Mẹ và Con - Làm mẹ đã khó, làm mẹ trong xã hội hiện đại càng khó hơn. Giữa muôn vàn áp lực của công việc, gia đình, cuộc sống, làm thế nào chị em phụ nữ có thể tìm thấy liệu pháp tâm lý chữa lành những tổn thương cho chính mình? Bí quyết từ Mẹ và Con dành cho bạn đây!

Làm mẹ đã khó, nhưng làm mẹ trong xã hội hiện đại càng khó hơn. Phải chăm con như thế nào để con luôn khỏe mạnh? Phải chỉ dẫn con như thế nào để con phát triển đúng hướng trong thời đại có vô vàn lựa chọn này? Và dần dần, những mối bận tâm như vậy sẽ trở thành những áp lực cho đa số những người làm mẹ hiện nay. Họ buộc phải tập trung vào con cái nhiều hơn với hi vọng giải tỏa bớt những áp lực này. Nhưng hệ lụy là họ không còn thời gian cho chính mình, còn việc trò chuyện và lắng nghe lòng mình thì càng là chuyện xa xỉ.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, việc trò chuyện tích cực với bản thân chính là một liệu pháp tâm lý giúp xoa dịu tinh thần, chữa lành thương tổn từ sâu trong nội tâm mà mọi người nên áp dụng. Và tất nhiên, phụ nữ nói chung và những người làm mẹ nói riêng ngày nay càng không phải là ngoại lệ. Cùng Tạp chí Mẹ Và Con tìm hiểu thêm về chủ đề này nhé!

Khái quát về liệu pháp tâm lý “trò chuyện với bản thân”

Trò chuyện với bản thân là cách để bạn lắng nghe và thấu cảm nội tâm chính mình, từ đây, bạn sẽ có đủ bình tĩnh để kiềm chế những cảm xúc tiêu cực đang chờ được bột phát với ai đó.

Theo các nhà tâm lý học, việc áp dụng liệu pháp này sẽ không chỉ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn hằng ngày mà còn khiến cho tâm trí chúng ta sáng suốt, nhạy bén hơn khi nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống.

liệu pháp tâm lý

Việc lắng nghe những câu trả lời rõ ràng từ bên trong chính mình sẽ giúp bạn tự tin hơn khi xử lý các vấn đề bên ngoài. Và không ai khác, chính những người mẹ bận rộn của thời đại hôm nay là một trong những đối tượng cần áp dụng liệu pháp này một cách cấp thiết nhất.

Vì sao người mẹ hiện đại nên áp dụng liệu pháp này? 

Có thể nói, bên cạnh những áp lực chung mà mọi người mẹ đều phải gánh chịu, thì mỗi người mẹ trong thời đại ngày nay đều phải tự xử lý những áp lực của riêng mình. Việc có ai đó đủ tin cậy ở bên để họ giải bày hay chia sẻ nỗi lòng thì quá lý tưởng. Nhưng không có thì sao? Họ làm gì để đối diện với những vấn đề mà ngay cả chính họ cũng không thể nhận ra chúng là “vấn đề” và phải được giải quyết?

Các bí quyết, phương pháp giải tỏa áp lực dành cho những người làm mẹ từ những cuốn sách, các bài báo cũng chỉ giúp họ xử lý những vấn đề chung chung, còn những vấn đề cụ thể, những tâm tư nỗi niềm chỉ có mỗi mình họ biết thì sao? Đây luôn là câu hỏi khó mang đến câu trả lời thỏa đáng.

Vì vậy, trò chuyện với chính mình được coi là liệu pháp dễ áp dụng cho bất cứ ai. Và nó cũng rất phù hợp với những người mẹ bận rộn ngày nay bởi đa số họ đều phải đảm nhận quá nhiều vai trò cùng lúc, từ gia đình cho đến xã hội. Cho nên, những áp lực họ đang chịu đựng là vô cùng lớn.

Cách áp dụng liệu pháp trò chuyện với bản thân  

Bắt đầu bằng việc dành ra ít phút trong ngày để suy nghĩ về những vấn đề mà một người làm mẹ như bạn phải đối mặt thường xuyên: “Đó có phải là vấn đề tiêu cực mà mình phải xử lý? Mình hành động như vậy thì có khiến mình thấy vui vẻ hơn hay chỉ làm mình mệt mỏi thêm? Mình có thể làm khác đi như thế nào? Nó ảnh hưởng đến gia đình mình ra sao?”

Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý này sẽ trở nên phản tác dụng nếu mọi người chỉ tự nói với bản thân những lời tiêu cực. Theo nhiều nghiên cứu, việc trò chuyện tích cực với chính mình được coi là bản năng với một số người nhưng với một số người khác, họ cần phải luyện tập để xóa bỏ những lời tiêu cực trong đầu mình. Từ đó sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho những lời nói tích cực được phát huy tác dụng, góp phần làm giảm nhanh sự căng thẳng đang hành hạ chúng ta.

liệu pháp tâm lý

Theo Tiến sĩ Paloma Mari-Beffa của Đại học Bangor, việc trò chuyện với chính mình (bao gồm cả việc tự lẩm bẩm thành tiếng một mình và nói thầm trong đầu) là điều cần thiết để giúp bạn kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình. Còn Tiến sĩ thần kinh và tâm lý học Ethan Kross thì gợi ý trong cuốn sách của mình rằng nếu bạn phải sống trong môi trường bê tông hóa thì hãy treo những bức tranh hay vẽ lên tường những hình ảnh mà khi nhìn vào, chúng có thể mang lại cho bạn sự tĩnh tâm và thư thái.

Những người mẹ bận rộn hiện nay cũng có thể áp dụng những cách đơn giản này để tự cứu chính mình trước khi tìm đến các phương pháp trị liệu khác. Nghĩa là, họ không chỉ trích ra thời gian cho chính mình mà còn phải cố gắng tạo thêm không gian thích hợp để thực hành việc trò chuyện tích cực với bản thân.

Liệu pháp tâm lý chữa lành những tổn thương 

Việc làm mẹ thường mang đến cho nhiều phụ nữ những nỗi lo, bên cạnh đó, họ còn phải âm thầm chịu đựng những thương tổn mà không phải ai cũng có thể hiểu để san sẻ, ngay cả với những người thân sống bên cạnh mình.

Một em bé ra đời trước hết sẽ tạo ra những áp lực tài chính cho người làm mẹ, họ phải liên tục tự hỏi bản thân rằng làm sao để con mình đủ đầy như con người ta? Rồi khi quay cuồng với hàng loạt công việc nhà, việc cơ quan, các mối quan hệ xã hội,… thì thời gian trong ngày của một người mẹ còn lại là bao nhiêu? Rồi trong quá trình lớn lên, mỗi đứa trẻ lại có đặc điểm tính cách riêng, vậy làm sao để những người mẹ có thể theo kịp bước trưởng thành của con để mà uốn nén, chỉ dạy? Một số người mẹ có thể san sẻ những mối bận tâm tương tự với chồng hay người thân trong gia đình, nhưng một số khác thì phải một mình gánh lấy trách nhiệm này.

Thực ra, không ai tránh được việc mắc sai lầm, người làm mẹ cũng không là ngoại lệ. Nhưng nếu con cái họ là nạn nhân của những sai lầm đó, thì các bậc làm cha làm mẹ có phải là những đối tượng đầu tiên bị họ hàng hay xã hội quở trách? Trách nhiệm là một phần, nhưng thương tổn về tinh thần là không thể tránh khỏi. Cái vòng luẩn quẩn này lâu dần sẽ trở thành những gánh nặng đè lên đôi vai của những người mẹ ấy. Họ phải làm gì để giải tỏa những áp lực, những phiền muộn này?

liệu pháp tâm lý

Stress, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và vô số các bệnh tâm lý thời hiện đại khác đang không ngừng đe dọa cuộc sống của những phụ nữ nói chung và những người làm mẹ nói riêng. Vì vậy, việc những người mẹ thường xuyên trò chuyện tích cực với chính mình được xem là cách hữu hiệu giúp họ nhanh tìm thấy sự cân bằng cho bản thân nhất.

Lời kết

Cuộc sống là vô thường, sẽ không có gì đúng hoàn toàn hay sai hoàn toàn. Nếu bạn phạm sai lầm, đừng vội đổ lỗi hay oán trách bản thân bằng những lời lẽ tiêu cực. Những người mẹ thời nay cũng vậy, hãy hiểu là không ai có thể sửa chữa lại những gì đã xảy ra ở quá khứ, cũng không ai kiểm soát được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vậy nên, hãy học cách trò chuyện tích cực với bản thân ở hiện tại.

Và, hãy nhớ là khi có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái thì bạn mới có thể hoàn thành tốt công việc cơ quan hay chăm sóc gia đình. Dù bận rộn đến đâu thì cũng cần thương lấy bản thân mình, hãy cho bản thân những khoảng lặng để nghỉ ngơi và bộc lộ những nỗi niềm với chính mình theo cách tích cực nhất. Liệu pháp tâm lý này sẽ chữa lành những tổn thương trong lòng bạn, nó cũng sẽ mang đến cho bạn nguồn năng lượng quý giá trong những khía cạnh khác của cuộc sống.

Bài viết liên quan