Mẹ&Con – Khám thai đến những tháng giữa và cuối, đôi lúc bạn nghe bác sĩ nhắc chừng: “Mẹ lo ăn uống nhiều vào đi nhé. Thai nhi nhẹ cân so với chuẩn. Không chịu ăn, em bé sinh ra không đạt cân nặng mong muốn sẽ mệt lắm đấy…”. Những lúc như thế, bạn lo cuống lên. Nhưng làm sao để biết thai nhi trong bụng mình có nguy cơ nhẹ cân hay không? Và làm thế nào để ngăn ngừa cho con tình trạng ấy?

Can than keo be nhe can

(Ảnh minh hoạ)

Nỗi lo con… “nhẹ”!

Thai nhi có nguy cơ nhẹ cân nếu như từ trước khi mang thai, người mẹ đã có vóc dáng quá bé nhỏ, có chiều cao dưới 1m45 hoặc có cân nặng mấp mé mức… suy dinh dưỡng. Cũng chính vì điều này mà với bất kì phụ nữ nào mới lập gia đình, bác sĩ đều khuyên phải cố gắng điều chỉnh để cân nặng ở mức chuẩn rồi hãy mang thai. Việc cố gắng ăn uống đầy đủ, phong phú trước lúc mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thai nhi có nằm trong nhóm “cảnh báo” nhẹ cân hay không.

Kế đến, trong suốt chín tháng thai kì, nếu mẹ chỉ tăng dưới 7kg thì việc sinh con nhẹ cân được xem như cầm chắc. Điều này nghĩa là, cho dù bạn ốm nghén đến đâu, ngán ngẩm với những bữa cơm đến đâu thì cũng phải chia nhỏ bữa, tích cực ăn uống. Bữa ăn của thai phụ cũng cần đầy đủ năng lượng và các nhóm cần thiết như đạm, đường, béo, chất xơ, vitamin, khoáng chất… Thai nhi có nguy cơ nhẹ cân nếu như mẹ ăn quá ít, kén ăn, hoặc ăn nhiều nhưng lại ăn “lệch” (ví dụ mẹ ăn chay trường không đúng cách, ăn thiếu hẳn lượng đạm từ thịt cá nhưng lại không biết cách bổ sung sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thai nhi bị nhẹ cân).

Ngoài ra, trường hợp thai phụ hút thuốc lá trực tiếp hoặc hít phải quá nhiều khói thuốc lá, trường hợp thai phụ nhiễm độc với một số hóa chất khi phải tiếp xúc thường xuyên, thai phụ mắc một số bệnh như tiểu đường, huyết áp, bệnh về thận, tiền sản giật, mang đa thai, có bất thường bánh nhau, viêm bánh nhau, nhiễm trùng tử cung… cũng đều có thể đưa đến tình trạng thai nhẹ cân.

Thai nhẹ cân có nguy cơ gì? Chắc hẳn bạn có thể hình dung, khi đó con sẽ bị thiệt thòi ngay từ lúc sinh ra so với những đứa trẻ khác. Con suy dinh dưỡng, dễ bị ngạt, dễ viêm phổi, dễ mắc bệnh do sức đề kháng kém hơn… Không chỉ thế, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ vừa sinh ra đã nhẹ cân sẽ có chỉ số thông minh cũng như nhiều chỉ số phối hợp, vận động khác thấp hơn hẳn trẻ sinh ra với cân nặng đủ chuẩn bình thường.

Làm thế nào ngăn ngừa cho con?

Thai nhi nhẹ cân là nỗi lo ám ảnh với các bà mẹ. Bởi thế, dù lười ăn cách mấy, chỉ cần nghe bác sĩ nhắc: “Mẹ ăn nhiều vào nhé, thai nhi có nguy cơ nhẹ cân này!” là lập tức hôm sau về đã cố gắng ăn uống đến mức… tối đa. Để phòng ngừa thai nhi nhẹ cân, như đã nhắc từ phần nguyên nhân, cần thực hiện tốt nhất việc chuẩn bị mang thai cũng như suốt quá trình chín tháng thai kì, sao cho tốt nhất.

