Chỉ số nước ối là những thông tin quan trọng giúp mẹ đánh giá sức khỏe của bé một cách hiệu quả. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con khuyên mẹ không nên bỏ qua bài viết dưới đây nhé!
Nước ối là gì ?
Xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ tinh, nước ối là chất dịch trong suốt bao quanh thai nhi, có màu vàng nhạt và chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, oxy giúp nuôi dưỡng bào thai từ những ngày mới hình thành cho đến khi hoàn tất quá trình mang thai, sinh nở.
Xem thêm: 7 cột mốc vàng mẹ bầu cần lưu ý
Vai trò của nước ối
– Cung cấp chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển khỏe mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển sau khi chào đời
– Nơi chứa nhiều oxy giúp thai như thực hiện quá trình hô hấp, giúp phổi phát triển
– Tái tạo và trao đổi chất nhằm tạo ra sự cân bằng giữa các cơ quan của thai nhi
– Tạo thành lớp màng đệm bảo vệ bé khỏi những sang chấn của tử cung và ngăn vi khuẩn xâm nhập
– Hỗ trợ thai nhi vận động để phát triển hệ xương
– Ổn định thân nhiệt của bé
– Giúp mở tử cung, bôi trơn để hỗ trợ cho quá trình sinh nở thuận tiện hơn
Thể tích và các chỉ số nước ối
Lượng nước ối trong bào thai thay đổi theo tuần thai. Điều đặc biệt là nước ối nhiều nhất là ở vào khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ và giảm dần khi thai nhi trưởng thành. Cụ thể là:
- Thai 12 tuần tuổi: khoảng 60 ml
- Thai 20 tuần tuổi: khoảng 350 ml
- Thai 25-26 tuần tuổi: khoảng 670 ml
- Thai 34 tuần tuổi: 500 – 1.000 ml
- Thai 40 tuần: khoảng 600 ml
- Thai 42 tuần: khoảng 540 ml
Tuy nhiên, thông thường các mẹ bầu thường không đạt được chỉ số nước ối lý tưởng như đã nêu ở trên. Một số thai phụ sẽ có lượng nước ối rất ít, dưới 500ml hoặc có lượng ối rất cao, trên 2.000 ml. Tình trạng thiểu ối hay đa ối đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của thai kỳ
Có thể bạn chưa biết: Dư nước ối khi mang thai nguy hiểm hơn bạn nghĩ
– Nếu bị đa ối, tình trạng này chiếm khoảng 0,2-1,6% trường hợp mang thai, mẹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ ối sớm, bong nhau non, sinh non, ngôi thai đảo lộn, đờ tử cung hay băng huyết sau sinh. Nguyên nhân của tình trạng đa ối là do những bệnh lý ở mẹ như đái thái đường, kháng thể kháng Rh và một số bệnh tán huyết thứ phát, u mạch máu màng đệm, viêm nội mạc tử cung hoặc bánh nhau bị tổn thương.
Đồng thời, mẹ bị đa ối có thể do một số bất thường từ phía thai như khuyết tật ở hệ thống thần kinh trung ương, khuyết tật cấu trúc hệ thống tiêu hóa hay bất thường nhiễm sắc thể…
– Nếu bị thiểu ối, tình trạng này chiếm khoảng 2,3-4% các trường hợp mang thai, bạn có thể đối mặt với nguy cơ suy thai, dị tật thai nhi, tăng tỷ lệ sinh mổ cho mẹ.
Nguyên nhân của tình trạng này là cũng có thể bắt nguồn từ mẹ dẫn đến tình trạng thiếu oxy làm suy tuần hoàn nhau thai, mẹ dùng thuốc điều trị bệnh, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, lupus…. Ở thai nhi có thể do bất sản ở hệ tiết niệu, nhiễm trùng thai, bất thường ở hệ thần kinh, hệ tiêu hóa…
– Đặc biệt, với những mẹ bầu bị vô ối (lượng nước ối dưới 3 cm) do nguyên nhân thiểu ối sẽ có nguy cơ dẫn đến thai bị chết lưu.
Những điều cần biết về chỉ số nước ối
AFI (amniotic fluid index) là chữ viết tắt của ký hiệu chỉ số nước ối và được tính bằng đơn vị cm. Hiện tại, có hai cách lấy chỉ số ối là dựa vào thăm khám lâm sàng và siêu âm bán định lượng.
Với cách thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thông qua việc sờ nắn bụng, nắn thai và dò bằng ngỏ âm đạo để xác định tình trạng nước ối nhiều hay ít.
