Nhiều cặp đôi thường gặp khó khăn khi phải quyết định về việc sử dụng chung hay riêng tài khoản ngân hàng, chia sẻ hay giữ riêng thu nhập, chi tiêu ra sao. Độc lập tài chính có nghĩa là bạn có thể tự quyết định về việc sử dụng tiền của mình mà không phải phụ thuộc vào người khác, kể cả người bạn đời.
Có thể bạn từng nghe về việc phụ nữ tự chủ kinh tế, phụ nữ độc lập tài chính nhưng chưa tìm hiểu sâu. Bài viết này sẽ tập trung vào giải đáp câu hỏi vợ chồng có nên độc lập tài chính với nhau, cách xây dựng kế hoạch tài chính gia đình thế nào.
Độc lập tài chính là gì?
Độc lập tài chính là mục tiêu mong muốn của rất nhiều người. Hiểu đơn giản, khi đã độc lập về tài chính là bạn đã có nguồn thu nhập ổn định, cả chủ động lẫn thụ động, để đáp ứng các nhu cầu của bản thân mà không cần phụ thuộc vào ai.
Việc vợ chồng độc lập tài chính có thể hiểu là cả hai người đều tự chủ kinh tế và không có bên nào phụ thuộc vào người còn lại. Thông thường, điều này cũng ngụ ý rằng phụ nữ tự chủ kinh tế.
Độc lập tài chính giúp vợ chồng tự chủ kinh tế, tránh mang tâm lý phụ thuộc
Vợ chồng có nên độc lập tài chính với nhau?
Trả lời câu hỏi này không phải là dễ dàng, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, mục tiêu, thái độ, niềm tin, tình cảm… của mỗi người và của cặp đôi. Không có một công thức chung nào có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp.
Lợi ích khi vợ chồng độc lập tài chính
Một số lợi ích khi vợ chồng độc lập về tài chính:
- Bình đẳng: Độc lập tài chính trong hôn nhân là một biểu hiện của sự bình đẳng, không có phụ thuộc. Cả vợ lẫn chồng đều có toàn quyền quyết định cách dùng tiền của mình.
- Tự chủ: Phụ nữ tự chủ kinh tế là lý do nhiều chị em muốn được độc lập tài chính. Điều này có thể cho họ cảm giác an toàn, chủ động trong mọi tình huống, không phải phụ thuộc kinh tế vào chồng.
- Trách nhiệm: Thay vì chỉ có một người vợ hoặc chồng chịu trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” thì nay mỗi người phải học cách chịu trách nhiệm cho tình trạng tài chính của mình. Phải có kỹ năng quản lý và lập ngân sách chi tiêu để vừa đảm bảo các nhu cầu của gia đình vừa thỏa mãn được nhu cầu cá nhân.
- Tránh tranh chấp: Vợ chồng độc lập tài chính sẽ tránh được một số vấn đề như tranh chấp tài sản, so sánh thu nhập từ đó tránh được những lục đục không đáng có trong nhà.
Phụ nữ khi độc lập tài chính sẽ chủ động hơn trong mọi tình huống
Các hạn chế cần cân nhắc
Tuy nhiên ngoài những lợi ích bên trên, việc độc lập tài chính cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề mà bạn nên biết để có quyết định phù hợp:
- Sự tin tưởng giữa hai vợ chồng: Dù mỗi người cần có không gian riêng nhưng nếu có một bên cứ khư khư giữ lấy tiền bản thân, không muốn góp tiền chi tiêu thì sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng. Điều này dễ dẫn đến sự nghi ngờ, ghen tị tài chính thậm chí ngờ vực đối phương chi tiêu vô độ, có bồ nhí, hay cờ bạc, thiếu nợ…
- Tình trạng “không cần nhau”: Trong gia đình nếu ai cũng độc lập tự chủ kinh tế thì có thể xảy ra tình trạng không cần nhau. Mỗi người quan tâm đến nhu cầu riêng nhiều hơn là cùng nhau xây dựng tổ ấm.
- Không có kế hoạch tài chính phù hợp: Chi tiêu trước và sau khi kết hôn không giống nhau, đặc biệt là nếu bạn dự tính có con, mua nhà… Nếu cả hai không thay đổi thói quen vì độc lập tài chính thì về lâu dài tài chính gia đình sẽ bất ổn.
Cách thiết lập tài chính cho cặp đôi phù hợp
Như vậy, bạn đã thấy được những lợi ích và hạn chế của việc độc lập tài chính với người bạn đời. Vậy làm thế nào để thiết lập tài chính gia đình sao cho vừa đảm bảo được sự độc lập, vừa tạo được sự liên kết? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
- Thống nhất về mục tiêu và nguyên tắc tài chính chung: Hai vợ chồng cần trao đổi và thống nhất về các mục tiêu như mua nhà, du lịch, giáo dục con cái, nghỉ hưu… Đồng thời, phải có nguyên tắc cơ bản để quản lý tài chính, như không vay nợ, không chi tiêu quá khả năng, không giấu giếm hay lừa dối nhau về tiền bạc…
- Đóng góp vào chi tiêu và tiết kiệm chung: Hai bạn nên mở tài khoản ngân hàng chung để chi trả chi phí chung cũng như tiết kiệm tiền cho các mục tiêu tài chính đã liệt kê bên trên.
- Tự quản lý chi tiêu và đầu tư cá nhân: Để giữ sự riêng tư và độc lập, hai vợ chồng cần được giữ lại một phần thu nhập của mình trong tài khoản cá nhân và có thể chi tiêu tùy thích mà không cần xin phép hay giải thích lý do.
- Trao đổi về quyết định tài chính quan trọng: Độc lập tài chính không có nghĩa là thân ai nấy lo và mặc kệ nhau. Cả hai nên chia sẻ về tình hình tài chính cá nhân và nên trao đổi trước khi có những quyết định quan trọng có thể ảnh hưởng lên kinh tế chung của gia đình.
- Tôn trọng và tin tưởng vào các quyết định, lựa chọn tài chính của nhau và không ngại hỗ trợ khi cần thiết.
Vợ chồng khi gặp khó khăn tài chính nên hỗ trợ lẫn nhau
Độc lập tài chính là một khái niệm còn khá mới với nhiều cặp đôi. Vợ chồng có nên độc lập tài chính với nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, mục tiêu, thái độ, niềm tin, tình cảm… Tuy việc tự chủ kinh tế rất “hấp dẫn” nhưng cả hai cần hiểu rõ những hạn chế trước khi ra quyết định.
Đồng thời cũng không cần quá lo lắng vì hai vợ chồng hoàn toàn có thể điều chỉnh kế hoạch tài chính liên tục dựa trên tình hình thực tế để tìm điểm cân bằng hợp lý.