Tháng đầu tiên của thai kỳ
– Bạn nhận ra chu kỳ hàng tháng của mình không xuất hiện như bình thường. Tuy nhiên, khoan vội vàng nghĩ ngay đến việc có thai. Bạn cần mua que thử thai ở hiệu thuốc và làm theo hướng dẫn. Nếu kết quả dương tính: Chúc mừng bạn! Bạn có thể đến bệnh viện thực hiện việc xét nghiệm máu để kiểm tra chính xác một lần nữa và bắt đầu bước vào giai đoạn thai kỳ. Nếu kết quả âm tính: Bạn vẫn cần tiếp tục theo dõi nếu không thấy chu kỳ, vì có thể sau vài ngày nữa, kết quả thử que sẽ khác đi.
– Nên khám thai càng sớm càng tốt để loại trừ những nguy cơ như thai ngoài tử cung có khả năng gây xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm cho người mẹ.
– Bác sĩ sẽ cho bạn lịch hẹn để kiểm tra tim thai. Nếu đã có tim thai thì nghĩa là bạn đã chính thức mang một mầm sống trong bụng rồi đấy. Đây là điểm khởi đầu của quá trình phát triển những bộ phận chính trong cơ thể bé.
– Chưa thể thấy được tay chân, mũi, miệng… của bé. Bé vẫn hãy còn là một phôi thai bé xíu xiu, nhưng các giác quan đã bắt đầu phát triển.
– Con được bao bọc trong một túi ối vô trùng và được gắn liền với phần bên ngoài của trứng nhờ vào sự phát triển của dây rốn.
>> Lưu ý quan trọng:
* Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu ra máu nào trong tháng thứ nhất (dù rất ít), bạn lập tức phải nghỉ ngơi và tham khảo ý kiến bác sĩ. Có khoảng 20% phụ nữ bị sảy thai trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Do đó, mọi dấu hiệu ra máu bất thường trong thời kỳ này đều cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
* Đi đứng thật nhẹ nhàng vì mầm sống trong lòng bạn lúc này hãy còn “mong manh sương khói” lắm. Cẩn thận bước đi từ tốn, tránh chạy xe quá nhiều, tránh các cú sốc ổ gà, ổ voi trên đường. Hạn chế tối đa làm việc nặng. Có thể tạm ngưng các chương trình tập luyện thể dục thể thao trong tháng đầu tiên này.
>> Bạn cần:
* Không quá sớm để bắt đầu suy tính đến việc bạn sẽ khám thai ở đâu, chọn bác sĩ nào để giúp bạn theo dõi chính trong suốt thai kỳ, chọn bệnh viện nào để khám hay sinh con.
* Một số người già kiêng việc báo tin có thai quá sớm (đa phần người lớn tuổi muốn báo tin rộng rãi sau tháng thứ ba), song nếu bạn báo cho bạn bè đồng nghiệp cùng phòng, người thân trong gia đình biết thì sẽ rất tốt, vì bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ họ đối với việc nhà và công việc tại cơ quan.
* Uống bổ sung axit folic đều đặn hàng ngày. Bỏ trà, cà phê, tránh xa rượu và mọi chất kích thích. Cố gắng ăn uống nhiều và đa dạng để đủ chất cho phôi thai.
Tháng thứ hai của thai kỳ
– Thông thường, ở tháng này bạn có thể phải đối diện với những cơn buồn nôn, ốm nghén rất khó chịu. Tuy nhiên, hãy trấn an mình vì những dấu hiệu ấy sẽ chóng qua thôi.
– Bạn sẽ được bác sĩ hẹn để thực hiện nhiều kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm quan trọng trong tháng thứ hai này. Ví dụ như đo huyết áp, thử máu, thử nước tiểu, lắng nghe tim thai, kiểm tra cân nặng…
– Trong tháng thứ hai của tam cá nguyệt thứ nhất, hệ thống thần kinh, phổi, gan, bụng và tuyến tụy của bé phát triển rất nhanh chóng. Xương sống và thận bắt đầu hình thành. Những cơ bắp đầu tiên với chức năng giúp bé vận động cũng đã hình thành. Bé sẽ hoàn thiện dần các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi… Tuy nhiên lúc này em bé trong lòng bạn vẫn chưa thể nghe hoặc nhìn thấy được đâu. Tim của bé cũng chỉ mới có hai ngăn trong giai đoạn này.
– Thỉnh thoảng, bạn sẽ thấy dấu hiệu co thắt vùng bụng. Dấu hiệu này là bình thường và bạn chỉ cần nghỉ ngơi thì sẽ hết. Chỉ trừ trường hợp kèm theo sự co thắt là ra máu, nhịp tim nhanh bất thường… bạn mới cần báo ngay cho bác sĩ.
>> Lưu ý quan trọng:
* Hãy nhớ nằm lòng thêm một lần nữa rằng bạn không được phép tự ý bỏ qua bất kỳ xét nghiệm nào dù nhỏ nhất và đơn giản nhất trong thời kỳ này.
* Bác sĩ sẽ có những dặn dò với bạn về chế độ dinh dưỡng, thuốc uống. Cần tuân thủ theo những hướng dẫn này để đảm bảo sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi trong bụng.
* Đến gặp bác sĩ ngay nếu như bạn có các triệu chứng bất thường như ra máu, đi vệ sinh quá nhiều, đau đầu, chảy máu cam, nôn nhiều và liên tục…
>> Bạn cần:
* Uống nhiều nước trong ngày, mỗi lần một ít vì nước rất quan trọng cho cơ thể bạn cũng như cho bé yêu trong bụng. Đặc biệt, nước còn giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu rất dễ xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất.
