trường là do trong lúc mang thai, người mẹ bị nhiễm các vi-rút cúm, Rubella, ngộ độc hóa chất, thuốc chữa bệnh, bị ảnh hưởng của tia phóng xạ… trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Từ ngày thứ 25 sau khi thụ tinh, hệ tuần hoàn trong bào thai đã bắt đầu hình thành và đến tuần thứ 8 của thai kỳ thì quả tim sẽ được tạo ra hoàn chỉnh. Những nguyên nhân tác động như vừa kể trên nếu xảy ra trong khoảng thời gian này sẽ có thể để lại di chứng cho quả tim, khiến trẻ chào đời với một trái tim không khỏe. Hiểu được điều này để phụ huynh cần bình tĩnh trong việc đón nhận chuyện con mình bị tim bẩm sinh, để tìm cách chữa trị phù hợp cho con thay vì cứ than thân trách phận, tự trách bản thân hoặc tính đến chuyện cầu cúng khi nhìn con cứ tím tái cả người.

Ở trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, tùy trường hợp, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Không phải trường hợp nào, trẻ mắc bệnh tim cũng cần phải cách ly hoàn toàn với các hoạt động thể chất. Nhiều người khi nghe con mắc bệnh tim bẩm sinh liền chỉ cho con… nằm một chỗ, thậm chí cả việc chơi nhẹ nhàng với bạn bè hàng xóm cũng không được phép. Điều này có thể khiến trẻ trở nên cô đơn, buồn bã, trầm uất, ảnh hưởng đến tâm lý nhiều hơn. Thực tế, chỉ trừ bệnh tim nặng, được bác sĩ chỉ định tránh hoạt động thể chất mới cần thiết phải vận động thật nhẹ nhàng. Còn với nhiều trường hợp, việc tập luyện vừa sức sẽ giúp cơ thể trẻ khỏe dần lên, tăng khả năng thích ứng cho cơ thể.

me-phai-lam-gi-khi-trai-tim-con-khong-khoe

Bạn cũng nên thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, để tránh việc trẻ mắc thêm nhiều bệnh khác gây tổn thương thêm cho quả tim đã khá yếu ớt của mình. Dị tật về tim thường là hẹp van, hở van, không có lỗ van, tim chỉ có một tâm nhĩ, hoặc một tâm thất, hay 3 buồng tâm nhĩ, vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim có bất thường. Khi đã xác định được bất thường của tim do đâu, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị và bạn cần tin tưởng vào bác sĩ.

Không phải đứa trẻ bị tim bẩm sinh nào cũng cần phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần dùng thuốc. Tuy nhiên, có một điều bạn cần phải bình tĩnh đối mặt là nếu bác sĩ đề nghị phải phẫu thuật, bạn nên chuẩn bị cả về yếu tố kinh tế lẫn yếu tố tinh thần. Chi phí cho một ca mổ tim thường rất đắt đỏ và cần mổ càng sớm càng tốt.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình từ thiện đã được thực hiện nhằm quyên góp, hỗ trợ chi phí mổ tim cho các trẻ em nghèo đang điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa. Song, con số này vẫn chưa thấm là bao số với số lượng trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cứ ngày một đông lên. Chính vì vậy, có nhiều trẻ lẽ ra phải được mổ sớm vẫn phải mòn mỏi chờ. Càng chờ, cơ thể càng suy kiệt, trẻ càng chậm phát triển, kéo theo vòng lẩn quẩn là điều đó khiến việc cứu chữa càng khó khăn vì sức khỏe của trẻ đã quá yếu!  

Tags:

Bài viết liên quan