Khi nào cần tìm đến món ăn “bổ máu”?
Trẻ nhỏ sinh non, thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng từ bé thì đến giai đoạn 2-3 tuổi có khi vẫn chịu những hậu quả, trông xanh xao yếu ớt hơn trẻ bình thường. Bạn có thể bồi bổ cho con bằng những món ăn mang tính chất “bổ máu” trong trường hợp này. Ngoài ra, những bé gái đến tuổi dậy thì, bắt đầu có chu kỳ hàng tháng cũng rất dễ bị thiếu máu do thiếu sắt, hay mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, học hành kém hiệu quả. Đây là lúc quan trọng, nhất thiết cần bổ sung vào thực đơn của con các món ăn mang tính chất bồi bổ, khắc phục tình trạng thiếu máu.
Với trẻ đang tuổi lớn, phát triển bình thường, không nên lạm dụng quá mức các món ăn “bổ máu” này, tuy nhiên vẫn có thể xen kẽ, khéo léo đưa vào thực đơn hàng ngày của trẻ, giúp bé ăn uống đầy đủ chất để có thể phát triển hoàn thiện nhất. Song, một điều cần lưu ý trước tiên với mẹ là suy nghĩ “ăn gì bổ nấy” vốn ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam trong trường hợp này lại rất sai lầm. Nghĩa là, bạn cần ý thức ngay ban đầu: Món ăn “bổ máu” không phải là những món ăn trực tiếp được làm từ… máu gà, máu vịt, máu heo, máu bò, máu rắn, như tiết canh chẳng hạn!
Máu gồm hai phần. Phần thứ nhất là huyết cầu (tế bào máu) chiếm 45% thể tích máu, trong đó hồng cầu chiếm 96%, bạch cầu 3% và tiểu cầu 1%. Trong hồng cầu có chứa huyết cầu tố (hemoglobin, Hb) là thành phần quan trọng nhất đảm trách nhiệm vụ đưa dưỡng khí (oxy) đến mọi cơ quan và mang CO2 từ các cơ quan về phổi để thải loại ra ngoài. Thiếu máu theo định nghĩa y học là thiếu hồng cầu, cụ thể là thiếu huyết cầu tố. Phần thứ hai là huyết tương (phần dịch lỏng) chiếm 55% thể tích máu. Chức năng của huyết tương là vận chuyển các huyết cầu, chất dinh dưỡng, các hormone, vitamin, chất đông máu… đi khắp cơ thể.
Muốn “bổ máu” nghĩa là phải tạo thêm hồng cầu mới, tạo máu. Lúc đó, cơ thể cần phải có chất đạm cụ thể là các axit amin để tổng hợp ra phân tử globin của huyết cầu tố, có chất sắt, các vitamin B12, B6 và axit folic để hỗ trợ quá trình này. Trong khi nếu bạn lại cho con ăn tiết canh (với quan niệm ăn máu bổ máu) thì cơ thể không hề hấp thụ được, lại rất nguy hiểm cho trẻ vì món “máu sống” này rất mất vệ sinh, chứa nhiều ký sinh trùng, mầm bệnh, có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe của bé (vốn còn rất yếu so với người lớn).
Thực phẩm có nhiều chất sắt, khi được bổ sung vào cơ thể của bé một cách hợp lý sẽ giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt.
Món ăn tốt cho con?
Bạn lưu ý, trước khi tham khảo những thực đơn này, lại phải cảnh báo bạn một chuyện quan trọng nữa là việc áp dụng các món ăn “bổ máu” chỉ được thực hiện cho trẻ trên 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi, nhất là dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không được tự ý bổ sung cho trẻ bất kỳ món ăn “bổ máu” nào mà không hỏi qua ý kiến bác sĩ. Hãy biết rằng trẻ dưới 6 tháng tuổi có một số đặc điểm sinh lý khác trẻ lớn hơn. Do đó, sự chuyển hóa các chất, đặc biệt là những chất độc chưa hoàn chỉnh. Công thức “bổ máu” duy nhất có thể áp dụng trong dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi là sữa mẹ hoặc các loại sữa bột đặc thù cho trẻ suy dinh dưỡng.
