Cứ như đến hẹn lại lên, có những căn bệnh cứ đến Tết là hoành hành. Do đặc điểm về thời tiết và khí hậu đặc trưng của không khí Tết, đặt biệt việc ăn uống không điều độ cũng như lịch sinh hoạt vui chơi của bé bị xáo trộn làm phát sinh những nhóm bệnh trẻ em ngày Tết đặc trưng.
Theo báo cáo tổng kết từ các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, số trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… vào dịp Tết thường tăng cao hơn ngày thường từ 20% đến 25%.
Bệnh trẻ em ngày Tết: Viêm đường hô hấp cấp
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý:
Do thời tiết và không khí những ngày xuân trở nên nóng và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp phát triển.
Ngày Tết, bé phải thường xuyên theo cha mẹ ra đường du xuân, đến công viên và đi thăm họ hàng, cơ hội tiếp xúc với khói bụi ngoài đường và những nguyên nhân gây bệnh tăng cao làm bé rất dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm a-mi-đan, viêm phổi, viêm phế quản…
Khi bị viêm đường hô hấp cấp bé thường bị ho, than đau họng, chảy nước mũi, một số trẻ bị nặng hơn có thể bị sốt cao, đau đầu hoặc nôn ói nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, làm cho bé ăn, uống rất khó khăn khiến cha mẹ phải lo lắng.
Xử trí và chăm sóc:
Cho bé uống thuốc giảm ho an toàn từ thảo dược thiên nhân có sẵn trong nhà. Nếu trẻ bị sốt, hạ sốt cho bé bằng các loại thuốc thông thường… trong tủ thuốc gia đình. Nếu sau 2 – 3 ngày tình trạng bệnh không cải thiện, bạn nên sớm đưa bé đi khám với bác sĩ.
Biện pháp phòng ngừa:
Chú ý chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý giúp trẻ tăng sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật, cần giữ ấm cho bé nhất là vào ban đêm, không nên cho bé đi ra ngoài đường quá khuya để đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và nghỉ ngơi của bé, nếu cần nên mang khẩu trang cho bé để tránh gió bụi mỗi khi cho bé ra đường.
Bệnh trẻ em ngày Tết: Rối loạn tiêu hóa
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý:
Ăn bánh kẹo nhiều hoặc trái cây trưng tết có thể làm cho bé cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn.
Đôi khi lại do bé ham chơi, không ăn uống điều độ. Bé thường bị đầy bụng, khó tiêu, đôi khi bị đau bụng dữ dội hay gặp ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn. Ngoài ra bé có thể bị tăng đường huyết bất thường làm bé phải đi tiểu nhiều và mất nước.
Xử trí và chăm sóc:
Chăm sóc bé nên chú ý điều độ việc ăn uống, nên cho bé ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo, súp, canh dinh dưỡng, nước trái cây tươi giàu vitamin C… sẽ giúp cải thiện việc tiêu hóa của bé.
Biện pháp phòng ngừa:
Hạn chế tối đa việc cho bé ăn các loại bánh kẹo ngọt hoặc uống các loại nước giải khát chứa nhiều đường ngọt vì những chất này sẽ làm cho trẻ dễ bị “ngang dạ”, dễ đầy bụng vì vậy bé sẽ không để ý đến bữa ăn chính. Tốt nhất nên cho bé ăn những loại bánh kẹo và đồ uống này sau bữa ăn như là một món tráng miệng.
Bệnh trẻ em ngày Tết: Tiêu chảy cấp
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý:
Nguyên nhân thường do bé ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn dự trữ lâu ngày hoặc sữa pha sẵn để quá lâu… Tiêu chảy cấp gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng cũng thường xảy ra ở mọi lứa tuổi khác. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli, Shigella…
Triệu chứng của tiêu chảy cấp là đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều bé có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.
Xử trí và chăm sóc:
Chú ý việc bù nước cho bé bằng các loại dịch uống hợp vệ sinh nhất là những loại thức uống mà trẻ em hay thích như nước ép trái cây, nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội, nước canh, nước cháo… Cần cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn, nếu bé ăn uống khó khăn có thể chia nhỏ bữa ăn để giúp bé tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn và mau lành bệnh.
Biện pháp phòng ngừa:
Để phòng ngừa nên cho trẻ ăn những loại thức ăn hợp vệ sinh, giàu dinh dưỡng, hạn chế sử dụng thức ăn dự trữ lâu ngày, bé còn bú bình nên chú ý vệ sinh bình sữa, không cho bé uống sữa đã pha để quá 1 giờ.
Tập dần cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng chính là biện pháp ngăn ngừa bệnh tiêu cấp một cách hiệu quả nhất.
Bệnh trẻ em ngày Tết: Ngộ độc thức ăn
Nguyên nhân và triệu chứng gợi ý:
Là tình trạng bệnh lý rất thường gặp vào các dịp lễ, Tết đặc biệt là Tết Nguyên đán, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt hay diễn ra ở trẻ em vì hệ tiêu hóa còn kém, triệu chứng thường gặp là bé bị đau quặn bụng, nôn ói nhiều lần, tiêu chảy, xuất hiện trong khoảng 1- 6 giờ sau khi sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Xử trí và chăm sóc:
Chăm sóc tại nhà nên chú ý cho bé nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ, thức ăn mềm, dễ tiêu, bù dịch cho bé bằng các loại dung dịch có chất điện giải như dung dịch muối-đường, dung dịch oresol… Nếu tình trạng không cải thiện nên sớm đưa bé đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa:
Gia đình nên chọn những loại thực phẩm có thương hiệu đã qua kiểm định an toàn vệ sịnh thực phẩm, đặc biệt có hạn sử dụng rõ ràng càng mới càng tốt.
Quá trình chế biến và bảo quản thức ăn trong tủ lạnh nên tuân thủ nghiêm nghặt các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm của bộ Y tế, nên mạnh dạn bỏ ngay đừng tiếc những loại thực phẩm, thức ăn mà ba mẹ nghi ngờ bị ôi thiu hay nhiễm khuẩn để đảm bảo sức khoẻ cho bé và mọi người trong gia đình vào những ngày Tết.