Mẹ&Con – Nghe cụm từ “bệnh về tuyến giáp”, “suy giáp trong thai kỳ”, “suy giáp bẩm sinh”… thì có vẻ xa lạ, nhưng nhắc đến chuyện thiếu i-ốt thì chắc hẳn bạn sẽ thấy gần gũi hơn rất nhiều! Bà bầu nào cũng được nhắc đừng để thiếu i-ốt, vì thiếu i-ốt sẽ dễ dẫn đến suy giáp ở mẹ và ở cả thai nhi trong bụng.

Hại thế nào nếu thiếu?

Thông thường, khi nhắc đến các vi chất, khoáng chất quan trọng với cơ thể, người ta hay nghĩ đến canxi, sắt, kẽm… nhưng i-ốt thì lại thường bị bỏ quên. Trong khi đó, thật ra i-ốt đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển cơ thể con người. Nó giúp tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa… duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Khi mang thai, nhu cầu i-ốt của cơ thể sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu hormon tuyến giáp cho mẹ và sự phát triển của bé yêu trong bụng. Nếu bị thiếu i-ốt trong giai đoạn này, thai phụ rất dễ gặp phải các nguy cơ như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, ảnh hưởng tới sự phát triển bào thai, nhất là bộ não của trẻ.

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh được rằng thiếu i-ốt ở thai phụ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra những em bé chậm phát triển trí tuệ, đần độn hoặc mang khuyết tật. Với bản thân người mẹ, những biến chứng trong quá trình vượt cạn thậm chí có thể đe dọa đến chính sức khỏe và tính mạng của người mẹ.

Dung de bau thieu i-ot

(Ảnh minh hoạ)

Nguy hiểm là thế, song vẫn không nhiều bà mẹ dành sự quan tâm thật sự đến điều này. Nhiều người thậm chí còn không biết i-ốt quan trọng với thai kỳ của mình. Cụ thể, trong một điều tra với 776 thai phụ tại TP.HCM, tỷ lệ thiếu iốt nhẹ là 33,6%, thiếu vừa là 27,3%, thiếu nặng là 11,9%! Tỷ lệ thai phụ có sử dụng muối i-ốt là 68,1%, nhưng dùng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh và đúng cách chỉ có 56,8%.

Những kết quả trên rất đáng lo ngại và cần được báo động. Vì khi hỏi đến “bầu”, hầu hết đều biết cần… ráng uống sữa trong thai kỳ để bổ sung canxi, nhưng lại không hề biết rằng mình thuộc nhóm thiếu i-ốt nhẹ, vừa hoặc nặng.

Cũng xin nói thêm rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà tình hình chung, nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây là nguyên nhân quan trọng nhất gây tổn thương não và hệ thần kinh mà chúng ta có thể phòng ngừa được.

Một chi tiết khác cũng rất đáng được nhắc đến và quan tâm, đó là theo khảo sát, khi đưa ra những câu hỏi về kiến thức phòng chống thiếu i-ốt (tác hại khi bị thiếu i-ốt ở thai phụ, biện pháp phòng chống thiếu i-ốt, cách bảo quản muối i-ốt), tỷ lệ biết 1 tác hại của thiếu i-ốt là 58,5%, biết từ 2 tác hại trở lên là 17,5%, biết đầy đủ 3 tác hại trở lên chỉ có 1,4%! Điều này góp phần thêm một lần nữa cho thấy sự lơ là của các bà bầu về i-ốt cũng như bệnh về tuyến giáp đáng ngại thế nào.

Mẹ có biết

Thiếu i-ốt gây ra nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là ở thai phụ. Thiếu i-ốt trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, chết chu sinh ở trẻ, hoặc trẻ sinh ra bị thiểu năng tuyến giáp, bướu cổ, điếc, chậm phát triển cả trí não lẫn thể chất.

Tại Việt Nam, mặc dù chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt đã được triển khai từ năm 1995 trên toàn quốc nhưng đến năm 2005 thì tỷ lệ i-ốt niệu dưới mức đủ để phòng bệnh ở phụ nữ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) tại TP.HCM vẫn còn rất cao (59,9%).

