Nhiều bố mẹ khi phát hiện con trộm tiền liền lập tức nổi nóng, chỉ trích và “kết án” trẻ, cho rằng con là người xấu xa và cần có những hình phạt thích đáng. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, điều này chỉ tiếp tay cho hành động trộm tiền trong những lần sau?
Mất bình tĩnh khi phát hiện con trộm tiền
“Biết chuyện con mình ăn trộm tiền, tôi liền đánh con một trận thật nặng rồi bắt con quỳ qua giờ cơm tối, coi như hôm đó con không ăn cơm. Dù biết con ăn trộm là sai, nhưng tôi cứ đắn đo mãi về cách giải quyết của mình.
Thật ra lúc đó tôi cũng muốn hỏi con nhiều điều, và biết rằng mình không cho con tiền ăn quà vặt nên con mới lén lấy tiền của mẹ. Nhưng cảm xúc lúc đó chỉ toàn là tức tối, lại thêm cảm giác xấu hổ khi đứa con ngoan ngoãn của mình lại đi trộm tiền khiến tôi nặng lời với con, lại dạy con bằng đòn roi.” – chị Q.N chia sẻ.
Không chỉ chị Q.N mà nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi phát hiện con trộm tiền. Anh T, 40 tuổi – 1 người bố có 2 con chia sẻ rằng, một hôm nọ vào phòng con thì thấy thấy đứa con trai 6 tuổi của mình đang cầm 2 triệu đồng.
Đây là số tiền lớn và chắc chắn anh hoặc vợ không thể đưa cho con. Gặng hỏi một hồi thì phát hiện ra, con trộm tiền của chị họ khi sang nhà chơi sáng nay. Quá mất bình tĩnh, anh liền chở con sang nhà họ hàng để trả lại số tiền, đồng thời đánh con ngay trước mặt họ hàng của mình.
Hay như trường hợp của vợ chồng chị H, vừa đi làm về liền bị hàng xóm mách rằng thấy con dùng ra đầu ngõ để mua rất nhiều bánh kẹo. Về nhà mở ngăn kéo tủ thì phát hiện số tiền để đóng tiền điện đã “không cánh mà bay”. Xác định chắc chắn là con lấy cắp, cũng muốn cho con nhớ được bài học nên sau khi phát hiện con trộm tiền, anh chị đã đánh con một trận thật đau, bắt con phải chép phạt toàn bộ quyển vở trắng với nội dung con sẽ không trộm tiền nữa.
Bố mẹ nên làm gì khi phát hiện con trộm tiền?
Tìm hiểu nguyên nhân
Việc trẻ trộm tiền có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, rất nhiều trẻ vì bị bạn bè kích động, thách thức đã dẫn đến việc trộm tiền của bố mẹ hay người khác mà không suy nghĩ đến hậu quả về sau.
Ngoài ra, một tình huống khác thường thấy chính là trẻ không được đáp ứng nhu cầu về vật chất (trẻ không được bố mẹ cho tiền đi học, trẻ muốn ăn một món nào đó nhưng bố mẹ không cho phép, trẻ muốn mua đồ chơi,…)
Hay thậm chí, nhiều trẻ còn trộm tiền vì muốn được bố mẹ, thầy cô quan tâm, chú ý đến mình nhiều hơn.
Khi phát hiện con trộm tiền, hãy giữ bình tĩnh và hỏi con số tiền con trộm được từ đâu, con trộm bằng cách nào, đây có phải lần đầu tiên con trộm tiền hay không và đặc biệt là nguyên nhân tại sao con lại muốn trộm số tiền này, con có việc gì cần sử dụng tiền có thể chia sẻ với bố mẹ hay không,…
Nghiêm khắc thu hồi số tiền trẻ đã lấy trộm
Sau khi phát hiện con trộm tiền, bố mẹ nên nghiêm khắc yêu cầu con đưa lại số tiền đó. Con đã trộm ở đâu, trộm của ai thì trả lại đúng vị trí đó kèm theo lời xin lỗi. Điều này sẽ dạy cho con hiểu được rằng, con cần chịu trách nhiệm với những hành động mà mình đã làm.
