Mẹ và Con - Dựa theo màu sắc nước tiểu, chúng ta có thể biết được sơ bộ về tình trạng sức khỏe của mình. Từ sự thay đổi về màu sắc của nước tiểu kết hợp với các dấu hiệu sức khỏe khác, bạn có thể biết được khi nào cần phải đến bệnh viện...

Nhìn chung, màu nước tiểu có thể “tiết lộ” với bạn về tình trạng sức khỏe mà bạn đang gặp phải.  Khi cơ thể khỏe mạnh, nước tiểu sẽ có màu vàng tự nhiên, được gọi là “urochrome”. Khi cơ thể hấp thụ nhiều nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt, gần như trong suốt. Nếu cơ thể đang mất nước, nước tiểu sẽ có màu hổ phách đậm hoặc màu nâu nhạt. Các sắc tố khác nhau trong thực phẩm bạn ăn hoặc thuốc bạn uống có thể đi qua đường tiêu hóa và làm thay đổi màu sắc của nước tiểu. 

Màu nước tiểu có ý nghĩa như thế nào?

Màu nước tiểu có thể khác nhau tùy thuộc vào những gì bạn ăn, các loại thuốc bạn đang dùng và lượng nước bạn uống cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Vì thế, bạn có thể căn cứ vào màu nước tiểu để biết sức khỏe của mình có đang tốt hay không.

Nước tiểu trong

Nước tiểu trong cho thấy bạn đang uống nhiều hơn lượng nước được khuyến nghị hàng ngày. Mặc dù chúng ta nên uống nhiều nước nhưng việc uống quá nhiều có thể khiến cơ thể mất đi chất điện giải cần thiết.

Nếu nước tiểu chỉ thỉnh thoảng trong hơn, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu màu nước tiểu luôn trong suốt, điều này có thể cho thấy bạn cần cắt giảm lượng nước đang uống.

Ngoài ra, nước tiểu trong cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề về gan như xơ gan và viêm gan siêu vi. Do đó, nếu bạn không thường xuyên uống nhiều nước nhưng vẫn có nước tiểu trong, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe.

Nước tiểu hơi vàng đến có màu hổ phách

Màu nước tiểu “điển hình” thường là màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm và được gọi là màu urochrome. Sắc tố urochrome tự nhiên trong nước tiểu của bạn trở nên loãng hơn khi bạn uống nước. Thông thường,màu sắc của nước tiểu sẽ phụ thuộc vào độ loãng của sắc tố urochrome này.

Ngoài ra, nếu hàm lượng vitamin B trong máu cao, màu nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu vàng neon.

màu nước tiểu

Màu nước tiểu đỏ hoặc hồng

Nước tiểu có thể chuyển sang màu đỏ hoặc hồng nếu bạn ăn trái cây có sắc tố hồng đậm hoặc đỏ tươi tự nhiên, chẳng hạn như quả việt quất, củ cải đỏ, thanh long đỏ, cây đại hoàng,… Tình trạng màu nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc hồng sẽ kết thúc sau khi bạn dừng sử dụng các loại thực phẩm này.

Ngoài ra, nước tiểu chuyển sang màu đỏ hoặc màu hồng có thể do máu lẫn trong nước tiểu, Đây là biểu hiện của những vấn đề về sức khỏe như:

  • Sỏi thận
  • Bàng quang và thận có khối u
  • Viêm tiền liệt tuyến

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc đổi màu nước tiểu sang sắc đỏ hoặc hồng có thể là do các loại thuốc bạn đang sử dụng, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng có chứa senna, phenazopyridine (Pyridium) và kháng sinh rifamycin.

Nếu bạn không ăn những món ăn có màu đỏ hồng hoặc không sử dụng thuốc nhưng màu nước tiểu vẫn có sắc đỏ, hồng, hãy trao đổi với bác sĩ vì đây có thể là vấn đề về máu lẫn trong nước tiểu.

Nước tiểu màu cam

Nếu nước tiểu của bạn có màu cam, đó có thể là một triệu chứng của tình trạng mất nước.

Ngoài ra, màu nước tiểu cam cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề liên quan đến gan, đường mật. Một vấn đề nữa liên quan đến bệnh lý khiến nước tiểu chuyển sang cam chính là do bệnh vàng da.

