Với đặc điểm khí hậu mùa xuân mưa phùn, mùa đông khô lạnh cộng với tình trạng ô nhiễm không khí, tỷ lệ người bị viêm mũi dị ứng ở nước ta đang ngày một tăng cao. Người bị viêm mũi có thể cảm thấy ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi,… gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Hiện nay, số người bị viêm mũi dị ứng trên thế giới đã lên đến 10-30% (Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI)). Vậy chính xác thì viêm mũi dị ứng là gì?
Theo đó, viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích bởi các tác nhân từ môi trường như lông sâu, lông động vật, phấn hoa, khói bụi, mạt nhà,… Mũi có các triệu chứng hắt hơi, chảy nước hoặc ngạt, ngứa,… mà không bị viêm do vi khuẩn hay virus.
Các câu hỏi liên quan đến viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân bệnh là gì?
Những nguyên nhân khiến một người bị viêm mũi dị ứng vô cùng đa dạng. Có thể nói, các tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng có ở khắp mọi nơi, từ trong nhà đến ngoài phố. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Các chất gây dị ứng trong nhà: Chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm, bụi bẩn, lông chó mèo, lông vải quần áo, mùi thức ăm, nước xả vải, xà phòng, nấm mốc,… đều có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh.
- Các chất gây dị ứng trong không khí: Bao gồm mùi rác thải, gió lạnh, mưa, phấn hoa, lông sâu, bụi lúa, khói bụi, mùn cưa,…
- Các chất gây dị ứng nghề nghiệp: Hóa chất trong nhà máy, bụi phấn trường học, bụi gỗ ở xưởng mộc, bụi xi măng tại công trình xây dựng,… là những yếu tố kích thích bệnh viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng có mấy dạng?
Bệnh lý viêm mũi dị ứng được chia làm hai dạng là viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ) và viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ). Theo đó:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Là viêm mũi dị ứng thời tiết, chỉ xảy ra một vài thời gian nhất định trong năm.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: Bất kỳ thời điểm nào gặp tác nhân gây dị ứng thì mũi cũng sẽ viêm và có phản ứng kích thích.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng là gì?
Các triệu chứng thường gặp của người bị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Đỏ mắt, chảy nước mắt
- Rát bỏng ở kết mạc
- Nóng rát vòm họng
- Hắt hơi, chảy nước mũi liên tục, dịch nhầy trong
- Uể oải, nặng đầu
- Nghẹt mũi
- Ngứa mũi, muốn hắt hơi nhưng không thể hắt hơi
- Có dịch ứ đọng trong vòm họng
Viêm mũi dị ứng kéo dài bao lâu?
Tuỳ theo từng người mà tình trạng viêm mũi có thể kéo dài trong một ngày hoặc vài ngày, thậm chí cả tuần rồi biến mất. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng này cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Đối tượng dễ bị viêm mũi dị ứng?
Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh thường là những người có tiền sử dị ứng, bị bệnh chàm da hoặc hen suyễn. Ngoài ra, người tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm, phấn hoa, bụi bẩn,… cũng có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cao hơn.
Và cũng cần lưu ý với bạn rằng, bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng. Do đó, không nên chủ quan nếu có các biểu hiện bệnh.
Biến chứng của viêm mũi dị ứng là gì?
Tình trạng viêm mũi dị ứng thường xuất hiện với các dấu hiệu nhẹ khiến bạn chủ quan về bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị viêm mũi dị ứng nhưng không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phế quản
- Viêm tai giữa
- Viêm xoang
- Viêm họng
- Viêm loét vùng mũi tiền đình
- Niêm mạc mũi thoái hóa
- …
Đặc biệt, trẻ em bị viêm mũi dị ứng nhưng không kịp thời phát hiện và điều trị có thể bị viêm phế quản dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và gây tử vong.
Điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?
Viêm mũi dị ứng có thể được không? Câu trả lời chính là có! Một số biện pháp thường được áp dụng cho người viêm mũi dị ứng gồm có:
- Sử dụng thuốc kháng histamin (theo chỉ định của bác sĩ)
- Chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi đắc phục triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng
- Tránh xa các tác nhân gây bệnh
- Sử dụng máy lọc không khí
- Thường xuyên lau dọn nhà cửa, vệ sinh giặt giũ ga trải giường, chăn mền,…
- Đeo khẩu trang tại nơi làm việc nếu buộc phải tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào?
Bạn có thể phòng ngừa viêm mũi dị ứng bằng cách bổ sung vitamin C và các dưỡng chất cần thiết nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch khỏe thì nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cũng như mắc các bệnh lý khác sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, nếu biết cụ thể bản thân dị ứng với chất gì thì nên cố gắng tránh xa, không tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nên đeo khẩu trang nếu buộc phải đi vào khu vực có tác nhân gây dị ứng.
Và để hạn chế tối đa bị viêm mũi dị ứng, nên bảo vệ sức khỏe tai mũi họng bởi đây là một hệ thống thông với nhau. Khi tai và hong được bảo vệ tốt thì mũi cũng ít nguy cơ bị viêm hơn.
Viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?
Có! Dù các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường nhẹ và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu chủ quan không điều trị thì có thể gây nên các biến chứng nặng nề, nghiêm trọng như viêm xoang cấp, mạn tính, polyp mũi xoang…
Viêm mũi dị ứng có chữa khỏi được không?
Việc điều trị viêm mũi dị ứng chỉ góp phần làm giảm sự khó chịu của các biểu hiện bệnh cũng như làm giảm các triệu chứng của người bị viêm mũi. Tuy nhiên, nếu muốn bệnh được khỏi hoàn toàn thì người bệnh cần tránh xa, tuyệt đối không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Hầu hết các yếu tố kích thích mũi gây dị ứng thường ở trong không khí nên việc tránh tiếp xúc tuyệt đối là vô cùng khó khăn, đòi hỏi người bệnh phải thật cẩn thận và kết hợp nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Trong trường hợp các triệu chứng của bệnh diễn ra lâu dài và lặp lại liên tục hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sụt cân, mất ngủ, khó thở, sưng hốc mũi,… thì nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng khiến bạn thường xuyên hắt xì, chảy nước mũi khó chịu. Hãy thử ngay những cách phòng ngừa và điều trị nêu trên bạn nhé!