Nói với trẻ trộm tiền là xấu
Khi trẻ còn nhỏ, không phải lúc nào con cũng ý thức được về chuyện tài sản cá nhân. Có những lúc suy nghĩ của con rất ngô nghê, không cho rằng việc mình cầm tiền của người khác khi chưa được phép là một hành động sai.
Xem thêm:
- 5 Tư tưởng nuôi dạy con cực sai lầm mà bố mẹ nên tránh xa
- Phương pháp dạy con time-out, hình phạt không đòn roi
Vì thế, nếu phát hiện con trộm tiền, bố mẹ hãy kiên nhẫn để giải thích cho con hiểu, hành động trộm tiền là một hành động xấu, dù trẻ em hay người lớn thì cũng không được phép làm điều này. Bạn có thể đưa ra ví dụ để con hiểu được hậu quả của việc ăn trộm tiền là gì.
Khi giải thích cặn kẽ với trẻ thì trẻ có thể hiểu được vì sao bố mẹ lại không cho phép mình làm như vậy và không còn ý định thử lại thêm một lần nào nữa.
Dạy trẻ biết tôn trọng tài sản của người khác
Để tránh việc trẻ trộm tiền vào những lần sau thì ngay khi phát hiện con trộm tiền, bố mẹ nên hướng dẫn con về việc phải tôn trọng tài sản của người khác. Hãy cho trẻ hiểu rằng mỗi người đều có quyền sở hữu những món đồ vật của riêng mình và không ai được phép lấy nếu mình chưa đồng ý. Việc tự tiện lấy đồ của người khác là một hành vi xấu, cho thấy mình không phải một đứa trẻ ngoan.
Bạn có thể thực hành bài học này bằng cách mỗi khi muốn cầm một món đồ vật nào của trẻ, hãy hỏi trước con bằng những câu hỏi như con cho mẹ mượn con gấu bông đi giặt nhé hay mẹ có thể xem món đồ chơi này của con không. Lâu dần, trẻ sẽ tạo thành thói quen hỏi ý kiến và xin phép trước khi dùng tài sản của người khác.
Nhấn mạnh lòng trung thực với trẻ
Việc nhấn mạnh về lòng trung thực với con không chỉ giảm nguy cơ trẻ ăn trộm tiền mà còn giúp trẻ học được một đức tính tốt, không nói dối trong các trường hợp khác.
Cho con biết bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe
Khi phát hiện con trộm tiền, bạn liền vội trách phạt con. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn hỏi ra nguyên nhân của việc trộm tiền và cho con biết bố mẹ vẫn luôn ở bên con, lắng nghe con thì mọi chuyện sẽ khác.
Lúc này, nếu có nhu cầu mua một món đồ chơi hay món ăn vặt nào đó, trẻ cũng sẽ nói với bố mẹ để được đáp ứng thay vì trực tiếp trộm tiền của người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Đưa ra hình phạt
Nếu đây là lần đầu phát hiện con trộm tiền, bạn có thể răn đe trẻ, yêu cầu con cam kết không tái phạm và nói với con hình phạt nếu con không vâng lời bố mẹ, chẳng hạn như con phải rửa bát một tuần mà không được xem tivi.
Nếu đây không phải lần đầu phát hiện con trộm tiền, bạn nên cho trẻ một số hình phạt để con biết “sợ” hơn. Tuy nhiên, không nên chọn những hình phạt làm tổn thương thể chất của trẻ bạn nhé.
Xem thêm:
Sẽ chẳng ai muốn rơi vào tình thế một ngày bỗng phát hiện con trộm tiền, nhưng trên thực tế thì chúng ta vẫn có thể gặp phải tình huống trớ trêu này. Bên cạnh những hướng giải quyết được chia sẻ trên, bạn đừng quên cất tiền cẩn thận hơn, lắp camera trong nhà để quan sát con cũng như tìm ra được những điểm đáng khen của con (chẳng hạn như con đã dám nhận lỗi) để động viên trẻ, giúp trẻ không còn lặp lại hành động xấu này.