Cũng như khi màu nước tiểu chuyển sang đỏ hoặc hồng, nước tiểu màu cam có thể là do bạn đang sử dụng các loại thuốc, điển hình là phenazopyridine (Pyridium), thuốc chống viêm sulfasalazine (Azulfidine) và thuốc hóa trị.

Nước tiểu xanh lam hoặc xanh lục

Nhìn chung, so với các màu nước tiểu khác thì nước tiểu màu xanh lam hoặc xanh lục rất hiếm và rất có thể liên quan đến một thứ gì đó trong chế độ ăn uống của bạn.

Thông thường, màu nước tiểu chuyển xanh do màu thực phẩm có trong thức ăn, đặc biệt là khi món ăn của bạn có chứa một loại thuốc nhuộm gọi là xanh methylen (methylthioninium chloride). Thuốc nhuộm này có trong nhiều loại kẹo và một số loại thuốc khác nhau.

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị bệnh lý cũng có thể gây ra tình trạng nước tiểu xanh lam hoặc xanh lá cây, chẳng hạn như cimetidine (Tagamet), amitriptyline, indomethacin (Indocin), promethazine (Phenergan) và các chất bổ sung vitamin B.

Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn pseudomonas aeruginosa, màu nước tiểu của bạn cũng có thể chuyển sang màu xanh lam, xanh lục hoặc thậm chí là màu tím chàm. Ngoài ra, thay đổi canxi máu cũng có thể dẫn đến tình trạng nước tiểu màu xanh lam hoặc xanh lục. 

sự thay đổi màu nước tiểu

Nước tiểu màu nâu sẫm

Trong hầu hết các trường hợp, nước tiểu có màu nâu sẫm cho thấy cơ thể bị mất nước. Và nếu bạn ăn quá nhiều đại hoàng, lô hội hoặc đậu fava (hay còn gọi là đậu tằm, đậu răng ngựa), màu nước tiểu của bạn cũng có thể chuyển sang màu nâu. 

Song song đó, tác dụng phụ của một số loại thuốc như metronidazole (Flagyl) và nitrofurantoin (Furadantin), chloroquine (Aralen), thuốc nhuận tràng cascara hoặc senna và methocarbamol cũng là nguyên nhân làm thay đổi màu nước tiểu của bạn. 

Trong một số trường hợp, người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin và người gặp các vấn đề về gan cũng có thể bị thay đổi màu sắc nước tiểu, khiến màu nước tiểu chuyển sang nâu hoặc nhìn có vẻ như lẫn gỉ sét.

Một nguyên nhân khác sẽ khiến màu nước tiểu chuyển sang nâu sẫm chính là hoạt động thể chất ở cường độ cao, đặc biệt là khi bạn chạy bộ. Tình trạng này được gọi là tiểu máu khi gắng sức.

Thông thường, màu nước tiểu sẽ trở lại bình thường nếu bạn nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, nếu hơn 48 giờ nhưng màu nước tiểu vẫn không được cải thiện, nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra tình hình sức khỏe.

Nước tiểu đục

Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc là triệu chứng của một số bệnh mãn tính và tình trạng thận yếu. Trong một số trường hợp, nước tiểu đục cũng là một dấu hiệu khác của việc cơ thể bị mất nước, cần uống nhiều nước hơn.

Phụ nữ mang thai nếu thấy nước tiểu đục, sủi bọt thì nên ngay lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra bởi đây là một dấu hiệu của tình trạng tiền sản giật nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé.

Nếu bạn có nước tiểu đục và bạn đang mang thai , đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm được gọi là tiền sản giật . Bạn nên liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của mình ngay lập tức và cho họ biết nếu bạn xuất hiện nước tiểu đục hoặc sủi bọt khi mang thai.

Ngoài ra, màu nước tiểu đục, có bọt hoặc bong bóng còn là do tiểu ra máu, một dấu hiệu của những biến chứng sức khỏe nguy hiểm như bệnh Crohn hoặc viêm túi thừa.

Có một số trường hợp nước tiểu có bọt và các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân. 

Cần làm gì khi màu nước tiểu thay đổi?

