Nhiều phụ huynh thấy trẻ sơ sinh thở mạnh hoặc thở nhanh hơn bình thường rất dễ lo lắng. Vậy đây có phải là dấu hiệu báo động về sức khỏe của trẻ hay không? Và nếu có, thì cần chăm sóc các bé ra sao để giảm triệu chứng? Khi nào cần đưa bé đến bệnh viện kiểm tra? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi này.
Nhịp thở của trẻ sơ sinh là bao nhiêu?
Việc bạn thấy trẻ sơ sinh thở mạnh bụng phập phồng thực ra khá bình thường. Đối với trẻ nhỏ việc thở bằng phổi là điều gì đó hoàn toàn mới lạ. Chúng thực sự đang tập thở nên có thể bé hít vào, tạm dừng rồi mới thở ra. Trẻ cũng có thể phát ra tiếng động lạ khi thở do chưa quen.
Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh là khoảng 40-60 lần/phút với bé 0-6 tháng tuổi. Nhịp thở sẽ chậm lại khoảng 35 – 40 lần/phút với trẻ 6-12 tháng tuổi. Tuy nhiên, có thể có những lúc nhịp thở của trẻ sơ sinh nhanh hơn hoặc chậm hơn khoảng này một chút là bình thường.
Thậm chí, nhịp thở của bé có thể chậm lại xuống chỉ còn 20 nhịp mỗi phút khi ngủ. Thông thường, trẻ sơ sinh thở theo chu kỳ. Cụ thể, bạn sẽ thấy trẻ ngừng thở trong 5 đến 10 giây và sau đó bắt đầu hít lại nhanh hơn – khoảng 50 đến 60 nhịp thở mỗi phút – trong vòng 10 đến 15 giây. Thời gian tạm dừng bình thường giữa các chu trình thở là không quá 10 giây.
Cách kiểm tra nhịp thở của trẻ sơ sinh
Bạn có thể kiểm tra nhịp thở của bé bằng các cách sau: Áp tai vào mũi, miệng bé để nghe xem tiếng thở như thế nào. Quan sát chuyển động của hõm ngực, nếu ngực hõm sâu thì có thể là dấu hiệu nguy hiểm. Áp má vào cạnh mũi và miệng của bé để cảm nhận hơi thở mạnh – nhẹ ra sao cũng là một cách.
Bạn lưu ý cần đếm nhịp thở liên tục trong một phút và lặp lại nhiều lần. Ngoài ra, hiện nay cũng có nhiều thiết bị theo dõi nhịp thở trẻ sơ sinh. Tuy vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương án này. Nếu nhận thấy trẻ sơ sinh thở mạnh bất thường, bạn cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm nhé.
Nguyên nhân khiến bé thở mạnh
Trẻ sơ sinh thở mạnh là một hiện tượng khá phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số thì đó chỉ là tình trạng sinh lý bình thường. Phổi của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và có thể gặp khó khăn trong việc lấy oxy từ không khí vào máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thở nhanh hoặc khò khè. Bạn cần theo dõi và quan sát để hiểu chế độ thở “bình thường” của bé. Và khi đã quen, bạn sẽ nhận biết được nhịp thở nhanh, gắt, bất thường ở trẻ. Khi có sự thay đổi thì đó đôi khi là dấu hiệu bệnh lý đường hô hấp và một số vấn đề khác:
- Dị ứng thời tiết: Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự thay đổi từ môi trường bên ngoài. Nếu trẻ thở mạnh khi ngủ và kèm theo ho khan dai dẳng thì đó là dấu hiệu dị ứng điển hình.
- Nhiễm trùng, viêm đường hô hấp: Các bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản hoặc viêm phổi có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp ở trẻ sơ sinh.
- Vấn đề về tim hoặc phổi bẩm sinh
- Chấn thương vật lý có thể gây ra hội chứng suy hô hấp, làm trẻ bị thiếu oxy dẫn tới thở nhanh và mạnh hơn.
- Sinh non: Trẻ sơ sinh có nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp cao hơn.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh thở mạnh do bệnh
Khi thấy trẻ sơ sinh thở mạnh bụng phập phồng nhưng bé sinh hoạt bình thường, khỏe mạnh thì khoan vội lo lắng. Nếu tình trạng này còn kèm theo các triệu chứng như sau, có khả năng đây là dấu hiệu cảnh báo viêm đường hô hấp ở trẻ sơ sinh. Có thể nói viêm đường hô hấp là căn bệnh cực kỳ phổ biến ở trẻ sơ sinh vì miễn dịch của trẻ còn rất non nớt:
- Ngực phập phồng, thở mạnh: Nếu bạn thấy trẻ thở mạnh, cơ hoành (vùng giữa ngực và bụng) ro rút mạnh khiến khu vực này lõm sâu nghĩa là bé bị khó thở.
- Trẻ sơ sinh thở khò khè, tiếng thở nặng nề: Tiếng thở nặng nề, khò khè và nghe giống như đang ngáy chứng tỏ ống dẫn khí có vấn đề. Có thể là do thanh quản sưng to nên chèn ép khí quản.
Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm phổi thì nên đưa đến bệnh viện kiểm tra. Đặc biệt, sau đây là những dấu hiệu nguy hiểm phải đưa bé nhập viện ngay lập tức:
- Trẻ sốt cao trên 38 độ, với trẻ dưới 3 tháng tuổi thì nhiệt độ này là đáng báo động.
- Trẻ khó ngủ hoặc khó ăn, tỏ vẻ khó chịu, liên tục quấy khóc không rõ nguyên nhân.
- Làn da xanh tái hoặc xám xịt, hơi thở mạnh, ngực rút lõm sâu theo từng nhịp thở.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh thở mạnh
Trẻ sơ sinh là giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của con người. Trong giai đoạn này, trẻ cần được chăm sóc và bảo vệ tốt nhất. Việc chăm sóc các bé thở nhanh rất quan trọng để giúp bé thoải mái và được hỗ trợ hô hấp. Nếu trẻ sơ sinh thở mạnh, mẹ có thể tham khảo các cách xử trí tại nhà dưới đây:
- Tăng cường cữ bú, bổ sung đủ nước cho bé mỗi ngày
- Thường xuyên theo dõi nhịp thở của bé, nhất là khi ngủ. Mẹ có thể sử dụng đồng hồ đếm nhịp thở hoặc quan sát nhịp thở theo độ lõm và cơ bụng của bé
- Thay đổi tư thế ngủ cho bé dễ thở hơn, tốt nhất là hãy để trẻ nằm ngửa vì đây là tư thế phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh.
- Vệ sinh mũi bé đúng cách bằng nước muối sinh lý vào mũi để giúp làm sạch chất nhầy
Chăm sóc trẻ sơ sinh cần chú ý rất nhiều chi tiết, trong đó có nhịp thở của bé. Bạn cần thường xuyên kiểm tra nhịp thở, quan sát xem trẻ thở nhanh hay chậm, mạnh hay yếu. Nhiều trẻ sơ sinh thở mạnh là bình thường nhưng cha mẹ không nên chủ quan, lơ là mà để sót dấu hiệu nguy hiểm.