Mít là trái cây thơm ngọt và dễ ăn nên được rất nhiều người yêu thích. Thế nhưng nhiều người cảm thấy khi ăn mít vào thì người nóng lên và thậm chí gây bệnh, nhiệt miệng, nổi mụn… Vậy thực sự thì ăn mít có nóng không? Liệu mùa hè có nên ăn mít nhiều hay cần chế độ ăn như thế nào cho phù hợp? Mời bạn tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Ăn mít có nóng không?
Về câu hỏi ăn mít có nóng không, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay: “Không có loại quả nào gây nóng mà chỉ có loại quả có hàm lượng đường cao”. Thực tế thì không chỉ mít có hàm lượng đường cao mà rất nhiều loại quả khác cũng chứa nhiều đường. Khi ăn một lượng rất nhiều đường trong thời gian ngắn có thể khiến người ăn bị tăng đường huyết, cảm thấy hoa mắt, chóng mặt.
Ăn mít bị nóng người là do đường đi vào máu và nhanh chóng bị phân hủy thành năng lượng, từ đó sinh ra nhiệt. Người ăn có cảm giác cơ thể nóng lên là do phản ứng này.
Ngoài ra, nhiều người ăn mít bị nổi mụn, lở miệng, nhiệt miệng thực chất không phải do mít. Mà do khi lượng đường trong máu tăng (dù bạn ăn gì đi nữa) sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu khuẩn – nguyên nhân gây mụn nhọt, chốc lở. Thông thường chỉ những ai có cơ địa nhạy cảm, dễ bị mụn nhọt, rôm sảy mới gặp phải tình trạng này.
Công dụng tuyệt vời của quả mít
Còn bản thân việc ăn mít có nóng không thì câu trả lời là không. Chỉ cần bạn ăn một lượng phù hợp thì đây là loại quả có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Mít chín rất giàu dinh dưỡng từ vitamin A & C, đến vi khoáng như canxi, sắt, kali thiamin, magnesium… Cụ thể, khi ăn mít bạn sẽ nhận được các lợi ích như sau:
Cung cấp năng lượng và tăng sức đề kháng
Carbohydrates chiếm đến 92% nguồn dinh dưỡng trong mít nên đây là loại quả cung cấp năng lượng cực nhanh. Người cần hoạt động nhiều, liên tục thì chỉ cần ăn vài múi mít sẽ thấy được hồi sức nhanh chóng. Mít giàu vitamin C cũng như chứa các loại đường đơn giản, là thành phần quan trọng nhằm cải thiện hệ miễn dịch.
Chống ung thư
Ăn mít còn giúp ngừa ung thư. Trong mít có nhiều chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tốt DNA trong tế bào. Mít còn giàu xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, trị táo bón. Ăn mít sẽ giúp đại tràng loại bỏ độc tố trong hệ tiêu hóa – một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột kết.
Đặc biệt, trong mít tươi có nhiều vitamin A và các sắc tố flavonoid như carotene-Ay, xanthin, lutein và cryptoxanthin-Ay, đều là những chất giúp bảo vệ phổi và phòng ngừa ung thư khoang miệng.
Chữa bệnh thiếu máu
Trong mít có nhiều vitamin A, C, E, K cũng như axit folic, niacin và vitamin B6 lại còn giàu kali, đồng, sắt, magie… Đều là những vi chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp tế bào hồng cầu (RBC) và hemoglobin. Ăn mít vì thế sẽ giúp chữa trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu rất hiệu quả.
Chữa tưa lưỡi cho trẻ
Cây mít còn góp mặt trong nhiều bài thuốc dân gian rất hiệu quả. Nếu trẻ bị tưa lưỡi, bạn có thể dùng 30g lá mít vàng, rửa thật sạch, phơi thật khô rồi đốt thành than. Dùng bột than lá mít trộn với mật ong sau đó bôi vào chỗ tưa lưỡi 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối trước khi ngủ. Bài thuốc này chữa bệnh tưa lưỡi ở trẻ em rất hiệu quả.
Mẹo gọi sữa về với mít
Đối với sản phụ ít sữa sau sinh thì dân gian cũng có ngay bài thuốc gọi sữa về. Cách làm là dùng lá mít tươi đem nấu lấy nước uống. Mẹ cũng có thể dùng mít non, gọt bỏ vỏ gai rồi đem chế biến thành các món ăn ngon miệng như mít non xào thịt nạc, mít non kho nấm… Uống hoặc ăn các món này trong 3-5 ngày để giúp bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa cho mẹ.
Giải rượu cực hiệu quả bằng mít chín
Mít chín kết hợp với chanh tươi là bài thuốc giã rượu đơn giản, dễ làm mà hiệu quả rất tốt, lại bổ dưỡng cho sức khỏe. Bạn chọn mít dai vừa chín, bỏ hạt, cắt miếng vuông vừa ăn. Cho 300g đường vào nồi 300ml đun sôi, sau đó cho khoảng 30 múi mít vào nấu, đảo đều.
Đến khi nước đường hơi sánh lại thì để nguội rồi ướp lạnh dùng dần. Khi cần dùng chỉ cần cho mít vào chén, vắt một ít chanh tươi vào nước đường rồi rưới lên mít. Món này ăn lạnh giúp cơ thể nhanh chóng tỉnh táo và nạp năng lượng lại sau khi nhậu xỉn.
Cần lưu ý điều này khi ăn mít
Dù ăn mít mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều. Nhất là khi đây là loại quả ngon ngọt nên nhiều người thường ăn “quên lối về”, dẫn tới tình trạng nóng trong người. Để tối đa hóa lợi ích của mít, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Chỉ nên ăn tối đa 100 gram mít/ngày.
- Không nên ăn mít khi đang đói, tránh ăn vào buổi chiều tối, tối muộn.
- Đối với những người có cơ địa nhạy cảm thì khi ăn mít cần bổ sung thêm nhiều loại rau củ quả thanh nhiệt khác như thơm, rau xanh, đậu xanh.
- Người thừa cân, béo phì, người mắc các bệnh gan nhiễm mỡ, suy thận, suy nhược cơ thể thì nên tránh ăn mít.
Hẳn bạn đã biết ăn mít có nóng không và cũng như những công dụng tuyệt vời từ mít. Tin rằng chỉ cần biết dùng đúng cách thì không chỉ mít mà rất nhiều loại trái cây “nóng người” khác cũng không thể gây hại cho sức khỏe bạn.