* Nếu ốm nghén quá nhiều, hãy chia nhỏ các bữa ăn chứ đừng bỏ bữa. Nên ăn nhiều protein trong giai đoạn này vì đó là một phần thiết yếu giúp cho sự phát triển cơ bắp của bé. Hạn chế mỡ động vật, chất đường và muối.
* Tranh thủ ngủ ngay khi nào bạn thấy mệt mỏi. Đến tháng này, bạn đã có thể quay trở lại với những động tác thể dục nhẹ nhàng.
* Chia sẻ với anh xã và người thân những lo lắng của bạn về thai kỳ. Đừng để mình bị stress, căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ sẽ tác động không tốt đến em bé trong bụng.
Tháng thứ ba của thai kỳ
– Những cơn buồn nôn giảm dần vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất. Trong tháng này, kích thước của bé sẽ tăng lên gấp ba. Tế bào thần kinh phát triển, khung xương tiếp tục hình thành và các khớp cũng bắt đầu có chức năng: các ngón tay có thể cong lại, nhưng chưa một chuyển động nào ở đây được điều khiển bởi não bộ.
Các giác quan phát triển, mắt xuất hiện đúng vị trí và có mí mắt che bên ngoài. Miệng bắt đầu khép lại, môi được định hình và hai cánh mũi cũng xuất hiện. Bé bắt đầu chuyển động nhiều hơn. Cuối tam cá nguyệt thứ nhất, con bạn có thể dài tới 10cm và nặng chừng 40-50g rồi đấy.
>> Lưu ý quan trọng:
* Đây là thời điểm bác sĩ cho bạn tiến hành siêu âm nhằm phát hiện ra những điểm bất thường của bào thai (nếu có). Lần siêu âm này rất cần thiết, bạn nhớ nhé!
* Có thể thực hiện những cử chỉ hôn, âu yếm nhẹ nhàng nhưng cần hạn chế gần gũi vợ chồng trong thời gian này.
>> Bạn cần:
* Trò chuyện nhiều hơn với anh xã và có thể yêu cầu anh xã dành nhiều thời gian cho bạn. Bạn cần biết rằng trong tháng thứ ba của thai kỳ, do những biến chuyển của cơ thể, bạn đột nhiên trở nên nhạy cảm, dễ buồn bã hơn. Đây không phải là tính khí thất thường hay trò… làm nũng của các bà bầu như nhiều ông chồng vẫn tưởng. Bạn không thể một mình chịu đựng những biến chuyển đó vì nó sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng trầm cảm. Sự trò chuyện, cảm thông, dành nhiều thời gian cho nhau là rất quan trọng lúc này.
* Cố gắng ăn nhiều hơn, bổ sung cho cơ thể đầy đủ chất.
Có nên gần gũi chăn gối trong tam cá nguyệt thứ nhất?
Gần gũi chăn gối trong thời kỳ mang thai không bị cấm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy việc gần gũi mạnh bạo trong 3 tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất) dễ dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Vì thế, bạn phải hết sức hạn chế việc này, cũng như nếu có thì chỉ ở mức độ thật nhẹ nhàng, thận trọng.
Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu:
Tháng thứ nhất
- Trứng được thụ tinh.
- Phôi thai hình thành nhưng dấu hiệu mang thai vẫn chưa rõ ràng.
- Thai nhi dài từ 2-5mm.
Tháng thứ hai
- Phôi thai có sự phát triển về hệ thống thần kinh và các bộ phận trong cơ thể.
- Dấu hiệu mang thai rõ ràng hơn.
- Cuối giai đoạn này phôi thai dài 2-3cm và nặng 2-3g.
Tháng thứ ba
- Tế bào thần kinh và khung xương phát triển toàn diện hơn, đặc biệt là các giác quan.
- Phôi thai có sự chuyển hóa thành bào thai và thai nhi có thể nặng tới 40-50g.
NÊN VÀ KHÔNG NÊN
Bạn nên:
• Ăn đủ chất và phong phú, nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi.
• Bổ sung nhiều loại rau củ quả giàu vitamin và chất xơ.
• Uống nhiều sữa để cung cấp canxi cho cơ thể.
• Uống axit folic, vitamin D, viên sắt theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
• Chọn trang phục thoải mái, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi, dễ cử động. Quần áo nội y cũng chọn loại hút ẩm tốt, mềm và êm ái.
• Mang giày có đế bằng, thấp gót, nâng đỡ bước chân vững vàng.
Bạn không nên:
• Không nên ăn thức ăn để qua đêm, thức ăn mất vệ sinh bán ngoài đường. Tránh tuyệt đối với các món sống hoặc tái như bò tái, sushi…
• Không nên uống nhiều nước ngọt, cà phê. Tránh xa rượu, thuốc lá và các chất kích thích như ma túy.
• Không nên ăn thực phẩm nhiều chất béo, cholesterol. Không nên ăn các loại cá biển có chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá mập, cá kiếm…
• Không nên tự ý uống thuốc khi bị bệnh, dù là bệnh nhẹ. Mọi loại thuốc bạn uống vào trong chín tháng thai kỳ đều phải theo chỉ định của bác sĩ.
• Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc, bài thuốc dân gian để an thai, dưỡng thai nếu không hiểu rõ về loại thuốc và không được bác sĩ chỉ định.
• Không nên dùng bừa bãi các loại thuốc nhuộm tóc, thuốc sơn móng tay, các loại mỹ phẩm, kem dưỡng da toàn thân vì những hóa chất từ đó có thể thấm vào cơ thể, tới thai nhi.
• Tuyệt đối tránh sử dụng giày cao gót.
• Tuyệt đối tránh lao động nặng, mang vác nặng, tiếp xúc với hóa chất độc hại trong suốt chín tháng thai kỳ, đặc biệt là tam cá nguyệt thứ nhất.