Tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè thường do đường hô hấp dưới bị tắc nghẽn. Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 2 tuổi thì phế quản còn nhỏ hẹp nên dễ bị co thắt, nguy cơ tiết dịch và tắc nghẽn cao. Điều này dẫn tới tình trạng bé thở khò khè.
Vậy cụ thể thì bé thở khò khè có bị bệnh gì không? Cách xử lý ra sao? Ba mẹ theo dõi bài viết sau để có thông tin chuẩn xác nhé.
Nhận biết tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè
Thở khò khè ở trẻ sơ sinh khá khó nhận biết. Nếu tình trạng thở khò khè nhẹ, ba mẹ cần áp tai gần miệng hoặc mũi bé mới nghe rõ được. Đặc biệt là khi trẻ ngủ thì tiếng thở sẽ lạ, có thể không đều và gần giống như ngáy nhẹ. Trong y học, tiếng thở khò khè của trẻ được gọi là tiếng ran ngáy.
Tiếng thở này thường có các âm sắc trầm. Khi nặng hơn thì bé sẽ có tình trạng thở ra kéo dài và gắng sức. Nếu không thể xác định chắc chắn thì ba mẹ nên đưa bé đi kiểm tra. Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để chẩn đoán tình trạng chính xác hơn.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh thở khò khè
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thở khò khè ở trẻ sơ sinh. Thông thường, nếu bị nhiễm khuẩn phế quản có thể bị sưng, phù nề hoặc co thắt. Một số bệnh còn gây tiết dịch ứ đọng, tắc nghẽn cuống phổi, phế quản làm trẻ khó thở. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh thở khò khè:
- Bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ thường thở khò khè lúc ngủ. Các cơn khò khè này sẽ nặng hơn nếu bé tiếp xúc với các tác nhân kích ứng hô hấp như bụi bặm, khói thuốc, phấn hoa… hoặc khi thời tiết thay đổi.
- Trẻ sơ sinh dễ bị viêm tiểu phế quản, dị ứng, trào ngược dạ dày. Khi bé bị trào ngược thì dịch dạ dày có thể chảy vào đường hô hấp, làm bé thở khó.
- Ở trẻ dưới một tuổi, nguyên nhân có thể do sụn thanh quản bị mềm hoặc vùng thanh quản bị mạch máu lớn chèn ép.
- Nếu trẻ sơ sinh đang sốt, ho thì bé cũng hay khó thở, phổi xuất hiện tiếng ro ro bất thường. Đây là dấu hiệu bệnh viêm phế quản, viêm phổi.
- Nếu trẻ bị viêm thanh phế quản cấp tính con sẽ bị khàn tiếng, ho nhiều, trẻ sơ sinh sổ mũi khó thở và trẻ sơ sinh thở khò khè nặng hơn vào ban đêm.
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cũng thường khó thở, thở khó khè sau sinh, bú kém, nhợt nhạt.
- Viêm amidan cấp tính cũng có thể khiến bé thở khò khè, có đờm.
- Nguyên nhân ít gặp hơn là u xơ sợi thần kinh, sọ hầu bất thường bẩm sinh, khối u ở phổi.
Trẻ bị khò khè có nguy hiểm không?
Tùy vào mỗi trường hợp, mức độ của bệnh sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
Thở khò khè kèm âm thanh như tiếng huýt sáo
Nếu mũi bị tắc nghẽn thì tiếng thở của bé sẽ bị khó thở với tiếng thở giống như huýt sáo. Mũi trẻ sơ sinh hẹp nên chỉ cần có dịch nhầy hoặc sữa bị tràn vào là lỗ thông khí bị thu hẹp ngay. Không khí lọt qua các khe hẹp sẽ tạo ra âm thanh giống như tiếng huýt sáo. Tình trạng này không nghiêm trọng, ba mẹ chỉ cần vệ sinh sạch sẽ mũi của bé là được.
Trẻ bị khò khè có tiếng khàn khàn
Khi thanh quản bị tắc nghẽn do dịch nhầy thì trẻ sẽ thường thở khò khè với âm thanh phát ra hơi khàn khàn. Đây thường là dấu hiệu nhận biết bệnh viêm thanh khí phế quản. Lúc này thanh quản và khí quản bị sưng, phù nề làm đường dẫn khí ở thanh quản hẹp lại, hơi thở trầm nặng nề và hơi khàn.
Trẻ thở khò khè dai dẳng
Trẻ sơ sinh thở khò khè có thể là dấu hiệu tắc đường hô hấp dưới hay hen suyễn, viêm phổi ở trẻ em… Nếu trẻ thở khò khè dai dẳng có thể do dị vật kẹt trong đường thở hoặc dị tật bẩm sinh.
Trẻ sơ sinh thở dốc
Khi bị viêm phổi, bé thường thở nhanh, thở dốc bất thường. Bệnh do vi khuẩn hoặc virus làm viêm và tích tụ chất dịch bên trong phế nang. Đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng xanh tím vì thiếu oxy hoặc ho dai dẳng.
Cần làm gì khi trẻ sơ sinh thở khò khè?
Nếu thấy con có dấu hiệu thở bất thường, trước hết ba mẹ hãy quan sát kỹ, áp tai vào miệng mũi bé để kiểm tra tình hình. Bên cạnh đó, cần kiểm tra nhịp thở, tình trạng da, xem xét liệu bé bú có bình thường không, có ho sốt không. Trước tiên, ba mẹ có thể vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý rồi hút sạch. Nếu bé chỉ nghẹt mũi thì vệ sinh làm sạch sẽ giúp bé thở lại bình thường, con vẫn vui vẻ, bú ổn.
Trường hợp trẻ thở khò khè kèm triệu chứng thở dốc, rút lõm ngực, bỏ bú thì hãy đưa bé đi khám, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, khi trẻ thở khò khè dai dẳng trên 4 tuần, thì ba mẹ đừng chần chừ, hãy đưa trẻ đến khám tại bệnh viện chuyên khoa ngay.
Đối với trẻ sơ sinh thì đây là tình trạng bệnh nặng cần được chẩn đoán, đưa phác đồ điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Dù bé bệnh nặng hay nhẹ, ba mẹ tuyệt không được tự ý dùng thuốc kháng sinh, long đờm…
Xem thêm: Hướng dẫn dùng thuốc kháng sinh đúng cách cho trẻ nhỏ
Tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè nhìn chung là dấu hiệu bệnh lý cần được kiểm tra, theo dõi kỹ càng. Ba mẹ nếu không chắc chắn thì nên đưa bé đi khám để có chẩn đoán chính xác, đảm bảo sức khỏe cho con nhé.