Câu nói ấy chỉ là… lí thuyết
Không tin là đúng. Hằng và Quang yêu nhau tha thiết, chỉ mong có thời gian rảnh rỗi là gặp nhau. Cả khi không rảnh rỗi cũng tìm mọi cách để gặp cho bằng được. Họ suốt ngày nhắn tin, chat chít qua mạng, rồi thì điện thoại, email… tưởng như chẳng bao giờ hết chuyện nói với nhau.
Khi gặp nhau rồi thì cảm giác thời gian luôn bị thiếu một cách trầm trọng, cứ muốn buổi tối dài ra vài tiếng nữa. Ấy vậy mà bà chị phán một câu xanh rờn: “Chỉ được thời đầu thôi, nhỏ ạ! Vài năm sau là sống với nhau chỉ vì con cái và cái nghĩa là chính”.
Hằng cho rằng, tình cảm vợ chồng không ai giống ai. Mỗi người có mỗi cách yêu và cảm nhận tình yêu khác nhau. Tình yêu của Hằng và Quang sâu đậm đến mức họ không thể sống thiếu nhau, vậy thì cớ gì mà hết tha thiết nhau chứ! Hơn nữa, Hằng không phải là cô gái ảo tưởng, tâng bốc tình yêu thành cái gì đó quá lung linh, kỳ diệu.
Với cô, tình yêu chỉ là sự thông cảm, thấu hiểu và cùng nhau sánh bước, vượt qua mọi khó khăn cho đến cuối cuộc đời. Vì vậy, cô chắc mẩm tình yêu của mình không rơi vào tình trạng “chỉ còn cái nghĩa” như những người đi trước “phán”.
Suy nghĩ đó chỉ tồn tại đúng 3 năm đầu. Trong khi cả hai vẫn tin “chắc mẩm” rằng tình cảm của họ không bị nguội lạnh nhưng gần như một quy luật, điều gì đến cũng đến.
Hạnh phúc là thứ mong manh không thể nắm trong tay
Có rất nhiều nguyên do dẫn đến những cặp vợ chồng tắt hẳn ngọn lửa yêu thương so với thời gian đầu đầy nồng nàn mà họ có. Nói gần giống như một quy luật cũng không sai. Bản chất của con người vốn dễ nhàm chán với những gì mình có.
Hạnh phúc cũng như vậy, nếu như ngày nào vợ chồng bạn cũng cảm thấy hạnh phúc thì rõ ràng, đó không còn là hạnh phúc. Tương tự như khi thỉnh thoảng bạn thưởng thức một món ngon nào đó, sẽ rất ngon. Tuy nhiên, nếu món đó lặp đi lặp lại trên bàn ăn nhà bạn mỗi ngày, thử tưởng tượng sẽ ngán ngẩm thế nào?
Tình yêu không phải là một món ăn nhưng hạnh phúc mà bạn đang có chỉ là thứ cảm nhận được chứ không thể nào nắm bắt được, vì thế mà nó mong manh đến vô chừng.
Đến một ngày, Hằng quyết định đi du lịch một mình mặc cho bao cặp mắt bạn bè trợn tròn đầy những dấu chấm hỏi. Cô đã thấy “ngán” ông chồng – tình yêu không thể thiếu một thời – của cô đến tận cổ. Sự ngán ngẩm như được tích trữ lâu ngày và chỉ chờ thời cơ để bùng lên.
Hỏi đến thì có trăm ngàn lý do dẫn đến sự nhàm chán của họ. Xem chừng còn nhiều hơn cả khi họ thao thao bất tuyệt nói về nhau ở cái thời tình yêu còn nồng nàn. Hằng thở dài: “Đúng là những người đi trước có đầy kinh nghiệm, họ nói có sai bao giờ”.
Sống với nhau vì nghĩa
“Nói ra thì có vẻ như làm “nản chí anh hùng” của những cặp đôi yêu nhau, nhưng nó hoàn toàn đúng. Cũng nên biết trước như vậy để chuẩn bị tinh thần chấp nhận, khỏi phải shock, rồi than thở, buông thả, ngoại tình này nọ” – chị Thu Trang (Q.3) chia sẻ.
Thực chất thì điều đó cũng chẳng khó chấp nhận cho lắm. Ở mỗi lứa tuổi, người ta cảm nhận về tình yêu khác nhau. Từ đó, sự đòi hỏi từ vợ/ chồng mình cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu thời mới cưới, bạn chỉ muốn cả hai dành thời gian cho nhau, cho gia đình thì đến một lứa tuổi nào đó, bạn lại cần một không gian riêng. Sau giờ phút làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ, bạn lại muốn một mình. Bạn có những tâm tư riêng mà không hẳn cần đến sự chia sẻ của chồng /vợ mình.
Đương nhiên, sự riêng tư đó cũng có thể bắt nguồn từ sự bất mãn, không hài lòng ở nhau, cũng có khi là bản tính của bạn. Nhưng một khi vợ/chồng đề nghị cần có một khoảng không gian riêng như thế thì cũng không việc gì phải hốt hoảng lên.
Có rất nhiều cặp vợ chồng, họ sống với nhau vì bổn phận, vì tránh nhiệm với con cái. Khi hỏi đến tình yêu, họ chỉ cười xòa: “Làm gì có, sống với nhau chẳng qua chỉ vì cái nghĩa”. Đó như một điều rất bình thường. Tuy vậy, cho dù không còn tình yêu, họ vẫn gắn bó với nhau, cùng nhau vượt qua đến răng long đầu bạc đấy thôi. Suy cho cùng, cái nghĩa giúp họ sống với nhau ấy giống như một bước ngoặt thứ hai sau tình yêu của hôn nhân vậy.
BẢO ANH
Gái không may làm vợ người tài tử
Trai không may làm chồng kẻ hồng nhan
(Cao Bá Quát)