Chảy máu cam là một hiện tượng phổ biến. Theo các nghiên cứu, có khoảng 60% số người gặp phải tình trạng này vào một thời điểm nào đó trong đời. Hơn 90% trường hợp chảy máu cam là nhẹ. Nhưng nếu chảy máu cam khi ngủ thì sao? Liệu trường hợp này có nguy hiểm không?
Chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam xảy ra khi một trong năm động mạch nằm bên trong của mũi vỡ. Phần máu của mạch máu bị vỡ khi chảy ra thường đi ra lỗ mũi nhưng cũng có thể di chuyển ngược ra khỏi khoang mũi và vào cổ họng. Một số mạch máu mũi đặc biệt dễ bị tổn thương và vỡ hơn là do mạch nằm bên dưới làn da mỏng và vị trí gần lối vào lỗ mũi, phải chịu sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm.
Nguyên nhân gây chảy máu cam khi ngủ là gì?
Giống như chảy máu cam ban ngày, chảy máu cam khi ngủ xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm:
Ngoáy mũi
Ngoáy mũi hoặc chạm vào mũi là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng chảy máu cam. Các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên ngoáy mũi sau khi bị chảy máu cam vì làm như vậy có thể khiến máu chảy trở lại.
Không khí lạnh, khô
Nghiên cứu cho thấy chất lượng môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến nguy cơ chảy máu cam, kể cả chảy máu cam khi ngủ hay khi bạn đang thức và làm việc, sinh hoạt bình thường. Một thống kê tại Đức cho thấy số người bệnh đến các phòng khám, bệnh viện để kiểm tra sức khỏe do bị chảy máu cam trong những tháng lạnh thường cao hơn.
Tương tự, một nghiên cứu về xu hướng tìm kiếm trực tuyến trên nhiều quốc gia cho thấy nhiều người tìm kiếm thông tin về tình trạng chảy máu mũi trong những tháng mùa đông hơn. Nhìn chung, hầu hết các nghiên cứu tập trung vào mối liên quan giữa chảy máu cam và thời gian trong năm cho thấy nhiều người bị chảy máu cam hơn khi nhiệt độ lạnh hơn và ẩm thấp hơn.
Ô nhiễm không khí
Các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh phân tích mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí vào những thời điểm khác nhau trong năm và nhận thấy rằng có nhiều trẻ em đến gặp bác sĩ vì chảy máu cam trong những tháng mùa hè, trùng hợp với thời điểm một số chất ô nhiễm gia tăng.
Có thể thấy, ô nhiễm không khí có thể gây kích ứng niêm mạc mũi và dẫn đến chảy máu cam khi ngủ. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về mối liên hệ này.
Dị ứng
Dị ứng theo mùa gây viêm bên trong mũi có thể gây chảy máu cam khi ngủ. Những người bị viêm mũi dị ứng cũng có thể xì mũi thường xuyên hơn những người khác. Xì mũi quá mạnh, dù là do dị ứng, cảm lạnh hay cúm, cũng là một nguyên nhân gây chảy máu cam khác .
Tác dụng phụ của thuốc
Một số người bị chảy máu cam do tác dụng phụ của thuốc hoặc phương pháp điều trị một bệnh lý nào đó. Nếu bạn bị chảy máu cam khi ngủ sau khi dùng thuốc hoặc áp dụng một phương pháp điều trị bệnh từ bác sĩ, nên thông báo với các bác sĩ để có thể cân nhắc xem có nên tiếp tục sử dụng loại thuốc này hay không.
Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ bị chảy máu cam khi ngủ gồm có:
- Aspirin
- Chất làm loãng máu
- Một số loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Một số loại kháng sinh
- Corticosteroid dạng bôi bên trong mũi, ví dụ để điều trị nghẹt mũi
- Thuốc được dùng qua đường mũi
Hầu hết các trường hợp chảy máu cam xảy ra do tác dụng phụ của thuốc không được coi là nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu việc chảy máu cam khi ngủ xảy ra liên tục thì bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng một loại thuốc khác thay thế.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến chảy máu cam, chẳng hạn như người mắc bệnh ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) sẽ có nguy cơ chảy máu cam cao hơn.
Do bệnh lý
Chảy máu cam khi ngủ là tình trạng phổ biến và không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp bị chảy máu cam xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như:
- Huyết áp cao
- Bệnh celiac
- Suy tim sung huyết
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh truyền nhiễm
- Ngưng thở khi ngủ
- Giãn mao mạch xuất huyết di truyền (HHT)
- Bệnh ung thư
- Suy gan
Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa chảy máu cam và những căn bệnh này. Trong một số trường hợp, yếu tố thứ ba như điều trị bệnh, chứ không phải chính căn bệnh đó, có thể là nguyên nhân gây chảy máu cam khi ngủ.
Tuổi tác
Nguy cơ bị chảy máu cam thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi của bạn. Chảy máu cam khi ngủ rất hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em từ 2 đến 10 tuổi lại thường xuyên bị chảy máu cam.
Chảy máu cam xảy ra ít thường xuyên hơn sau 10 tuổi, sau đó trở nên phổ biến hơn ở người lớn trên 65 tuổi. Khi già đi, nguy cơ chảy máu cam sẽ tăng lên. Người lớn trên 85 tuổi phải đối mặt với nguy cơ cao nhất và có nguy cơ chảy máu cam cao hơn gấp ba lần so với người lớn dưới 65 tuổi.
Giới tính sinh học
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giới tính sinh học của một người có thể ảnh hưởng đến nguy cơ chảy máu cam. Nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới bị chảy máu cam khi ngủ thường xuyên hơn.
Sử dụng rượu và nicotine
Tình trạng chảy máu cam khi ngủ xảy ra thường xuyên hơn ở những người uống quá nhiều rượu. Ngoài ra những người sử dụng nicotin cũng có nhiều khả năng bị chảy máu cam hơn.
Nên làm gì khi bị chảy máu cam?
Để cầm máu cam tại nhà, trước tiên nên cẩn thận loại bỏ cục máu đông trong mũi. Bạn có thể dùng khăn giấy để lau nhẹ nhàng nhưng tránh xì mũi quá mạnh. Tiếp theo, nghiêng đầu về phía trước một chút, giống như cách bạn định đánh hơi thứ gì đó. Cuối cùng, dùng ngón tay bóp nhẹ 1/3 dưới của mũi để lỗ mũi được đóng lại. Hãy thử ở vị trí này trong 5 đến 15 phút.
Thuốc xịt mũi không kê đơn có chứa oxymetazoline hoặc phenylephrine cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng chảy máu cam. Nhưng cần lưu ý, những loại thuốc xịt này chỉ được sử dụng tối đa trong vài ngày. Trẻ nhỏ và người lớn bị huyết áp cao hoặc có vấn đề về tim mạch nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc xịt này.
Nếu bạn bị chảy máu cam hơn 30 phútngay cả khi bạn đã cố gắng cải thiện thì tốt nhất nên đến bệnh viện để được thăm khám.
Chảy máu cam khi ngủ có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý nhưng cũng có thể là do yếu tố môi trường hoặc các nguyên nhân khác. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng về vấn đề này. Và nếu bạn muốn phòng tránh chảy máu cam vào ban đêm khi ngủ, nên chú ý xì mũi nhẹ nhàng, sử dụng thêm máy tạo độ ẩm, thuốc xịt làm ẩm mũi cũng như áp dụng các biện pháp điều trị bệnh lý bạn nhé!