I-ốt là gì ấy nhỉ?
Mẹ từng nghe nhắc đến i-ốt rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như gói muối mua ngoài chợ cũng in rõ ràng trên nhãn: Muối i-ốt. Mắng ai đấy chậm chạp hay thiếu bén nhạy, bạn bè ở cơ quan vẫn gọi đùa: Thiếu i-ốt à?! Thực chất, i-ốt là một vi chất dinh dưỡng, cơ thể chỉ cần một lượng cực kỳ nhỏ nhưng hễ thiếu là sinh chuyện ngay. I-ốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cơ thể con người sử dụng nó để tổng hợp hormone tuyến giáp. Đặc biệt, i-ốt rất cần cho bà mẹ mang thai và cho trẻ nhỏ, vì nếu thiếu chất này, bào thai cũng như thiên thần bé bỏng của bạn có khả năng phát triển không hoàn thiện, xảy ra những ảnh hưởng, hư hại thần kinh.
Cụ thể, nếu như tình trạng thiếu i-ốt xảy ra ngay khi em bé còn nằm trong bụng mẹ, thai phụ thiếu hụt i-ốt trầm trọng thì bé yêu có khả năng mắc phải nguy cơ đần độn. Sau khi chào đời, bắt đầu lớn lên, bé vẫn rất cần i-ốt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Việc thiếu hụt i-ốt trong trường hợp này có thể làm cho bé bị bướu cổ, làm chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, kém linh hoạt, suy giảm hoạt động chức năng hệ thần kinh, tâm thần…
Nhu cầu i-ốt của con người không cần phải quá nhiều, chỉ khoảng 100-150 micrôgam (mcg) là đủ. Tính ra, so với sắt, trong cơ thể i-ốt ít hơn lượng sắt khoảng 100 lần. Tuy nhiên, cái phần ít ỏi này nếu thiếu hoặc thừa có khả năng ảnh hưởng đến sự trì trệ, dị tật, nhất là các bệnh lý tuyến giáp.
Giải thích một cách dễ hiểu nhất về mối liên hệ giữa i-ốt và bệnh bướu cổ là khi thiếu i-ốt, tức nồng độ i-ốt trong máu thấp, tuyến yên được kích thích bài tiết một hormone kích giáp trạng là TSH. Chất này được đưa tới tuyến giáp để bắt tuyến giáp làm việc nhiều hơn, nhằm tổng hợp thêm hormone giáp trạng. Hậu quả là tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ.
Bạn cần để ý một điều quan trọng: Mỗi năm, Bộ Y tế vẫn dành một khoản kinh phí rất lớn cho chương trình phòng chống thiếu hụt i-ốt, nhưng… hiện tượng thiếu hụt i-ốt vẫn xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người tưởng rằng đã được bổ sung i-ốt đầy đủ, việc chống bướu cổ đã xong trong đợt đó nên không cần thiết duy trì nữa. Trong khi thực chất, i-ốt là một vi chất cơ thể không tự tổng hợp được, nên cần được bổ sung thường xuyên, đều đặn qua đường ăn uống, chứ không thể năm nay bổ sung đủ rồi thì… ngưng, năm sau không cần quan tâm nữa!
Trong cơ thể, trên 75% i-ốt được tập trung ở tuyến giáp để tổng hợp hormone giáp trạng. Phần còn lại được phân bố trong các mô khác như nước bọt, tuyến vú, dịch tiêu hóa và thận.
Làm sao bổ sung i-ốt cho con?
Điều may mắn là bổ sung i-ốt không khó, vì vi chất này có chứa nhiều trong những loại thực phẩm như rong biển, hải sâm, mực, tôm, cá… Hàm lượng i-ốt của thực phẩm ở các miền biển thường cao hơn miền núi. Vì thế, nếu như may mắn con bạn sinh trưởng ở vùng biển, hoặc con thích ăn hải sản, cá, các món từ biển thì hiếm khi nào trẻ bị thiếu vi chất này.
Bạn có thể tham khảo trong bảng dưới đây lượng i-ốt trong một số thực phẩm thường gặp để có thể “cân đong đo đếm” cho phù hợp.
Lượng i-ốt trong một số thực phẩm thường gặp
Tuy nhiên, có một việc quan trọng cần chú ý là i-ốt có khả năng bị hao hụt trong quá trình bảo quản hay chế biến. Ví dụ như muối i-ốt khi bị mang phơi nắng, đun sôi lâu trong nước sẽ bị mất tác dụng. Do đó, khi nêm nếm thức ăn, để giữ lượng i-ốt thì cần cho muối i-ốt vào khi thức ăn gần chín, chỉ nêm thêm rồi nhắc nồi xuống. Ngoài ra không nên rang muối i-ốt, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.
Cũng cần lưu ý một việc quan trọng là không phải càng cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa i-ốt thì càng tốt. Quá nhiều i-ốt sẽ làm tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp, cường giáp. Nhu cầu i-ốt của trẻ mỗi ngày là: Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 40 mcg, trẻ từ 6 đến 12 tháng cần 50mcg, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 70mcg, trẻ từ 4 đến 9 tuổi cần 120 mcg, trẻ từ 10 đến 12 tuổi cần 140 mcg.
Nếu lượng I-ốt được cung cấp quá nhiều do cung nhiều hơn nhu cầu hoặc uống thuốc chứa I-ốt thường xuyên… sẽ gây nên hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave (Basedow), ngoài ra còn có u tuyến độc giáp (Toxic Adenoma), viêm tuyến giáp (Thyroiditis).
I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
Đừng thiếu, đừng thừa!
Thiếu i-ốt cho dù là thể nhẹ cũng làm giảm năng lực học tập, chậm phát triển trí tuệ, giảm khả năng lao động, lùn, nói ngọng, đần độn… ở trẻ.
Tuy nhiên, nếu lượng i-ốt được cung cấp quá nhiều sẽ gây nên hội chứng cường giáp, hay gặp nhất là bệnh Grave (Basedow), ngoài ra còn có u tuyến độc giáp (Toxic Adenoma), viêm tuyến giáp (Thyroiditis).
Sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống là đủ nhu cầu i-ốt cho cơ thể trẻ và phòng được các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Hỏi & Đáp
H:
Con tôi được 6 tuổi. Mới đây, bác sĩ nói cháu có dấu hiệu thiếu i-ốt và dặn dò phải bổ sung đầy đủ i-ốt vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé. Tuy nhiên, tôi vẫn không rõ lắm phải bổ sung như thế nào cho không thừa, không thiếu. Xin hướng dẫn cặn kẽ giúp tôi…
Lê Thị Quế Trâm
(Q.11)
Đ:
Bạn có thể thay muối ăn hàng ngày bằng muối i-ốt. Hàng ngày, bổ sung thêm cho bé một số món hải sản như cá, tôm, cua, các loại rau câu, rong biển, tảo biển, rau xanh… Ngoài ra, cho trẻ ăn trứng 2 ngày/quả hoặc cho bé uống sữa cũng là cách cung cấp i-ốt. Một cách khác là bạn nêm thêm một chút nước mắm vào những món ăn của trẻ. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu rõ nhu cầu i-ốt của con hàng ngày là bao nhiêu (dựa theo độ tuổi), từ đó “canh” mức i-ốt vừa phải. Đừng cho con ăn quá mặn với hi vọng bổ sung i-ốt vì việc này chỉ làm cho thận của bé phải hoạt động quá tải thôi.