Lưu ý: Những thông tin trong bài viết phá thai bằng thuốc dưới đây chỉ mang tính tham khảo. Không được tự ý uống thuốc phá thai tại nhà mà phải đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và được bác sĩ chỉ định điều trị y khoa. |
Trong trường hợp thai phụ mắc bệnh không thể mang thai, thai bệnh lý hoặc mang thai ngoài ý muốn thì có thể thực hiện phá thai để chấm dứt thai kỳ sớm trước kỳ sinh nở. Trong đó, phương pháp phá thai bằng thuốc là biện pháp thường được chỉ định khi mẹ đang mang thai trong những tháng đầu tiên. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề về phương pháp phá thai nội khoa này bạn nhé!
Phá thai bằng thuốc là gì?
Phá thai là việc chấm dứt thai kỳ trước thời kỳ sinh nở bằng cách loại bỏ phôi thai hoặc lấy thai ra khỏi tử cung người mẹ. Giải pháp phá thai được chỉ định khi người mẹ mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc bệnh lý nguy hiểm không thể mang thai. Trường hợp thai nhi có bệnh lý nặng cũng được cân nhắc chỉ định phá thai.
Trong các biện pháp phá thai thì có phá thai nội khoa hay còn được gọi là phá thai bằng thuốc. Với phương pháp này, thai phụ sử dụng thuốc để gây sảy thai giống cơ chế sảy thai tự nhiên. Bác sĩ sẽ không cần thực hiện thủ thuật can thiệp vào buồng tử cung, từ đó giảm được các biến chứng như nhiễm trùng, thủng lòng tử cung.
Giải pháp phá thai bằng thuốc thường được áp dụng trong trường hợp thai nhi còn nhỏ (4-7 tuần tuổi thai), phôi thai đã đi vào buồng tử cung. Các trường hợp thai lớn hơn, từ 9-12 tuần tuổi thì vẫn có thể chọn phá thai nội khoa nhưng tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn.
Vì sao cần sử dụng thuốc phá thai?
Phá thai bằng thuốc được đánh giá là phương pháp chấm dứt thai kỳ an toàn và nhanh chóng, tỷ lệ thành công cao. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc thì không cần gây mê, gây tê và cũng không phải lưu viện. Không có bất kỳ thủ thuật nào được thực hiện trong lòng tử cung nên tránh được tổn thương lòng tử cung hoặc nhiễm trùng. Cũng chính vì vậy, giải pháp phá thai bằng thuốc được bác sĩ cân nhắc chỉ định trong nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, với phương pháp phá thai bằng thuốc thì chị em phải tái khám nhiều lần nhằm kiểm tra tình trạng ra thai có thành công chưa. Nếu việc phá thai bằng thuốc không đạt được hiệu quả tối ưu thì phải can thiệp thủ thuật. Tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây đau bụng hoặc xuất huyết âm đạo.
Chỉ định uống thuốc phá thai trong trường hợp nào?
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, phương pháp phá thai bằng thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định khi mang thai ngoài ý muốn, phụ nữ mang bệnh lý không thể mang thai hoặc trong quá trình thăm khám phát hiện thai nhi có bệnh lý. Không phải trường hợp nào cũng sử dụng thuốc phá thai. Thuốc chỉ dùng khi tuổi thai trong khoảng 4-7 tuần.
Các trường hợp khuyến cáo chống chỉ định phá thai bằng thuốc bao gồm:
- Dị ứng với thành phần của thuốc
- Mắc bệnh lý tim mạch
- Bị rối loạn đông máu
- Có bệnh lý tuyến thượng thận
- Thiếu máu mức độ trung bình – nặng
Các loại thuốc phá thai
Hiện nay, các loại thuốc phá thai đang được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) phê duyệt về độ an toàn khi sử dụng để chấm dứt thai kỳ bao gồm:
- Mifestad: Là loại thuốc uống đầu tiên khi muốn phá thai, với công dụng làm thai ngưng tiến triển và hỗ trợ thai bong ra khỏi lòng tử cung nhanh hơn.
- Misoprostol: Sử dụng sau khi uống Mifestad khoảng 48 giờ với tác dụng gây co thắt tử cung, từ đó giúp mô thai được tống ra ngoài trong vòng 24 giờ sau đó.
Một số câu hỏi thường gặp khi phá thai nội khoa
Cần chuẩn bị những gì khi phá thai bằng thuốc?
Trước tiên, cần chuẩn bị tâm lý thật tốt, không nên căng thẳng quá mức. Ngoài ra, cần chuẩn bị sức khỏe tốt, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống lành mạnh, chọn thực phẩm giàu sắt để tránh mất máu quá nhiều sau phá thai.
Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám sức khỏe để đánh giá và loại trừ các trường hợp chống chỉ định. Nên có người thân cùng đi theo để chăm sóc sau phá thai.
Hiệu quả của thuốc phá thai như thế nào?
Điều này còn tùy thuộc vào tuổi thai khi sử dụng thuốc.
- Thai dưới 8 tuần tuổi thì tỷ lệ thành công cao, từ 94-98%.
- Thai 8-9 tuần thuổi có tỷ lệ thành công là 94-96%.
- Thai 9-10 tuần thì tỷ lệ thành công là 91-93%;
- Thai 10-11 tuần sẽ có tỷ lệ thành công thấp, chỉ khoảng 87%.
Phá thai bằng thuốc có nguy hiểm không?
Phá thai bằng thuốc có độ an toàn cao. Một số trường hợp vẫn có thể gặp triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như: ổi mề đay, mệt, ngứa, khó thở, bị choáng, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, ớn lạnh,… Các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ kết thúc sau vài ngày. Tuy nhiên, cần đến bệnh viện nếu:
- Đau bụng dữ dội, không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Xuất huyết âm đạo quá nhiều (xuất huyết liên tục trong 2 giờ, mỗi giờ xuất huyết ướt đẫm 2 băng vệ sinh).
- Sốt cao 38 độ trở lên và kéo dài 1 ngày uống viên Misoprostol.
- Không có hiện tượng ra huyết trong vòng 24 giờ sau khi uống viên Misoprostol.
Ngoài ra, các biến chứng nguy hiểm có thể gặp sau khi phá thai bằng thuốc bao gồm: Băng huyết, mất máu, sốt kéo dài, co giật, nhiễm trùng sau khi phá thai, vô sinh. Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng tự ý uống thuốc phá thai mà không có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp mang thai ngoài tử cung và tự ý uống thuốc khiến thai vỡ và xuất huyết ổ bụng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Việc phá thai bằng thuốc cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của người phụ nữ khi chưa sẵn sàng chấm dứt thai kỳ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng buồn bã tột độ, tự trách, trầm cảm,…
Phá thai bằng thuốc có ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con không?
Uống thuốc bằng thai đúng cách, có chỉ định và theo dõi từ bác sĩ thì sẽ giảm thiểu được tổn thương khi phá thai. Hầu hết các trường hợp đều an toàn và không ảnh hưởng đến việc mang thai, sinh con trong tương lai.
Phá thai bằng thuốc được xem là một phương pháp có tính an toàn cao. Tuy nhiên, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định phá thai cũng như không được tự ý uống thuốc phá thai khi chưa thăm khám với bác sĩ chuyên môn để tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra bạn nhé!