Gặp mặt bạn bè, than thở về chồng đôi câu. Về nhà ngoại, trút hết ấm ức về chồng để kể cho bố mẹ nghe. Lên cơ quan, thay vì những lời tán dương về chồng là những câu trách móc. Việc nói xấu chồng với nhiều người đã trở thành thói quen mà họ không hề nhận ra rằng, đó là một trong những cách nhanh nhất để kết thúc một cuộc hôn nhân.
Vì sao phụ nữ thích nói xấu chồng?
Với phụ nữ, buôn dưa lê trở thành một sở thích và là một thói quen của nhiều người. Ngoài việc “tám” về những người xung quanh, chúng ta còn thậm chí đem chồng – người đầu ấp tay gối của mình vào trong những câu chuyện để trò chuyện cùng mọi người. Tình trạng nói xấu chồng đôi khi chỉ xuất phát từ việc “kể thật”. Chúng ta muốn tâm sự với những người thân thiết về cuộc sống hôn nhân của mình mà đôi khi kể tất tần tật, kể cả những tật xấu của chồng và không hề nhận biết đó là nói xấu chồng. Với bạn, đơn giản chỉ là kể thật về những việc đang diễn ra mà thôi.
Ngoài ra, việc nói xấu chồng cũng xuất phát từ sự bất lực và mệt mỏi của người phụ nữ. Chồng nghiện thuốc lá, chồng lười làm việc nhà, chồng hay để đồ đạc bừa bãi,… nhưng nói mãi chẳng được, góp ý mãi mà không thay đổi khiến bạn cảm thấy không biết làm sao. Những muộn phiền không có cách nào được giải tỏa, chỉ đành… nói xấu chồng để nhẹ nỗi lòng, để cảm thấy dễ chịu hơn, giảm đi một ít cảm giác bực bội.
Xem thêm:
- Bí quyết yêu lâu không chán: 5 mẹo để tình yêu luôn mới
- 8 nguyên tắc khi vợ chồng cãi nhau để càng cãi càng yêu
Thông thường, những người phụ nữ bất lực trước tính xấu của chồng sẽ chọn nói ra như một cách để tìm sự đồng cảm. Chúng ta tin rằng đâu đó vẫn có những người giống chồng của mình nên cứ thoải mái mà tâm sự, mà chia sẻ.
Và cũng không tránh được một trường hợp khác chính là có những người phụ nữ chọn cách nói xấu chồng để đề cao bản thân mình. Khi hai vợ chồng đạt được một thành tựu mới nào đó, chẳng hạn như mua được nhà thì nói xấu chồng sẽ giúp mọi người gián tiếp biết được, bạn mới thật sự là người tài giỏi và là người đóng góp chính trong cuộc hôn nhân này.
Đã bao giờ bạn nghĩ đến những hệ lụy khi nói xấu chồng?
Có thể thấy, việc nói xấu chồng trước tiên sẽ mang đến cho bạn cảm giác vui vẻ, sung sướng và thỏa mãn. Tuy nhiên, đằng sau đó là những hệ lụy mà đôi khi bạn chẳng bao giờ có thể khắc phục được.
Xấu chàng hổ thiếp
Bạn càng chê bai người chồng của mình bao nhiêu thì càng chứng tỏ mắt nhìn người của bạn kém bấy nhiêu. Bạn chấp nhận đồng ý kết hôn với một người đàn ông bất tài, vô dụng làm chồng? Ông bà ta có câu: “Nồi nào úp vung đó” hoặc “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Càng nói xấu chồng thì bạn càng làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của chính bản thân mình trong mắt người khác.
Làm tổn thương chồng
Đàn ông có lòng tự trọng rất cao. Khi bạn đem bêu rếu chồng với người khác, bạn đang vô tình chạm vào lòng tự ái của anh ấy và khiến anh ta cảm thấy mất mặt, tổn thương. Nhiều trường hợp vợ chồng cãi nhau hay thậm chí ly hôn chỉ vì vợ không tôn trọng chồng và thường xuyên nói xấu chồng.
Trở thành một người vợ “xấu xí”
Dù rằng chồng của bạn chưa thật sự hoàn hảo và có nhiều tật xấu cần thay đổi nhưng khi bạn nói xấu chồng, vô tình mọi người cũng sẽ cho rằng bạn là một người vợ không tốt. Thay vì đóng cửa bảo ban nhau, bạn lại chọn cách đi nói xấu chồng của mình và chẳng ai có thể thích một người phụ nữ thường xuyên nói xấu người khác cả.
Trở thành đề tài bàn tán của nhiều người
Khi bạn nói xấu chồng với người khác, bạn cho rằng đây chỉ là một cách tâm sự để bạn giải tỏa tâm lý bản thân. Tuy nhiên, với những người xung quanh bạn thì có thể, chuyện vợ chồng của bạn đã trở thành đề tài bàn tán, mua vui của họ. Liệu bạn có chấp nhận được việc mình trở thành tâm điểm của những cuộc trò chuyện vô bổ như thế?
Và thậm chí, càng nhiều người biết chuyện thì càng có nhiều ý kiến, góp ý. Liệu bạn có sẵn sàng chịu những lời chỉ trích, hay sự cười nhạo đến từ những người xung quanh?
Ảnh hưởng đến tâm lý của con cái
Những đứa trẻ khi nghe mẹ kể xấu về bố của chúng sẽ dễ bị tổn thương do bố mẹ bất hòa, không yêu thương nhau. Lớn lên trong gia đình thiếu đi sự yêu thương, trẻ cũng dễ trở nên tự ti hơn.
Những lời nói xấu người bạn đời của bạn cũng có thể khiến con cái giảm đi sự tôn trọng với bố của chúng, khiến chúng mặc định bố mình là người xấu và cảm thấy bị tổn thương do mình “không may mắn” khi có một người bố như thế. Tâm lý những đứa trẻ bị đầu độc bởi lời nói xấu khi lớn lên cũng sẽ dễ nói xấu người bạn đời của mình như cách mẹ đã từng làm với bố.
Những vấn đề trong cuộc sống hôn nhân không nên kể cho người khác
Dưới đây là một số vấn đề mà bạn nên cân nhắc trước khi chia sẻ cùng người khác, dù cho là người thân của mình:
- Chuyện chăn gối: Không một người đàn ông nào muốn mất mặt trong khía cạnh chuyện giường chiếu của vợ chồng. Nói xấu chồng ở khía cạnh này sẽ tổn thương nghiêm trọng đến lòng tự trọng của anh ấy.
- Các thất bại, hạn chế của chồng trong sự nghiệp: Với đàn ông, sự nghiệp luôn là một khía cạnh quan trọng để anh ấy chứng tỏ bản lĩnh. Tốt nhất bạn không nên kể xấu về chồng ở vấn đề này, tránh anh ấy nghĩ rằng bạn đang chê chồng bất tài, vô dụng.
- Các vấn đề mâu thuẫn với gia đình chồng: Nếu có những lúc cãi nhau với mẹ chồng hay gia đình chồng thì bạn cũng không nên kể cho người khác bởi điều này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn với gia đình chồng và khiến chồng của bạn cho rằng bạn không tôn trọng anh ấy.
Xem thêm:
- Chồng lâu ngày không quan hệ với vợ có phải là hết yêu?
- Thỏa thuận tiền hôn nhân là gì? Vì sao nên ký thỏa thuận trước khi về chung một nhà?
Nói xấu chồng là cách nhanh nhất để tổn thương lòng tự trọng của người đàn ông và khiến hôn nhân tan vỡ. Hãy tỉnh táo trước mọi lời nói của mình bạn nhé!