Bên cạnh đó, để có kết quả chính xác hơn về thể tích chỉ số nước ối, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để đo lượng nước trong buồng ối. Thông thường, người ta sẽ lấy rốn làm mốc, chia bụng và tử cung làm 4 phần bằng 2 đường dọc, ngang. Ở mỗi phần sẽ chọn ra túi ối sâu nhất là đo chiều dài của nó. Sau đó, máy siêu âm sẽ thực hiện công việc cộng 4 chỉ số đó lại để cho ra một con số chính xác đó là chỉ số ối AFI.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp xác định khoang lớn nhất trong buồng ối qua siêu âm để đánh giá thể tích nước ối. Nếu khoang ối lớn nhất có chỉ số dưới 3 cm thì được xem là thiểu ối hoặc >= 20 cm là đa ối.
Chỉ số nước ối “lý tưởng”
Như Mẹ và Con đã đề cập ở trên, chỉ số nước ối AFI ở mỗi giai đoạn của thai kỳ không giống nhau. Vì thế, các chỉ số chỉ mang tính tương đối để giúp mẹ đối chiếu và vạch ra giới hạn bình thường. Từ đó, mẹ có thể hiểu rõ tình hình sức khỏe và có biện pháp chăm sóc bản thân thích hợp.
- Theo đó, khi nhìn thấy các chỉ số ối trên phiếu siêu âm, mẹ có thể yên tâm khi chúng dao động trong khoảng từ 6-18 cm.
- Nếu chỉ số AFI là 12-25 cm, mẹ bầu đã có biểu hiện dư ối, nhưng các chỉ số này là bình thường, bạn không cần phải lo lắng.
- Nếu chỉ số > 25cm, mẹ bầu cần phải trao đổi với các bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết vì đây là biểu hiện của chứng đa ối bệnh lý, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ và cả quá trình sinh nở.
- Với chỉ số AFI bé hơn hoặc bằng 5cm, mẹ cần được kiểm tra thêm và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ cho trường hợp vô ối của mình.
Lời khuyên cho mẹ bầu:
– Chế độ dinh dưỡng
Khi mang thai, để đảm bảo chất dinh dưỡng đầy đủ cho thai nhi thông qua nước ối, mẹ bầu nên ăn đa dạng, uống đầy đủ nước từ nước lọc, nước trái cây đến sữa… Tránh ăn uống quá nhiều loại cùng một lúc sẽ khiến cho dinh dưỡng mất cân bằng, làm phát sinh nhiều vấn để trong thai kỳ.
Nếu mẹ bị dư ối hay thiểu ối, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc đặc biệt. Lúc này, mẹ cần phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để bảo vệ bé yêu.
– Nghỉ ngơi hợp lý
Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần dành thời gian thư giãn, giải tỏa căng thẳng và ngủ đủ giấc. Khi nằm, nên chọn tư thế thật thoải mái để tránh tình trạng chèn ép mạch máu làm mẹ khó thở và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi oxy của thai nhi thông qua nước ối.
– Vận động nhẹ nhàng
Đi đứng nhẹ nhàng, không mang vác nặng, chọn các bài tập thể dục phù hợp cũng là cách giúp mẹ có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. Đồng thời, điều này còn giúp mẹ bảo vệ được bé yêu nhờ tránh được tình trạng rò rỉ ối trong suốt thai kỳ.
– Xây dựng lối sống lành mạnh
Rượu bia và thuốc lá là những mối nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Bởi lẽ, thai nhi có khả năng hấp thu hàng ngàn loại hóa chất độc hại qua nước ối dẫn đến tình trạng thiếu oxy, tổn thương hệ thần kinh và phổi, nhẹ cân, sẩy thai, sinh non, chậm phát triển sau khi chào đời.
Những bất thường về màu sắc nước ối
Bên cạnh những bất thường về thể tích và chỉ số nước ối, mẹ bầu còn có thể đối mặt với sự thay đổi về màu sắc của nước ối. Nước ối trong suốt hoặc có màu trắng trong. Từ tuần 38 trở đi, nước ối có màu trắng đục.
Đây là những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ trong suốt thai kỳ:
– Nước ối màu vàng xanh: Tình trạng này thường xuất hiện khi có hiện tượng tán huyết thai nhi hoặc thai nhi chậm phát triển.
– Nước ối có màu xanh rêu, dơ hoặc có lẫn phân su: Màu nước ối này chứng tỏ thai nhi đang yếu dần trong cơ thể mẹ và thậm chí là có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, cần được xử lý kịp thời.
– Nước ối màu xanh đục và có mùi hôi: Đây là dấu hiệu điển hình của trường hợp nhiễm trùng ối khi chúng có lẫn mủ. Nhiều khả năng thai nhi sẽ bị nhiễm trùng trong tử cung.
– Nước ối màu nâu đỏ: Nếu nước ối chuyển sang màu này nghĩ là thai nhi đã tử vong trong bụng mẹ hoặc bị chết lưu và cần được can thiệp ngay lập tức.
Ngoài tìm hiểu về chỉ số nước ối, mẹ bầu cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, thả lỏng tâm trạng để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh nhé! Chúc bạn mẹ tròn con vuông!