Học tập để biết cách cư xử, để “thoát nghèo”, để kiếm tiền, học vì ai cũng học là những câu trả lời phổ biến nhất nếu người ta được hỏi về việc học. Vai trò của việc học rõ ràng là rất quan trọng, thế nhưng làm cách nào để khuyến khích con trẻ học tập? Làm sao để con tự học mà không cần cha mẹ đốc thúc?
Đây là bài toán khó và bạn có thể tìm được vài gợi ý thông minh dưới đây.
Vai trò của việc học
Việc học không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn cần giúp trẻ phát triển toàn diện. Để hiểu ngắn gọn “học để làm gì” thì ta có thể xem qua 5 trụ cột chính trong triết lý giáo dục do UNESCO đề nghị.
Học để biết
Và đầu tiên UNESCO nhắc đến là trẻ cần “biết cách học”. Cha mẹ, nhà trường cần dạy con cách học để có hiểu biết, để có công cụ, tư duy và kiến thức phục vụ cho chính việc học. Học tập không phải để chạy theo thành tích, không phải “học vì ai cũng học” mà con trẻ cần hiểu lý do vì sao mình cần học và nên học như thế nào thì hiệu quả.
Học để tồn tại
Học không chỉ là kiến thức hàn lâm. Mỗi người cần trang bị kỹ năng sống để tự chăm lo và chịu trách nhiệm cho đời mình. Ví dụ cha mẹ nên tập cho trẻ làm việc nhà từ lau dọn đến nấu ăn cơ bản. Đây đều là kỹ năng thiết yếu để một người trưởng thành có thể tồn tại độc lập.
Học để chung sống
Con người là động vật xã hội. Đời sống mỗi cá nhân không thể tách rời hoàn cảnh xã hội xung quanh. Do đó, trẻ cần được giáo dục cách “làm người”, cách đối nhân xử thế trong một thế giới ngày càng phẳng. Trẻ cần được trang bị kiến thức về các quy chuẩn xã hội, cách cư xử, dạy trẻ sự tôn trọng cũng như dạy về lòng tự trọng và cách xử lý mâu thuẫn.
Học để làm
Sau khi đã biết cách tự học, biết cách tự chăm sóc bản thân cũng như tương tác với người khác, thì trẻ học để làm. Để chuẩn bị cho công việc thì trẻ không chỉ cần học kiến thức chuyên ngành.
Một người muốn tiến xa trong sự nghiệp sẽ cần cả kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, sáng tạo, khả năng ra quyết định… Tất cả đều dự phần trong tương lai xán lạn mà cha mẹ nào cũng mong mỏi con cái đạt được.
Học để thay đổi bản thân và xã hội
Học là việc cả đời. Học tập trước hết là thay đổi cá nhân, mỗi người phải không ngừng học tập thì mới theo kịp sự phát triển của xã hội. Đâu chỉ con trẻ cần học tập. Cả người làm cha làm mẹ cũng đang học hỏi từng ngày để biết cách nuôi dạy con tốt nhất đấy thôi.
Mỗi cá nhân dẫu nhỏ bé nhưng vẫn có đóng góp nhất định trong xã hội. Những cá nhân tốt đẹp chắc chắn là nền tảng cần thiết cho một xã hội tốt đẹp.
Làm thế nào để trẻ tự học tốt?
Có thể thấy, vai trò của việc học dù ở cấp độ cá nhân hay xã hội đều rất quan trọng. Thế nhưng đối với trẻ con, thật khó để giải thích và mong con hiểu được tất cả những điều này. Để khuyến khích con học tập, đặc biệt là rèn khả năng “biết cách học” thì đây là những điều cha mẹ có thể làm:
Tham khảo: Các phương pháp học tập hiệu quả
Cho trẻ thấy lợi ích của việc học
Không phải những lợi ích viển vông như trở thành công dân tốt, thay đổi xã hội hay kiếm nhiều tiền hơn sẽ thúc đẩy con ham học. Việc học cần mang lại lợi ích thiết thực, một phần thưởng mà trẻ có thể nhận được ngay lập tức. Các phương pháp học qua chơi là ứng dụng tuyệt vời. Niềm vui từ phần thưởng trong game sẽ khuyến khích con tiếp tục tìm tòi, học hỏi nhiều hơn.
Rèn kỷ luật từ bé
Học thì phải có kỷ luật nhất định. Việc tự giác học là yếu tố cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ chứ không thể mong con tự động ngồi vào bàn học được. Gia đình nên có thời gian biểu cơ bản, giờ nào việc nấy một cách tương đối.
Đến giờ học thì con ngồi vào bàn, cha mẹ có thể ngồi làm việc, đọc sách ở gần bên. Lưu ý tuyệt đối không bật tivi, xem điện thoại lúc này. Bởi bạn bảo bé học mà bản thân cha mẹ lại ngồi chơi thì con sẽ ngay lập tức so bì. Trước hơn hết thì cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con đã.
Học theo nhóm
Một mẹo nhỏ để giúp trẻ ham học và hăng hái hơn đó là học theo nhóm. Cha mẹ lưu ý, học tập theo nhóm không phải là cạnh tranh, thi thố thành tích rồi so sánh với “con nhà người ta”. Bạn có thể tạo nhóm học tập cho trẻ để các bé cùng khám phá một chủ đề nào đó. Yêu cầu các bé đọc sách rồi cùng thuyết trình lại cho người lớn chẳng hạn.
Không la mắng, đe dọa
Điều tối kỵ trong việc giáo dục trẻ nhỏ là la mắng, đe nẹt và gây áp lực lên trẻ. “Không học cô đánh đòn”, “không học sau này bán vé số”, “không học thì bố mẹ không thương con”, “không cần làm gì có mỗi việc học cũng không xong”… đây hẳn những câu nói quen thuộc với nhiều người.
Xem thêm: Bí quyết giáo dục con ngay từ khi chào đời
Ngay khi cha mẹ mắng mỏ con thì trẻ đã mặc nhiên hình thành mối liên hệ giữa việc học và cảm xúc tiêu cực khi bị mắng. Việc học trở nên nặng nề, đáng sợ và trẻ chán học hoặc chỉ học đối phó.
Hiểu được vai trò của việc học là một chuyện, dạy sao cho con chịu học, vui học và có khả năng tự học lại chẳng dễ dàng. Những phương pháp trên đây chỉ là gợi ý, cha mẹ nên tham khảo và tìm cách điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện gia đình thì mới mang lại hiệu quả tốt nhất.