Nhiều bà mẹ thấy củ dền màu đỏ, nghe nói củ dền “bổ máu” nên đã lấy nước củ dền pha sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống. Điều này dẫn đến tình trạng ngộ độc phải cấp cứu, có khi nguy đến tính mạng của trẻ! Xin nhắc lại một lần nữa, củ dền chứa rất nhiều nitrat, nitrit. Khi cho trẻ uống sữa pha bằng nước củ dền, trẻ sẽ bị ngộ độc nitrit, khó thở, tím tái, suy hô hấp. Với trẻ lớn hơn 1 tuổi và người lớn, việc “hóa giải” này sẽ được thực hiện dễ dàng, nhưng với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (nhất là dưới 6 tháng tuổi) thì nguy cơ gây hại đến tính mạng trẻ hoàn toàn có thể xảy ra.
Cảnh báo!
Tuyệt đối không pha sữa cho trẻ nhỏ bằng nước củ dền!
Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng có lần tiếp nhận một bệnh nhi có dấu hiệu ngưng thở do suy hô hấp, toàn thân tím đen. Phải mất hơn hai ngày cấp cứu tích cực, các bác sĩ mới may mắn cứu được bệnh nhi. Nguyên nhân được xác định là do thành phần có trong củ dền. Mẹ bé cho biết, vì thấy con xanh xao, sinh thiếu tháng nên dù bé mới 5 tháng tuổi, chị vẫn dùng nước củ dền pha sữa cho con!
Quay lại chuyện các món ăn “bổ máu” cho trẻ trên 1 tuổi. Như đã nói, một trong những cách giúp “bổ máu” là bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt. Sắt trong thực phẩm tồn tại ở hai dạng khác nhau: gọi là dạng sắt heme và dạng không heme. Dạng sắt heme có trong thức ăn từ nguồn gốc động vật. Sắt heme dễ dàng hấp thu tại đường ruột. Bạn có thể tìm thấy sắt dạng heme trong các món như: gan heo, gan gà, gan bò, tim bò, tim gà, tim heo, thịt bò, tôm, cá mòi, trai, sò, nghêu, lòng đỏ trứng gà, lòng đỏ trứng vịt…
Dạng thứ hai, sắt không heme bị phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất gây tăng hấp thu hoặc cản trở sự hấp thu sắt. Sắt không heme có nhiều trong rau, nhất là rau có màu xanh thẫm như rau ngót, rau dền đỏ, xà lách xoong, súp lơ, cần ta, cần tây, rau bí, rau đay, rau muống, hoặc các loại đậu đũa, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu xanh, các loại mộc nhĩ, nấm hương khô…
Ngoài sắt, cũng cần bổ sung cho cơ thể các loại vitamin B12, B6, đặc biệt là axit folic (vitamin B9). Thiếu axit folic sẽ làm chậm sự phân chia tế bào máu, gây thiếu máu. Axit folic có nhiều trong gan động vật, rau có màu xanh thẫm. Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số loại thực phẩm dễ tìm có chức năng bổ máu trong phần kế tiếp, để giúp bồi bổ cho con.
Trẻ thiếu máu thường mệt mỏi, kém ăn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tóc thưa dễ rụng, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động, ngôn ngữ và giảm trí thông minh, kết quả học tập kém hơn so với những trẻ cùng lứa tuổi.
Hỏi & Đáp
H:
Ngoài chế độ dinh dưỡng, có cách nào để giúp “dưỡng máu” cho con, giúp bé tránh được tình trạng thiếu máu, gầy gò xanh xao không, thưa bác sĩ?
Quỳnh Chi
(Quận 4)
Đ:
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn cần biết rằng việc đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, ngủ sâu, đúng giờ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình “dưỡng máu” cho trẻ. Việc tập thể dục cũng sẽ giúp tăng cường thể lực và chức năng tạo máu. Do đó, ngay cả ở trẻ nhỏ, bạn vẫn cần hướng dẫn cho trẻ các động tác thể dục, cho con đi ra ngoài trời hít thở không khí, vận động tay chân để khí huyết lưu thông. Sau cùng, có thể bạn hơi bất ngờ, nhưng chính tâm trạng vui vẻ, thoải mái của trẻ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp “dưỡng máu”, tránh tình trạng thiếu máu, yếu nhược xanh xao. Bạn có thể dành nhiều thời gian cho con, cho trẻ chơi đùa, vận động, tiếp cận nhiều với thiên nhiên quanh mình. Tất cả những điều đó đều hết sức tốt cho quá trình “dưỡng máu”.