Mẹ&Con - “Bé vitamin” chính là các loại vitamin – người bạn thân thiết của cơ thể bé đấy. Cơ thể không tự sản sinh ra vitamin được, nên vitamin cần được đưa từ ngoài vào, thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày là chính.

Bé cần ít thôi, chỉ một lượng nhỏ (thừa sẽ có hại đấy!), nhưng thiếu thì không được! Ái chà, xem ra những chuyện xoay quanh “bé vitamin” cũng “phức tạp” nhỉ! 

Chuyện thứ nhất: “Bé vitamin” là “ai” nhỉ?

Cùng làm quen nhé! Khái niệm dễ hiểu nhất để mẹ biết rõ về các “bé vitamin” nè: vitamin là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn phải bổ sung bằng đường ăn uống. Vitamin đóng vai trò quan trọng như chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Nhu cầu hàng ngày của cơ thể về vitamin rất ít, nhưng nếu thiếu sẽ gây những rối loạn trầm trọng và nhiều căn bệnh nguy hiểm, nếu kéo dài có thể dẫn đến tử vong.

Có rất nhiều loại vitamin, trong đó có một số loại vitamin thông dụng, quen thuộc như vitamin A, B (B1, B6, B12, v.v.), C, D. Ngoài ra, còn có những vitamin “ngồ ngộ”, lạ hơn như vitamin E, K, F, PP, v.v.. Vitamin có 2 loại chính cần có trong một khẩu phần ăn. Đó là các vitamin cơ bản tan trong chất béo và tan trong nước. Mỗi loại vitamin này đều có những đặc tính riêng.

* Vitamin tan trong chất béo là các vitamin thường gặp khi ăn thịt và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật hoặc chất chiết xuất từ động vật như chất béo (mỡ) và sản phẩm sữa. Những vitamin đó là vitamin A, D, E và K. Các vitamin đặc biệt này tồn tại trên khắp hệ thống trong chất béo của bạn, và nếu bạn quá dư chất này thì cơ thể sẽ lưu trữ nó trong mô mỡ hay gan. Phương pháp này sẽ giúp lưu trữ được một lượng vitamin tan trong chất béo mà không cần phải nạp hàng ngày.

* Các vitamin tan trong nước ngoài được tìm thấy trong thịt và cá, chúng cũng có trong hầu hết rau xanh và trái cây. Không giống như các vitamin tan trong chất béo, các vitamin tan trong nước không thể lưu trữ trong cơ thể, mà chúng sẽ được thải ra ngoài như một chất thải, giống như nước tiểu.

Ban biet gi ve be vitamin

(Ảnh minh hoạ)

Chuyện thứ hai: Đừng nghĩ “bé vitamin” là thần dược!

Bác sĩ đã gặp rồi, nhiều bà mẹ đưa con đến khám dinh dưỡng, cứ hăm hở xin bác sĩ bổ sung cho cháu nhiều nhiều vitamin vào. Mẹ còn nói vanh vách: “Cho cháu uống vitamin A đi bác sĩ, để cháu sáng mắt! Cả vitamin C nữa, để tăng sức đề kháng! Vitamin D để giúp bé tăng chiều cao…”. Thế này thì gay go đấy! Mẹ nhớ nhé, vitamin không phải là… thuốc bổ hay thần dược để giúp con thông minh, khỏe mạnh hơn, không phải “thức uống” muốn uống bao nhiêu thì uống, càng nhiều càng tốt. Không hiếm trẻ đã phải vào bệnh viện điều trị, cấp cứu chỉ vì dùng quá liều các loại vitamin mà không theo chỉ định của bác sĩ đấy nhé.

Ví dụ cụ thể, có mẹ mua dầu cá về ép con uống thật nhiều với hi vọng những viên dầu cá sẽ bổ sung vitamin A cho con, giúp con giữ gìn đôi mắt sáng ngời. Nhưng thực tế, nếu uống quá liều vitamin A có thể gây ra các biểu hiện đau đầu, nôn mửa, v.v.. Kéo dài lâu ngày thì sẽ gây tình trạng ngộ độc mãn tính, khiến trẻ thường xuyên đau nhức xương khớp, dù hãy còn ở độ tuổi mẫu giáo, cấp 1.

Tương tự, một số bà mẹ cứ đều đặn mỗi ngày ép con uống… viên sủi vitamin C mà không biết rằng việc thừa vitamin C (quá 1.000mg/ngày) có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày, gây tiêu chảy cho bé. Bạn cần biết rằng vitamin không phải là thứ có thể lạm dụng. Nhất thiết trong tất cả mọi trường hợp, nếu muốn bổ sung vitamin cho con theo liều cao, hoặc bằng viên uống, phải hỏi và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, dùng không quá 1 tháng theo đúng liều được chỉ dẫn.

Chuyện thứ ba: Làm sao biết “bé vitamin” đã đủ chưa?

Khó với mẹ, đúng không? Thừa không được, thiếu cũng không được. Nhưng làm sao để biết bé yêu nhà mình đã nạp đầy đủ, vừa phải các “bé vitamin”? Đây, mẹ hãy quan sát những triệu chứng này. Nếu thấy bé xuất hiện trên 5 triệu chứng trong danh sách các triệu chứng cần lưu ý, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để khám tổng quát ngay.

– Bé không thích hoạt động, luôn than phiền là “Con mệt!” mỗi khi bạn bảo bé chơi với bạn bè hay tập thể dục.

– Khi thời tiết thay đổi, trẻ thường xuyên bị bệnh.

– Trẻ bị đau nhức chân tay, có khi còn bị chuột rút (vọp bẻ).