Bổ sung i-ốt thế nào cho đúng cách?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bổ sung i-ốt vào muối là cách hiệu quả nhất để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một chuyện rất quan trọng là cần chọn muối i-ốt “đúng chuẩn”, tức có chứa hàm lượng i-ốt trong muối phù hợp.

Không nên mua các loại muối i-ốt không có cơ sở sản xuất, cơ quan kiểm định rõ ràng. Thêm một lời nhắc không thừa, i-ốt là một chất dễ bay hơi nên việc bảo quản trong quá trình sử dụng cũng rất quan trọng. Bạn cần buộc chặt túi muối sau khi đã mở, hoặc đựng muối trong lọ kín, đặt ở chỗ mát, tránh đặt gần bếp hay nơi có ánh nắng mặt trời trực tiếp rọi vào. Thức ăn nấu sôi không nên nêm muối vào ngay mà đợi thức ăn chín, tắt bếp, sau đó mới nêm muối để hạn chế việc i-ốt mất đi vì bị đun sôi lâu.

Ngoài muối i-ốt, bạn có thể chọn các loại sữa công thức dành cho bà bầu có bổ sung sẵn lượng i-ốt, ăn thêm một số hải sản như cua, cá… Đặc biệt, đừng đợi đến lúc bắt đầu mang thai mới lo kiểm tra xem tuyến giáp của mình có ổn không và chú ý đến chuyện bổ sung i-ốt đầy đủ.

Nếu đợi đến lúc đó, bạn có thể đã khá trễ và gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng rồi. Cần biết rằng việc thiếu i-ốt ở thai phụ sẽ ảnh hưởng khác nhau trong các giai đoạn của thai kỳ. Trong 12 tuần đầu, sự phát triển của thai nhi dựa vào hormon do tuyến giáp của mẹ sản xuất là chủ yếu.

Từ khoảng giữa thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi mới bắt đầu sản xuất hormon tuyến giáp và hoạt động này là tuyệt đối cần thiết cho sự phát triển hoàn chỉnh của thai nhi.

Do vậy, khi sự thiếu i-ốt xảy ra từ trước khi mang thai hoặc trong suốt nửa đầu thai kỳ thì sẽ tiếp tục dẫn đến thiếu hụt trầm trọng trong giai đoạn sau do nhu cầu i-ốt tăng cao ở giai đoạn kế tiếp, đáp ứng cho sự phát triển nhanh của thai nhi.

Tốt nhất, ngay khi có ý định mang thai, bạn đã cần kiểm tra sức khỏe, trong đó có tình trạng tuyến giáp, điều trị tích cực nếu có bệnh cũng như chú trọng đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, nhất là không để xảy ra tình trạng thiếu hụt i-ốt, ngay từ trước lúc mang thai và duy trì trong suốt thai kỳ. 

Khi nào nên nghi ngờ tuyến giáp có bệnh?

Đó là khi bạn xuất hiện các dấu hiệu đau nhức các cơ và khớp ở cánh tay, cổ tay, cổ chân. Cổ trở nên khó chịu, có cảm giác sưng cổ, khó chịu, giọng khàn, tuyến giáp mở rộng rõ rệt. Bạn cũng sẽ nhận thấy tóc và da có dấu hiệu tổn thương. Nếu suy giáp, tóc trở nên khô, dễ gãy. Da thô, dày, khô ráp và có vảy như da rắn. Còn nếu tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp), tóc sẽ rụng nhiều và da trở nên mỏng, yếu ớt.

Bạn cũng có thể gặp phải các vấn đề như táo bón, tiêu chảy, co thắt ruột… Chu kỳ “đèn đỏ” không đều cũng là dấu hiệu của tình trạng tuyến giáp có vấn đề. Trong đó, nếu suy giáp, chu kỳ có thể dài hơn. Ngược lại, chu kỳ ngắn và thưa thường do cường giáp. Ngoài ra, bạn còn nên kiểm tra về tuyến giáp nếu thấy xuất hiện cảm giác mệt mỏi nhiều, đôi khi ngủ đủ 8 tiếng buổi tối mà thức dậy vẫn thấy như kiệt sức, khó khăn để làm việc trong ngày.

Tags:

Bài viết liên quan