Thời điểm xuất hiện cơn đau
Đau dây chằng là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ mang thai. (Ảnh minh họa)
Thông thường, đau dây chằng xuất hiện vào thời điểm tam cá nguyệt thứ hai, tức là 3 tháng giữa thai kỳ, với những cơn đau nhẹ và ít. Nhưng cơn đau này sẽ tăng nhiều ở 3 tháng cuối của thai kỳ, bởi lúc này tử cung và thai nhi đã lớn hơn rất nhiều.
Biểu hiện
Ảnh minh họa
Trong suốt 9 tháng thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp phải rất nhiều rắc rối, tạo thành một tâm lý lo lắng, hoang mang, nhất là với những ai mang thai lần đầu. Một số biểu hiện sau đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về hiện tượng đau dây chằng.
– Thai phụ cảm thấy đau khi thay đổi vị trí đột ngột, đặc biệt là lúc đứng dậy hoặc ngồi lâu, lúc hoạt động, đi bộ hoặc làm việc quá nhiều.
– Cơn đau diễn ra ở vùng xương chậu, khung xương chậu, lưng đùi hoặc bụng.
Lưu ý: Khi thấy cơn đau kéo dài và đau dữ dội có kèm theo các triệu chứng như chảy máu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn… thì lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Làm gì để giảm chứng đau dây chằng?
Tư thế ngủ phải thoải mái (Ảnh minh họa)
Nghỉ ngơi hợp lý
Giải pháp tối ưu nhất cho bà bầu là cần được nghỉ ngơi thoải mái, thư giãn, hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu. Không nên làm việc quá sức, nếu làm việc trong môi trường lao động chân tay hoặc phải ngồi nhiều, thì thỉnh thoảng thai phụ nên đi bộ vài phút để giảm cơn đau dây chằng.
Nằm ngủ đúng tư thế
Mẹ bầu nên nằm nghiêng khi ngủ để giúp máu dễ dàng lưu thông từ tim đến các cơ. Đồng thời, nên đặt một chiếc gối kê dưới bụng, chiếc còn lại kẹp giữa hai chân. Cách này sẽ giúp bầu giảm được cơn đau và có một giấc ngủ ngon hơn.
Dùng đai đỡ bụng
Đai đỡ bụng thích hợp cho những lúc mẹ bầu đi bộ nhiều hoặc đi xe đường dài. Loại đai này sẽ hỗ trợ dây chằng trong quá trình nâng đỡ tử cung, giúp mẹ cảm thấy đỡ đau hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lạm dụng nó, bởi khi các cơ nhận được sự hỗ trợ sẽ hoạt động ít đi, kéo theo những hậu quả nguy hiểm cho mẹ sau sinh.