Tính chiếm hữu trong tình yêu có liên quan chặt chẽ với sự ghen tuông, vốn có “nhiệm vụ” phá hủy các mối quan hệ, nhưng cũng là cảm giác tự hủy hoại bản thân một cách từ từ. Và tính chiếm hữu trong tình yêu là biểu hiện rõ rệt nhất của việc bạn đang dần bỏ rơi chính bản thân mình.
Giải mã tính chiếm hữu trong tình yêu
Tính chiếm hữu trong tình yêu là gì?
Nếu bạn yêu một người nào đó mà lại luôn muốn người ấy bên cạnh mình 24/7, khi không ở cạnh nhau thì thấy nghi ngờ, tưởng tượng những chuyện không đúng, luôn lo sợ rằng đối phương sẽ phản bội mình, yêu một cách điên cuồng mà không để cho đối phương có không gian riêng, không thích họ gặp gỡ ai đặc biệt là người khác giới. Đó chính là tính chiếm hữu cao trong tình yêu và hôn nhân.
Hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy có một mức độ chiếm hữu nào đó trong các mối quan hệ lãng mạn. Suy cho cùng, đó chính là trọng tâm của cụm từ “là của tôi” mà chúng ta thường xuyên nghĩ đến – một khái niệm ai đó “thuộc về” mình và mình “thuộc về” ai đó. Nhưng tính chiếm hữu trong tình yêu vượt xa việc tự hào về thành tích của đối phương hoặc trở nên hơi cáu kỉnh khi ai đó tán tỉnh quá mức với người yêu của chúng ta.
Sự chiếm hữu về cơ bản là nỗi sợ mất mát và bất an, thiếu niềm tin vào bản thân. Những người có tính chiếm hữu trong tình yêu lo lắng rằng đối phương sẽ rời bỏ họ. Điều này tạo ra cảm giác sợ hãi, tức giận và buồn bã.
Tính chiếm hữu xuất phát từ đâu?
Tính chiếm hữu trong tình yêu xuất phát từ việc bạn không tin rằng bản thân mình đủ hấp dẫn, đủ cuốn hút để giữ chân đối phương. Bạn luôn lo lắng về việc đối phương sẽ có một đối tượng mới, một người thứ 3 tuyệt vời hơn bản thân. Và các vấn đề về tâm lý chính là “ngòi thuốc” khiến tính chiếm hữu của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn, có nhiều biểu hiện rõ nét hơn.
Những người mắc chứng rối loạn lo âu có xu hướng có cái nhìn tiêu cực về bản thân và cái nhìn tích cực về người khác. Khi mắc chứng rối loạn lo âu, bạn dễ lo lắng rằng đối phương không thể tin cậy được và từ đó làm nảy sinh sự hoài nghi với người ấy của mình.
Tính chiếm hữu trong tình yêu cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Những người mắc chứng rối loạn này thường có tâm trạng thất thường. Họ thể hiện tính chiếm hữu cao độ nhằm tránh bị nhận thức là bị bỏ rơi.
Không chỉ vậy, những người cô đơn, bị phân biệt đối xử trong thời thơ ấu hoặc từng chứng kiến sự chiếm hữu trong tình yêu của các thành viên khác trong gia đình (thường là của bố mẹ mình) cũng dễ có tính chiếm hữu và kiểm soát hơn.
Dấu hiệu của việc bạn đang có tính chiếm hữu quá mức trong tình yêu là gì?
Khó có thể biết biết khi nào tính chiếm hữu vượt quá giới hạn từ tình cảm thông thường sang hành vi kiểm soát và lạm dụng. Bạn có thể không ý thức được rằng mình chính là người có dấu hiệu chiếm hữu trong tình yêu. Khảo sát cho thấy, những người có tính chiếm hữu thường:
Tiến độ trong chuyện tình yêu của hai bạn diễn ra quá nhanh
Sự khởi đầu của bất kỳ mối quan hệ lãng mạn nào cũng cần thời gian. Nhưng nếu bạn đang đẩy nhanh mối quan hệ của bạn bằng cách nói ra lời yêu với đối phương thật nhanh hoặc nôn nóng ở cùng nhà với đối phương quá sớm, đó có thể là dấu hiệu của tính chiếm hữu.
Nếu bạn thường xuyên hỏi người ấy về nơi ở của họ thì đây chính là biểu hiện bạn đã vượt quá giới hạn và trút bỏ những bất an lên người ấy. Việc họ cho bạn biết nếu có bất kỳ thay đổi lớn nào trong lịch trình, kế hoạch hằng ngày là điều bình thường, nhưng bạn cần nhớ rằng người ấy có cuộc sống riêng của họ và họ hoàn toàn có thể đi mua sắm hoặc ăn trưa với bạn bè mà không cần phải liên tục thông báo với bạn.
