Hầu hết mọi người thừa nhận rằng khi họ bị căng thẳng tột độ thì rất khó để có thể duy trì thói quen ăn uống lành mạnh. Cho dù ăn để đáp ứng nhu cầu cảm xúc hay mua đồ ăn nhanh chỉ vì không có thời gian chuẩn bị một món ăn lành mạnh, lối sống căng thẳng hiếm khi là lối sống lành mạnh.
Thế nhưng có phải việc ăn uống không kiểm soát là lý do khiến bạn dễ bị tăng cân khi cơ thể ở trong trạng thái căng thẳng tột độ? Cùng khám phá với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Cortisol là gì?
Cortisol là một loại hormone quan trọng có nhiều tác dụng trong cơ thể. Thông thường, cortisol được tuyến thượng thận tiết ra theo mô hình gọi là biến đổi ban ngày, nghĩa là nồng độ cortisol trong máu thay đổi tùy theo thời gian trong ngày. Thông thường, nồng độ cortisol cao nhất vào sáng sớm và thấp nhất vào khoảng nửa đêm.
Cortisol rất quan trọng trong việc duy trì huyết áp cũng như cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cortisol kích thích chuyển hóa chất béo và carbohydrate để tạo ra năng lượng nhanh, đồng thời kích thích giải phóng insulin và duy trì lượng đường trong máu. Quá nhiều cortisol sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn và có thể gây thèm đồ ăn ngọt, nhiều chất béo và mặn.
Khi nồng độ cortisol tăng cao, cơ thể cũng sản xuất ít testosterone hơn, dẫn đến giảm khối lượng cơ. Với ít testosterone hơn để xây dựng khối lượng cơ bắp, cơ thể bạn bắt đầu đốt cháy ít calo hơn.
Xem thêm: Ăn trái cây có mập không và các loại trái cây gây tăng cân cần tránh
Vì sao cortisol được gọi là hormone căng thẳng?
Cortisol được gọi là “hormone căng thẳng” vì cortisol dư thừa được tiết ra trong thời gian căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý. Bạn căng thẳng tột độ thì hàm lượng cortisol tiết ra cũng ở ngưỡng vô cùng cao. Lúc này, mô hình tiết cortisol bình thường (với mức cao nhất vào sáng sớm và thấp nhất vào ban đêm) có thể bị thay đổi.
Sự gián đoạn bài tiết cortisol khi căng thẳng tột độ có thể không chỉ thúc đẩy tăng cân mà còn có thể ảnh hưởng đến vị trí bạn tăng cân trên cơ thể. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng và nồng độ cortisol tăng cao có xu hướng gây tích tụ mỡ ở vùng bụng hơn là ở hông. Sự tích tụ chất béo này được gọi là “chất béo độc hại” vì sự tích tụ chất béo ở bụng có liên quan lớn đến sự phát triển của bệnh tim mạch, bao gồm các cơn đau tim và đột quỵ.
Căng thẳng tột độ có phải nguyên nhân gây tăng cân?
Căng thẳng tột độ chắc chắn không phải là lý do duy nhất gây ra mức cortisol bất thường. Một số bệnh và tình trạng sức khỏe không ổn định cũng có thể dẫn đến nồng độ cortisol trong máu cao bất thường. Hội chứng Cushing là một trong những nguyên nhân phổ biến của tình trạng nồng độ hormone cortisol không ổn định, dẫn đến những thay đổi về hình thức và chức năng của cơ thể.
Việc mức độ căng thẳng của một cá nhân cụ thể có dẫn đến mức cortisol cao và tăng cân hay không là điều không dễ dự đoán. Lượng cortisol được tiết ra để đối phó với căng thẳng có thể khác nhau giữa từng người và tuỳ theo mức độ căng thẳng của bạn có phải căng thẳng tột độ hay không.
Ngoài ra, giới tính cũng là một yếu tố gây tăng cân khi bạn bị căng thẳng tột độ. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng phản ứng với căng thẳng bằng cách tiết cortisol ở mức độ cao hơn. Và bên cạnh đó, khi căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng kéo dài thì phụ nữ cũng có xu hướng ăn nhiều hơn. Còn một nghiên cứu khác chứng minh rằng những phụ nữ tích trữ mỡ thừa ở vùng bụng có mức cortisol cao hơn và chịu nhiều căng thẳng về lối sống hơn những phụ nữ tích trữ mỡ chủ yếu ở hông.
Xem thêm: Ăn thịt nướng làm sao để không tăng cân?
Nhìn chung, căng thẳng tột độ là một yếu tố nguy cơ có thể gây tăng cân bởi mức độ căng thẳng của bạn sẽ tỷ lệ thuận với lượng cortisol trong cơ thể của bạn. Nồng độ cortisol càng cao thì mỡ càng tích tụ nhiều trong cơ thể. Ngoài ra, căng thẳng tột độ còn khiến bạn ăn nhiều hơn, ít vận động hơn nên dễ tăng cân hơn.
Tuy nhiên, căng thẳng thần kinh không phải là yếu tố duy nhất khiến bạn tăng cân. Tăng hoặc giảm cân phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm tốc độ trao đổi chất khi nghỉ ngơi, lượng thức ăn nạp vào, lượng bài tập và thậm chí cả loại thực phẩm tiêu thụ cũng như thời gian tiêu thụ thực phẩm trong ngày. Yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của chúng ta và có thể giải thích xu hướng tăng hoặc giảm cân nhanh hơn những người khác.
Làm thế nào để giảm mức độ căng thẳng tột độ?
Trên thực tế, tập thể dục là phương pháp tốt nhất để giảm mức cortisol đã tăng lên khi bị căng thẳng tột độ và còn có thêm lợi ích là đốt cháy calo để kích thích giảm cân. Ngoài ra, các phương pháp thực hành như thiền, yoga và các kỹ thuật thư giãn khác cũng có thể được sử dụng để kiểm soát mức cortisol.
Và để giảm căng thẳng tột độ, bạn cũng có thể thử lựa chọn các hoạt động khiến mình cảm thấy dễ chịu. Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào sở thích cá nhân của từng người. Bạn có thể chọn vẽ tranh, đạp xe, đánh tennis, nghe nhạc, đi du lịch,…
Căng thẳng tột độ là một trong những yếu tố nguy cơ có thể khiến cân nặng của bạn tăng nhanh. Bên cạnh đó, căng thẳng còn gây ra nhiều hệ luỵ với sức khỏe nên hãy cố gắng chú ý để kiểm soát mức độ căng thẳng của mình bạn nhé.