Mẹ chóng phục hồi thì tốt cho mẹ lẫn bé. Nên thắc mắc về cách ngồi dậy sau sinh mổ, cách vận động, tập đi cho mẹ sau sinh mổ luôn rất được quan tâm. Thực tế không phải ai cũng biết cách ngồi dậy sau sinh mổ sao cho đúng để vừa giảm đau vừa không ảnh hưởng đến vết mổ.
Bài viết sau đây từ Tạp chí Mẹ và Con sẽ hướng dẫn bạn cách ngồi dậy sau sinh mổ một cách khoa học, an toàn, cùng tìm hiểu nhé!
Sau sinh mổ bao lâu thì ngồi dậy được?
Mẹ sinh mổ phải chịu tác dụng phụ còn sót lại của thuốc gây mê, gây tê nên có thể ảnh hưởng tới khả năng vận động. Ngồi dậy quá sớm thì đau, dễ bung vết mổ. Nằm lại quá lâu cũng có các rủi ro biến chứng nhất định. Cách ngồi dậy sau sinh mổ vì thế còn phải chuẩn bị về mặt thời gian. Nếu thực hiện đúng thì rất ít đau, nhanh lành vết mổ, tăng cường đề kháng.
Thời gian thích hợp để ngồi dậy sau sinh mổ là khoảng 24 giờ sau khi sinh. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý thời gian cụ thể cần dựa vào tình trạng từng người. Việc ngồi dậy nên là quyết định sau một chuỗi các vận động nhẹ nhàng từ trước như nghiêng người, cử động tay chân.
Tại sao sản phụ cần biết cách ngồi dậy sớm sau sinh mổ?
Theo các chuyên gia y tế, sản phụ sau sinh mổ nếu không có biến chứng hoặc bất thường gì thì nên ngồi dậy sớm khi có thể. Ngồi dậy sớm sau sinh mổ có nhiều lợi ích khác nhau như:
- Thúc đẩy sự hồi phục: Ngồi dậy sớm có thể giúp tăng lưu thông khí huyết. Nhờ vận động nhẹ nhàng các cơ vùng tay chân, đùi mà máu được đưa đi xa hơn, từ đó các vết mổ sau sinh chóng lành hơn. Ngồi dậy sớm cũng giúp sản phụ giảm căng thẳng, lo âu, uể oải, lên dây cót tinh thần cho mẹ bầu.
- Đề phòng các biến chứng do nằm lâu: Nếu sản phụ nằm quá lâu hoặc ít vận động thì nguy cơ biến chứng chỉ tăng chứ không giảm. Các biến chứng sau sinh mổ như bế sản dịch, huyết khối tĩnh mạch, viêm phổi, nhiễm trùng,… hoàn toàn có thể xuất hiện. Vận động sớm sau sinh mổ tạo điều kiện cho tử cung co hồi nhanh hơn, hạn chế bế sản dịch và tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Chống tắc ruột, dính ruột: Tắc ruột và dính ruột là hai biến chứng nguy hiểm của các loại phẫu thuật ổ bụng. Biến chứng có thể gây ra đau bụng, nôn ói, táo bón, chướng bụng, sốt và nặng hơn là hoại tử ruột.
Cách ngồi dậy sau sinh mổ
Hiển nhiên, cách ngồi dậy sau sinh mổ rất cần thực hiện đúng từng bước. Mẹ không thể vội vàng ngồi dậy chỉ vì sợ biến chứng được. Tốt hơn hết là có sự hỗ trợ của người nhà hoặc điều dưỡng khi thử ngồi dậy. Bạn cần làm theo từng bước và dừng ngay nếu thấy khó chịu, đau, căng vết mổ:
- Bước 1: Nằm ngửa trên giường, hai gối co lại vừa phải, nên co chầm chậm để các cơ được giãn dần.
- Bước 2: Nằm nghiêng người sang bên không thuận, ví dụ thuận tay phải thì nằm nghiêng trái. Giữ nguyên tư thế này trong vài phút để giảm bớt cảm giác đau.
- Bước 3: Nhẹ nhàng nâng người lên, dùng khuỷu tay chống. Vẫn nghiêng người sang một bên.
- Bước 4: Tiếp đến từ từ ngồi dậy, nếu cần có thể dựa lưng vào đầu giường. Bạn cũng có thể đưa chân xuống trước và chống tay để nhích người dậy thử. Nên lót gối phía sau hoặc có người đỡ để tránh động mạnh vết mổ.
Cách ngồi dậy sau sinh mổ từng bước như trên sẽ giúp sản phụ tránh được những cơn đau do vết mổ gây ra và không làm ảnh hưởng đến quá trình lành vết mổ. Nếu vẫn đau, mẹ nên dừng lại, chỉ vận động nhẹ nhàng (co tay, chân, nghiêng người) rồi bớt đau hẳn mới thử ngồi dậy lần nữa.
Cách tập đi sau sinh mổ
Sau khi áp dụng cách ngồi dậy sau sinh mổ thành công, mẹ có thể bắt đầu tập đi lại nhẹ nhàng. Đi bộ vài bước quanh phòng là cách đơn giản để kích thích cơ thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng như cách ngồi dậy sau khi sinh mổ, không nên gấp gáp mà cách tập đi sau sinh mổ cũng gồm từng bước:
- Ngày thứ nhất sau sinh mổ: Tự xoay xở trên giường, co duỗi chân tay, có thể ngồi dậy trên giường.
- Ngày thứ hai sau sinh mổ: Mẹ tự ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng trong phòng với sự hỗ trợ của người nhà.
- Ngày thứ ba sau sinh mổ: Tự đi lại nhẹ nhàng trong phòng và ngoài hành lang.
- Từ ngày thứ tư trở đi: Bạn đã có thể vận động và ăn uống bình thường, trừ những trường hợp có chỉ định đặc biệt của bác sĩ chuyên khoa.
Khi tập đi, bạn nhớ di chuyển chậm rãi, lưu ý không uốn cong lưng hay gập bụng. Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu, nên dừng lại và nghỉ ngơi. Ngoài ra, mẹ có thể thực hiện một số bài tập thể dục sau sinh mổ nhẹ nhàng hợp sức. Thông thường, đi bộ hoặc các tư thế yoga sau khi sinh đơn giản kết hợp hít thở sẽ rất tốt cho mẹ.
Lưu ý khi vận động sau sinh mổ
Không chỉ cách ngồi dậy sau sinh mổ quan trọng, khi vận động sau sinh mổ nói chung, bạn cần lưu ý:
- Không nên vận động cường độ cao trong thời gian dài, hãy chia thành các bài tập ngắn nhưng đều đặn 3-4 lần/tuần.
- Chọn bài tập thể dục sau sinh phù hợp với mức độ hồi phục của cơ thể. Tuyệt đối không ép bản thân phải tập.
- Ngừng vận động ngay khi có dấu hiệu bất thường như chảy máu, buồn nôn, choáng váng, hoa mắt…
- Bên cạnh vận động thì chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh cũng phải được thiết kế cho phù hợp.
- Không áp lực bản thân phải tập nhiều hay ít, giảm cân sau sinh nhanh hay chậm. Quan trọng là giữ tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định.
Sau khi sinh mổ, mẹ thường gặp không ít khó khăn vì cơ thể suy yếu. Do đó, việc ngồi dậy và tập đi sớm sau sinh mổ là những bước đầu quan trọng giúp mẹ nhanh hồi phục. Hy vọng cách ngồi dậy sau sinh mổ cũng như các hướng dẫn vận động nhẹ nhàng sau sinh mổ bên trên sẽ có ích cho bạn.