– Kết quả học tập của trẻ tại trường không tốt. Trẻ hay cảm thấy chán học, bực bội với chuyện học mà không có nguyên nhân cụ thể nào.

– Trí nhớ của trẻ không tốt. Khi bạn dạy trẻ một điều gì, bạn rất vất vả mới giúp trẻ nhớ được.

– Cô giáo thường phàn nàn việc trẻ lơ đễnh trong lớp học, mất tập trung.

– Ở nhà, giờ học bài/làm bài của trẻ kéo dài đến 4 – 5 tiếng đồng hồ mà trẻ vẫn không sao giải quyết hết lượng bài vở. Một bài thuộc lòng ngắn cũng khiến trẻ mất thời gian rất lâu để thuộc.

– Trẻ hay đánh em, gây sự với bạn bè.

– Trẻ thường nói với bạn là trẻ thèm một món gì đó ghê gớm, ví dụ thèm cà rốt, rau muống, trứng chiên, v.v..

– Bé khá vụng về, trẻ thường đánh vỡ đồ đạc và gần như đụng vào cái gì là “hư bột hư đường” cái đó.

– Trẻ rất hay vấp ngã, đặc biệt vào buổi chiều tà.

– Giấc ngủ của bé dù buổi trưa hay buổi tối đều chập chờn. Trẻ hay nói với bạn là mơ thấy ác mộng.

– Bé đổ mồ hôi nhiều khi ngủ.

– Những vết thương, vết viêm nhiễm (dù nhỏ) cũng thường bị tái đi tái lại, rất lâu lành.

– Bé có những dấu hiệu bất thường như rụng tóc, chảy máu cam, viêm nướu, v.v..

– Trẻ thường hay bị tiêu chảy. Ăn uống món lạ một chút cũng khiến trẻ tiêu chảy.

– Da trẻ không mịn màng như da trẻ con thường thấy. Bạn nhận ra da con khô bất thường, hay bong tróc vảy.

– Móng tay trẻ rất mềm và yếu, dễ gãy. Trên móng thường xuyên xuất hiện những nốt trắng (dân gian gọi là “hạt gạo”).

– Trẻ hay bị chảy máu chân răng.

– Khi có va chạm nhẹ, trẻ cũng dễ xuất hiện các vết bầm tím trên da.

Ban biet gi ve be vitamin

(Ảnh minh hoạ)

Chuyện thứ tư: Nếu thiếu “bé vitamin”, con bạn sẽ…

Thừa vitamin không tốt, nhưng thiếu hụt vitamin, bất kỳ loại nào, cũng nguy hiểm không kém. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện ở các nước chậm phát triển, mỗi năm vẫn có trên nửa triệu trẻ em bị mù vì thiếu vitamin A, trong khi phương thức phòng ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin A lại rất đơn giản.

Bảng thống kê nho nhỏ này sẽ giúp mẹ nhìn lại kỹ hơn, hiểu rõ tác hại của việc thiếu từng loại vitamin và cách điều trị đấy! 

lợi ích của vitamin cho bé

 
Ban biet gi ve be vitamin

(Ảnh minh hoạ)

Chuyện thứ năm: Tốt nhất bạn nên chọn những “bé vitamin” từ thực phẩm

Thật vậy đấy! Bác sĩ xin khẳng định ngay với mẹ, trừ trường hợp trẻ thiếu ở mức quá trầm trọng, còn lại, vitamin chỉ nên bổ sung cho cơ thể thông qua chế độ ăn phong phú, đầy đủ các chất là được.

Nhưng làm sao để giữ nguyên lượng vitamin trong thực phẩm? Điều này không phải mẹ nào cũng biết. Vậy mẹ hãy đọc những hướng dẫn dưới đây nhé!

1. Xin nhắc mẹ nhớ một điều, vitamin rất dễ mất đi, hao hụt trong quá trình chế biến. Chính vì thế, để bảo toàn đủ lượng vitamin, với rau củ quả, mẹ nên chọn loại tươi xanh, mua về chế biến ngay trong ngày. Hạn chế việc đi siêu thị 1 –  2 tuần/lần, khuân cả đống rau củ chất vào tủ lạnh, mỗi ngày ăn một ít. Rau củ nếu để lâu thì qua mỗi ngày, lượng vitamin sẽ hao hụt đi một ít. Chỉ cần sau 1 tuần lễ cất giữ bó rau trong tủ lạnh thì có thể lượng vitamin trong món canh nấu cho trẻ đã chẳng còn lại bao nhiêu.

2. Trong quá trình chế biến, nên để nguyên rau củ (củ lớn, rau nguyên cọng) để rửa sạch, sau đó mới thái nhỏ và cho vào nồi nấu luôn. Nếu ban đầu bạn xắt rau thành từng miếng nhỏ hoặc thái các loại củ rồi mới mang đi rửa thì vitamin sẽ mất đi rất nhiều.

3. Khi luộc rau hoặc nấu canh, phải đợi nước thật sôi mới cho rau vào. Nếu bạn cho rau từ khi nước còn lạnh (chưa sôi), lượng vitamin sẽ mất đi một phần lớn. Nên nấu thật nhanh, rau vừa chín là nhắc xuống, không để lâu. Nếu lúc nấu bạn mở nắp xoong, vitamin sẽ mất đi nhiều hơn. Vì vậy, bạn nên đậy nắp khi nấu canh, luộc rau. Rau củ nấu xong nên ăn ngay (ăn khi món ăn còn nóng sốt). Không nên nấu nồi canh từ sáng sớm để đến trưa mới ăn vì lượng vitamin sẽ hao hụt đi theo thời gian.

Tags:

Bài viết liên quan