Một lời khuyên nhỏ cho bạn là đừng mang thai muộn. Nếu mang thai muộn, bạn có nguy cơ rất cao thai nhi gặp phải một số biến chứng thai nghén, trong đó có cả tình trạng nhẹ cân. Cố gắng mang thai trước độ tuổi 30, đẹp nhất là khoảng 25-28 tuổi. Trước khi mang thai cần có sự chuẩn bị chu đáo, khám sức khỏe tổng quát, điều trị dứt điểm bệnh tật nếu có thể, tăng cường ăn uống, bồi bổ cho chính mình và cho anh xã, sao cho cả hai vợ chồng đều có được cân nặng tương ứng với chiều cao, nằm trong mức chuẩn.

Mẹ ăn uống thiếu chất, kén ăn, stress, không được nghỉ ngơi đầy đủ… là những nguyên nhân có thể khiến thai nhi không đạt cân nặng chuẩn như mong muốn.

Trong quá trình mang thai, cần ăn nhiều đạm như thịt gà, thịt bò, uống nhiều sữa, ăn trái cây, rau quả, bổ sung các loại dầu như dầu ô-liu, dầu mè… Hạn chế những thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, hạn chế thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, nhiều mỡ động vật (trừ mỡ cá). Bạn cũng cần đảm bảo các vitamin, khoáng chất quan trọng như axit folic, sắt, canxi, vitamin C…

Một số việc khác bạn cần làm là ngừng ngay từ trước lúc mang thai mọi loại chất kích thích, rượu bia, thuốc lá. Lưu ý là với thuốc lá, không chỉ bạn cần ngừng mà những người thân khác trong gia đình cũng… không được hút. Vì nếu hít phải khói thuốc lá (hút thuốc gián tiếp) thì nguy cơ thai nhi nhẹ cân vẫn xảy ra.

Một điều nghe có vẻ “vui vui” khác (bạn khó tin đó lại là nguyên nhân có thể khiến bé yêu trong bụng bị nhẹ cân) là tình trạng răng miệng của thai phụ. Hãy nhớ, nếu thai phụ có vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nướu thì rất dễ gây nhiễm trùng, trực tiếp ảnh hưởng đến nhau thai qua máu của bạn. Lúc này, nguy cơ thai nhi bị nhẹ cân vì tình trạng nhiễm trùng do răng miệng của mẹ gây ra là hoàn toàn có thể.

Trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh là 3-3,4kg. Nếu bé chỉ nặng khoảng 2,5kg lúc chào đời thì nghĩa là thai nhi đã bị nhẹ cân.

Bạn cũng nên giảm tối đa áp lực công việc một khi biết rằng mình đã mang trong người “quà tặng kì diệu của tạo hóa”. Nếu chịu stress nhiều, lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, bạn sẽ không thể nào “ăn ngon ngủ yên”, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Nhiều phụ nữ trẻ rất muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình bằng cách vừa mang thai vừa học nâng cao, vừa hoàn thành tốt công việc nơi công sở và thăng tiến vù vù. Tuy nhiên, lời cảnh báo cho bạn là người ngoài có thể trầm trồ khen ngợi rất nhiều, song chỉ có chính bạn mới biết bạn phải “trả giá” thế nào cho những thành công ngay trong quá trình mang thai đó.

Hãy luôn ghi nhớ, bạn có đến vài chục năm trong đời để phấn đấu cho việc học hay công việc, nhưng cơ hội sinh ra một đứa con khỏe mạnh của bạn thì sẽ chỉ nằm trong một quãng thời gian khá ngắn mà thôi. Cần xác định được mức độ ưu tiên, để biết rằng một chút hi sinh về sự thăng tiến, thành công lúc này không những tốt cho chính sức khỏe của bạn mà còn giúp bé yêu có thể có được những khởi đầu hoàn hảo nhất lúc chào đời.

Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
Hít thở sâu thường xuyên, thực hiện những động tác yoga nhẹ nhàng sẽ có tác dụng tốt với tinh thần của bạn, giải tỏa stress, giúp bạn luôn trong tình trạng thảnh thơi, thoải mái và bé yêu tránh xa được nguy cơ nhẹ cân từ lúc chào đời.
Tags:

Bài viết liên quan