Bữa ăn sáng là bữa ăn chính trong ngày, vì sao?
Bữa ăn sáng vô cùng quan trọng. (Ảnh minh họa)
Nhịn ăn sáng là thói quen không tốt, bạn nên từ bỏ thói quen này ngay từ bây giờ. Ăn sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày, là cách tốt nhất để bạn khởi động một ngày làm việc và học tập hiệu quả. Đa phần, những người có thói quen ăn sáng thường xuyên sẽ cảm thấy ăn ngon miệng hơn trong ngày và không bị thừa cân so với những người bỏ bữa.
Lượng thức ăn vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích tiết dịch vị cả ngày, làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Dù bạn là người đang thực hiện chế độ giảm cân, cũng cần phải ăn sáng. Bởi năng lượng trong bữa ăn sáng thường sẽ được sử dụng hết, còn năng lượng từ những bữa ăn chiều hoặc tối sẽ tích lũy trong cơ thể.
Vì vậy, chế độ ăn hợp lý và khoa học nhất chính là “Bữa sáng bạn hãy tự ăn hết lấy, bữa trưa hãy chia cho bạn bè và bữa tối nhường cho kẻ thù”. Bạn sẽ không thể ngờ đến những tác hại của việc nhịn ăn sáng sau đây:
Ảnh hưởng đến tim mạch
Bỏ bữa ăn sáng ảnh hưởng đến tim mạch. (Ảnh minh họa)
Nhịn ăn sáng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Nếu thói quen này kéo dài sẽ gây ra tình trạng huyết áp cao, từ đó dễ dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Điều này, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mãn tính, dễ bị đột quỵ. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí JAMA của Mỹ cho thấy, nếu nam giới bỏ bữa sáng sẽ tăng 27% nguy cơ kéo dài cơn đau tim hơn so với những người ăn sáng.
Giảm năng suất làm việc
Nhịn ăn sáng làm giảm năng suất công việc. (Ảnh minh họa)
Khi năng lượng không được cung cấp sau một khoảng thời gian dài ngưng ăn, ảnh hưởng nhiều đến năng suất làm việc. Bạn sẽ không thể tập trung và làm việc hiệu quả với cái bụng đang đói cồn cào và một tinh thần uể oải.
Suy giảm khả năng miễn dịch
Hệ miễn dịch và sức đề kháng của toàn bộ cơ thể bị thoái hóa, giảm sút nghiêm trọng nếu bạn thường xuyên bỏ bữa ăn sáng. Bởi nguồn năng lượng trong cơ thể ở mức thấp nên buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan làm việc quá sức.
Dễ bị béo phì
Nhịn ăn sáng dễ bị béo phì. (Ảnh minh họa)
Nhịn ăn vào buổi sáng sẽ tăng cảm giác thèm ăn, nên bạn sẽ ăn nhiều vào buổi trưa và tối. Trong khi đó, hoạt động trong buổi chiều và tối thường ít hơn, thức ăn không kịp tiêu hóa hết, khiến lượng mỡ tích tụ càng nhiều. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì. Vì thế, với những ai có suy nghĩ nhịn ăn sáng để giảm cân thì đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư tại Anh, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư.
Ảnh hưởng đến tâm trạng
Nhịn ăn sáng làm thay đổi hóc môn trong cơ thể, từ đó làm tăng hàm lượng cortisol khiến bạn dễ rơi vào tình trạng căng thẳng. Khi hóc môn thay đổi, cộng thêm yếu tố mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn khi bắt đầu một ngày mới. Thậm chí còn làm trí nhớ của bạn giảm sút trầm trọng.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Một nghiên cứu về mối tương quan giữa thói quen ăn uống và sức khỏe đã chỉ ra rằng, những phụ nữ nhịn ăn sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn so với những người ăn sáng đầy đủ. Đặc biệt, chị em trong độ tuổi làm việc nếu bỏ bữa sáng sẽ tăng 54% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Xuất hiện nếp nhăn
Ảnh minh họa
Xuất hiện nếp nhăn trên khuôn mặt là điều mà không ai muốn. Bạn biết không, việc bỏ bữa ăn sáng sẽ khiến bề mặt của da bị khô, không được cung cấp một lượng chất thiết yếu cho da. Từ đó, xuất hiện nhiều nếp nhăn trên da mặt.
Dễ bị bệnh sỏi mật
Sỏi mật cũng là một trong những bệnh thường gặp do tác hại của thói quen nhịn ăn sáng. “Lười” ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, hàm lượng cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi mật.
Hãy để bữa ăn sáng trở thành bữa ăn “điểm tâm” của cả ngày, bạn nhé!
Một bữa ăn sáng hợp lý:
Phải có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối:
– Chất bột (cơm, bún, bánh mì, phở, bánh cuốn).
– Chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu đỗ…).
– Chất béo (dầu, mỡ để rán hoặc xào, bơ để phết lên bánh mì).
– Vitamin và muối khoáng (rau, trái cây).