Nếu quan sát thấy màu nước tiểu thay đổi, bạn cần:

  • Kiểm tra chế độ ăn uống: Như Mẹ và Con đã chia sẻ cùng bạn, chế độ ăn của chúng ta có ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu. Đôi khi, màu nước tiểu chính là màu thực phẩm mà bạn đang ăn. Do đó, nên xem lại thực đơn ăn của mình trong những ngày gần đây để chắc chắn mình có ăn thực phẩm có sắc tố đậm hay không. Ngoài ra, nên xem bạn có đang uống quá nhiều nước hoặc quá ít nước hay không để có thể thay đổi lượng nước uống sao cho phù hợp nhất.
  • Kiểm tra cường độ vận động: Nếu nước tiểu màu nâu sẫm, bạn cần xem xét đến cường độ vận động, tập thể dục của mình trong những ngày gần đây. Liệu bạn có đang tập luyện quá mức hay không? Nhiều người vì muốn giảm cân nhanh, giảm cân cấp tốc đã ép mình vào một chế độ luyện tập quá mức dẫn đến kiệt sức và khiến màu nước tiểu thay đổi. Lúc này, hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn để màu nước tiểu được bình thường trở lại.
  • Kiểm tra các loại thuốc mà bạn đang sử dụng: Với người bệnh đang dùng thuốc điều trị bệnh lý, màu sắc của nước tiểu có thể thay đổi phụ thuộc vào thành phần thuốc. Do đó, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ kê đơn để biết thêm chi tiết về thành phần thuốc và xem có cần làm gì để cải thiện hay không.
  • Đến bệnh viện kiểm tra: Nếu loại trừ các nguyên nhân do ăn uống, vận động, thuốc men, màu nước tiểu thay đổi và kéo dài nhiều ngày thường xuất phát từ yếu tố bệnh lý, cần đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân chính xác.

Nhìn chung, việc màu nước tiểu thay đổi không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng mà chúng ta cần lo lắng. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan mà cần ghi lại chính xác sự thay đổi về màu sắc nước tiểu (diễn ra trong bao lâu, bạn có những thay đổi gì về chế độ ăn uống hoặc tập luyện trong thời gian này hay không, bạn có các triệu chứng khác như tiểu buốt, tiểu rát, són tiểu hay không,…) để có thể dễ dàng trao đổi thêm với bác sĩ nếu cần thiết.

màu nước tiểu thay đổi phải làm gì

Màu phân có thể giúp đoán bệnh

Bên cạnh màu nước tiểu thì chúng ta cũng có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe thông qua màu phân và tính chất của phân. Thông thường, phân của một người khỏe mạnh sẽ có màu nâu do bilirubin – một hợp chất sắc tố được hình thành từ sự phân hủy các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Ngoài ra, phân còn có thể có các màu khác như:

  • Đen: Người uống viên bổ sung sắt, cam thảo, thuốc bismuth có thể đi ngoài phân đen. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu xuất huyết ở đường tiêu hóa trên.
  • Màu xanh lá: Phân màu xanh lá không phải là một tình trạng quá bất thường về sức khỏe. Điều này thường do bạn đã ăn quá nhiều rau xanh hoặc phân đi qua quá nhanh, không hấp thụ bilirubin.
  • Có màu nhạt, trắng hoặc màu đất sét: Khi phân có màu nhạt như màu phấn thì đây là dấu hiệu bạn đang thiếu mật – một chất lỏng tiêu hóa đến từ gan và túi mật. Nguyên nhân sâu xa là do bạn bị sỏi mật, sỏi đoạn cuối ống mật chủ, ung thư đường mật, u tuỵ… Ngoài ra, màu phân này cũng là do một số loại thuốc bạn đang dùng, chẳng hạn như thuốc chống tiêu chảy.
  • Đỏ: Cũng như khi màu nước tiểu chuyển đỏ, phân đỏ có thể là do các loại thực phẩm như củ cải đường, nước ép cà chua, nam việt quất,… hoặc phân có lẫn máu do bệnh trĩ, chảy máu đường ruột dưới.
  • Vàng: Phân vàng và có mùi hôi xuất phát từ nguyên nhân cơ thể hấp thụ quá nhiều chất béo, bị rối loạn hấp thu.

Trên đây là sự thay đổi màu nước tiểu và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hãy theo dõi mọi sự thay đổi trên cơ thể để kịp thời đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị bạn nhé.

Bài viết liên quan