Rình mò đối phương
Với những người có tính chiếm hữu trong tình yêu quá lớn thì thường mức độ tin cậy đối với người yêu hay người bạn đời của mình thường thấp hơn. Vì vậy, bạn sẽ có nhiều khả năng xâm phạm quyền riêng tư của người ấy bằng cách rình mò, kiểm tra tin nhắn trên điện thoại, theo dõi email hoặc đọc các bài đăng trên mạng xã hội của người ấy.
Bạn có thể tự bào chữa cho hành vi của bản thân bằng cách đổ lỗi cho người ấy vì đã không nói với bạn đầy đủ. Bạn cũng có thể coi tài sản của người ấy là của bạn.
Xem thêm: Làm sao để cứu vãn một cuộc hôn nhân không tình yêu?
Cố gắng kiểm soát thời gian của người ấy
Nếu bạn có tính chiếm hữu trong tình yêu, bạn có thể muốn người yêu hay người bạn đời của mình phải dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho bạn. Mỗi người đều cần nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh với bạn bè và gia đình chứ không chỉ với người bạn đời của mình. Do đó, việc chỉ muốn ở bên người ấy 24/24 chính là một biểu hiện của tính chiếm hữu trong tình yêu mà nhiều người thường nhầm lẫn với một tình yêu mãnh liệt.
Khi bạn can thiệp vào những mối quan hệ của người bạn đời của mình bằng cách muốn họ chỉ dành thời gian cho bạn, điều đó có thể cô lập người ấy hoặc gây nguy hiểm cho các mối quan hệ khác của họ.
Sự chiếm hữu trong tình yêu – dấu hiệu bạn đang bỏ rơi chính bản thân mình
Có một nguyên nhân chính trong sự bất an dẫn đến tính chiếm hữu: sự bỏ rơi bản thân. Bạn không chịu trách nhiệm về cảm giác an toàn và giá trị bản thân của bạn, thay vào đó, bắt người ấy của bạn phải chịu trách nhiệm khiến bạn cảm thấy an toàn và được yêu thương.
Cho dù đối tác của bạn có cố gắng làm cho bạn cảm thấy an toàn đến mức nào, chẳng hạn như dành nhiều thời gian hơn cho bạn hoặc hạn chế tiếp xúc với bất kỳ ai đe dọa cảm xúc yên tâm của bạn, bạn vẫn sẽ cảm thấy bất an nếu bạn bỏ rơi bản thân bằng cách phán xét bản thân, phớt lờ cảm xúc của bạn hoặc tự làm cho bạn bạn cảm thấy bất an.
Bạn sẽ luôn cảm thấy bất an, thiếu thốn, không đủ tốt và bạn sẽ luôn cảm thấy bị người khác đe dọa khi bạn chối bỏ và bỏ rơi chính mình.
Sự an toàn bên trong là kết quả của một điều: học cách nhìn nhận, coi trọng và yêu con người bạn trong bản chất tâm hồn của bạn. Mỗi chúng ta bước vào đời với một tâm hồn đẹp đẽ, một tia sáng thiêng liêng với những phẩm chất và tài năng tuyệt vời của riêng mình.
Khi yêu nhau, chúng ta yêu chính tâm hồn thực sự của nhau. Nhưng không lâu sau khi bắt đầu một mối quan hệ, nếu bạn đang bỏ rơi chính mình, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mình không đủ thông minh, không đủ hấp dẫn, không đủ thành công, không đủ thú vị, không đủ hài hước,… Lúc này bạn có thể cảm thấy bị đe dọa về việc đối tác của mình dành thời gian cho người khác.
Nhìn chung, tính chiếm hữu trong tình yêu là một biểu hiện rõ nét của việc bạn có quan tâm tới cảm xúc của mình nhưng không chịu trách nhiệm cho những cảm xúc này. Thay vào đó, bạn muốn người bạn đời của mình phải là người thay bạn làm điều đó.
Và tính chiếm hữu không phải là tình yêu nồng cháy, vì trong tình yêu có sự tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ, an ủi và không gian dành cho mỗi cá nhân. Trong tính chiếm hữu có sự ghen tị, ích kỷ, ngờ vực và không có sự tự do, yên bình cho đối phương. Đó là một mối quan hệ dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn.