Hành vi bạo hành cảm xúc hiện diện trong cuộc sống nhiều hơn chúng ta vẫn nghĩ. Đôi khi, bạn bỏ qua và không nghĩ đó là một hành vi bạo hành tâm lý nhưng lâu dần, nó lại trở thành ngọn lửa làm bùng lên mọi mâu thuẫn. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu rõ về tình huống này cũng như cách xử lý nếu bạn vô tình gặp phải.
Bạo hành cảm xúc là gì?
Bạo hành cảm xúc là hành vi đối phương kiểm soát bạn quá mức, khiến bạn có cảm giác sợ hãi và bị cô lập với thế giới xung quanh hoặc cô đơn trong chính suy nghĩ của mình. Chỉ bằng những lời nói, đối phương cũng có thể khiến bạn căng thẳng và lúng túng, bối rối trước thái độ của họ.
Cách nhận biết bạo hành cảm xúc
Biểu hiện của bạo hành cảm xúc khá đa dạng nhưng điểm chung là đều khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý, khó thoát ra khỏi tình huống để có suy nghĩ thấu đáo. Một số dấu hiệu thường gặp nhất là:
Đối phương chỉ trích, hạ thấp giá trị của bạn
Những hành vi độc hại này có thể khiến bạn nhanh chóng cảm thấy bị xúc phạm, hoài nghi về bản thân và dần mất đi tự tin, bị tiêu cực và bi quan về mọi thứ xung quanh:
- Gọi bằng những biệt hiệu có tính xúc phạm.
- Khiến bạn cảm thấy mình luôn là người có lỗi trong mọi chuyện.
- La hét, quát mắng, có hành động hung hăng khi xảy ra mâu thuẫn.
- Không lắng nghe, coi thường ý kiến của bạn.
- Chia sẻ những bí mật hoặc điểm yếu của bạn với nhiều người khác.
- Không quan tâm đến cảm xúc của bạn.
- Xúc phạm ngoại hình, châm biếm những điểm yếu trên cơ thể bạn.
- Không công nhận thành tựu bạn đạt được.
Kiểm soát quá mức
Hành vi này thể hiện đối phương luôn muốn dùng quyền lực để chi phối bạn, ép bạn phải “phục tùng” theo ý họ. Những hành vi của họ sẽ khiến bạn có suy nghĩ bản thân kém cỏi, không đủ giỏi.
- Yêu cầu bạn phản hồi mọi cuộc gọi, tin nhắn ngay lập tức.
- Có hành vi theo dõi mọi hoạt động của bạn.
- Kiểm soát tài chính cá nhân và mọi hoạt động chi tiêu của bạn.
- Tự ý đưa ra những quyết định liên quan đến cuộc sống của bạn.
- Giáo huấn, liên tục chỉ trích khi bạn mắc lỗi.
- Đối phương không kiểm soát được cảm xúc, thường xuyên trút giận và đổ lỗi cho bạn.
- Phớt lờ khi bạn nỗ lực giảng hòa lúc cả hai cãi nhau.
Buộc tội, đổ lỗi
Những người có hành vi bạo hành cảm xúc thường không chấp nhận cái sai của bản thân và có xu hướng đổi lỗi cho người khác.
- Khiến bạn cảm thấy mình là người có lỗi, tạo cho bạn cảm giác bạn đang nợ họ.
- Yêu cầu bạn đáp ứng những kỳ vọng vô lý, không thực tế.
- Không coi trọng cảm xúc và nỗ lực của bạn trong mối quan hệ này.
- Không chấp nhận những vấn đề của bản thân và đẩy mọi lỗi lầm về phía bạn.
- Không có thái độ hợp tác khi bạn muốn nói chuyện để hiểu nhau hơn.
Phớt lờ cảm xúc, cô lập bạn
Những hành vi này thường xuất hiện trong những mối quan hệ tình cảm sắp rạn nứt hoặc dễ thấy ở những đôi vợ chồng đang ở bờ vực tan vỡ.
- Đối phương không quan tâm đến sự hiện diện của bạn. Họ có thể hạn chế tiếp xúc thân mật dù cả hai sống chung.
- Đối phương không phản hồi những cuộc gọi của bạn.
- Họ không quan tâm đến những khó khăn và mong muốn được hỗ trợ về tinh thần, thể chất mà bạn đang gặp phải.
Cách để đối phó với hành vi bạo hành cảm xúc
Nếu bạn cảm nhận mình đang bị người khác bạo hành cảm xúc, hãy tin vào trực giác đó và bắt đầu lên kế hoạch đối phó cụ thể như sau:
- Đừng cố gắng thay đổi đối phương: Bạn có thể muốn góp ý để đối phương thay đổi, tuy nhiên thực tế những người này không tiếp nhận ý kiến đóng giúp từ người khác. Họ sẽ khó thay đổi hành vi nếu không gặp gỡ chuyên gia tâm lý.
- Không tự trách bản thân: Không ai muốn bị bạo hành cảm xúc nên bạn tuyệt đối không được đổ lỗi cho bản thân. Hãy quên đi những chuyện đã qua và tỉnh táo tìm cách đối phó.
- Ưu tiên bản thân hơn đối phương: Khi bạn quan tâm hơn tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân, bạn sẽ dần tìm ra những giới hạn mà bản thân thấy thoải mái. Từ đó, hãy tìm cách thông báo cho đối phương về những giới hạn đó.
- Tạm thời hạn chế liên lạc với đối phương: Bạn nên phớt lờ những tin nhắn, cuộc gọi từ họ để bản thân duy trì được sự chủ động trong suy nghĩ. Nếu không thể cắt đứt liên lạc, bạn nên nhờ người khác ở bên cạnh khi tương tác với đối phương.
- Đặt ra các giới hạn buộc đối phương phải tôn trọng: Điều này tưởng chừng như hơi khó với nạn nhân bị thao túng nhưng nếu đủ quyết tâm, bạn có thể sẽ chấm dứt được mối quan hệ độc hại này. Bạn nên học cách từ chối và kiên quyết không thỏa hiệp với những yêu cầu vô lý mà đối phương đưa ra.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác: Bạn nên tìm một người thân hoặc bạn bè để mở lòng, chia sẻ về những khó khăn bản thân đang gặp phải. Bạn cũng có thể tham khảo sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý – họ là những người có đủ trình độ chuyên môn để giúp bạn tháo gỡ khúc mắc này.
- Chấm dứt mối quan hệ: Bạn nên cắt đứt mọi phương thức liên lạc để đối phương – người có hành vi bạo hành cảm xúc không thể tiếp cận được nữa. Đây cũng là động thái thể hiện sự quyết tâm muốn thay đổi của bạn.
- “Chữa lành” cảm xúc của bản thân: Bạn nên dành nhiều thời gian hơn để tìm liệu pháp tâm lý hiểu bản thân, tìm ra những điều khiến mình hạnh phúc và muốn hy vọng hơn. Bạn có thể thư giãn tại nhà hoặc trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để cảm xúc được thả lỏng hơn.
Hành vi bạo hành cảm xúc ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống và trở nên phức tạp hơn, nhất là ở những đôi vợ chồng có sự ràng buộc nhất định. Tuy vậy, hành vi này thường xuyên xuất hiện không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ mức độ ảnh hưởng. Bạo hành cảm xúc có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý của bạn nên hãy nhanh chóng tìm cách giải quyết qua những gợi ý trên đây.