Có một sự thật về cuộc sinh đó là dù là bạn sinh tự nhiên qua ngã âm đạo hay sinh bằng phương pháp mổ lấy thai thì bạn đều sẽ có hiện tượng ra sản dịch sau sinh. Dẫu biết rằng đây là một hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng nếu không chăm sóc tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng bế sản dịch, cùng một số biến chứng nguy hiểm khác.
Với bài viết này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ mách cho bạn một vài mẹo để làm giảm tình trạng bế sản dịch sau khi sinh.
Thế nào gọi là bế sản dịch?
Theo lẽ thường tình, khi cơ thể của bạn đưa em bé ra ngoài, những gì còn sót lại của con sẽ là những thành phần không còn mục đích sử dụng nữa. Chúng sẽ được dần dần bị “loại bỏ” bằng cách đưa ra ngoài bằng đường âm đạo – được gọi là tống xuất sản dịch.
Thế nhưng nếu lượng dịch này không đi ra thì thế nào? Đó là khi các bác sĩ và ông bà ta thường gọi với cụm từ “bế sản dịch”.
Bế sản dịch sau sinh có nguy hiểm không?
Các chuyên gia sản phụ khoa cho hay, nếu tình trạng sản dịch bị ứ trệ hay tống xuất hoài không hết sẽ dễ dẫn đến tình trạng:
- Chảy máu khó cầm
- Rối loạn đông máu
- Nhiễm khuẩn huyết
Trong một số trường hợp chảy máu nặng khó cầm, điều cần thiết phải làm để bảo vệ bầu là phải cắt tử cung để cầm máu. Chính vì vậy mà việc theo dõi sản dịch sau sinh và điều cần thiết mà mọi mẹ bầu đều cần phải biết.
Điều gì khiến bạn dễ bị bế sản dịch sau sinh?
Có một vài nguyên nhân sau đây dễ khiến bạn “tắc” sản dịch sau cuộc sinh:
Mất máu nhiều khi chuyển dạ
Trong khi sinh, mất máu là chuyện thường tình. Nhưng nếu lượng máu mất lúc sinh quá nhiều, có nguy cơ khiến các lớp cơ của dạ con trở nên “kém linh hoạt”. Việc các lớp cơ trở nên “đờ” ra như vậy sẽ làm giảm sự hồi phục sau khi sinh. Đồng thời làm cho bạn dễ bị ứ trệ sản dịch cũng như tình trạng nguy hiểm hơn là băng huyết sau sinh.
Sinh bằng phương pháp phẫu thuật
Khi bạn gọt rau củ và vô tình cắt phạm vào da, bạn sẽ để lại một vết sẹo, tất nhiên vết sẹo sẽ không thể giống như da bình thường được. Cũng gần giống vậy khi bác sĩ tạo một đường mổ nho nhỏ trên dạ con, để tiến hành “đỡ sanh” cho bé ra ngoài. Việc có một vết “sẹo” nhỏ trên tử cung cũng góp phần làm cho cơ tử cung tại vết mổ co không tốt. Dẫn đến ứ đọng một chút sản dịch trong dạ con của bạn.
Cuộc sinh khó gây biến chứng cho mẹ
Đối với các mẹ bầu, cuộc vượt cạn chưa bao giờ là dễ dàng. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi cuộc sinh trở nên dài hơn bình thường sẽ để lại nhiều biến chứng cho mẹ nhiều hơn. Một số trường hợp sẽ làm tăng nguy cơ bế sản dịch sau sinh mà bạn cần biết khi mang thai bao gồm:
Mẹ có khung chậu hẹp khi thăm khám
Trong lúc gần chuyển dạ, các bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá khung chậu của bạn trước khi đưa ra quyết định sẽ tư vấn bạn sinh ngã âm đạo hay không. Bởi vì một khung chậu không “thuận lợi” sẽ rất ảnh hưởng đến con khi con bắt đầu ra ngoài.
Những trường hợp khung chậu hẹp quá rõ ràng, bạn sẽ không được sinh tự nhiên. Nhưng nếu bạn được bác sĩ chẩn đoán là khung chậu hẹp nhưng vẫn duy trì được cuộc sinh tự nhiên, thì sẽ có nguy cơ bị bế sản dịch sau sinh.
Con nặng cân có thể làm cuộc sinh khó khăn
Có lẽ từ trước đến nay, có một điều luôn là sự “nở mày nở mặt” của các mẹ bầu là sinh con bụ bẫm. Thế nhưng có ít người biết rằng để có một bé yêu bụ bẫm như thế, mẹ bầu cũng mang nhiều yếu tố nguy cơ sau sinh. Một trong số đó là tình trạng bế sản dịch sau sinh.
Con nặng cân là khi con được ước tính cân nặng từ 3.500g trở lên. Nếu như cân nặng của con từ 4kg trở lên thì mẹ sẽ phải sinh bằng phẫu thuật.
Tuy nhiên bạn không phải quá lo lắng đâu vì những biểu hiện bế sản dịch sau sinh vẫn có thể chăm sóc và quản lý. Hãy tự tin chăm sóc và thăm khám đều đặn dù con nặng cân bạn nhé!
Thai kỳ mẹ song thai hay đa thai
Song thai hay đa thai luôn là một câu chuyện thú vị cũng như là một thách thức cho ngành sản phụ khoa. Có thể ví von, nếu ăn một cục kẹo khiến bạn sâu răng thêm một chút thì ăn nhiều kẹo hơn sẽ nguy cơ sâu răng của bạn tăng nhiều hơn. Tương tự, khi mang 2 bé thì bạn sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với 1 bé. Bao gồm luôn cả các nguy cơ ứ trệ sản dịch sau sinh nữa.
Do đó, bạn cần phải thăm khám trong thai kỳ đầy đủ cũng như theo dõi thật sát những thay đổi của cơ thể sau sinh.
Tình trạng chuyển dạ kéo dài
Với một số mẹ bầu, phải mất một khoảng thời gian rất lâu từ khi bắt đầu có dấu sinh đến khi con ra ngoài. Thuật ngữ này các bác sĩ gọi là “chuyển dạ lâu” hay “chuyển dạ kéo dài”.
Bạn biết đấy, nếu bạn tập thể dục lâu, các cơ bắp của bạn sẽ trở nên mỏi mệt. Thì các cơ của dạ con cũng thế. Một lí do nào đó khiến việc chuyển dạ diễn ra lâu hơn, cơ tử cung sẽ bắt đầu mệt, nhất là sau sinh. Hiện tượng “mệt” hay “đờ” tử cung dẫn đến bế sản dịch và các nguy cơ sau đó.
Một chế độ chăm sóc sau sinh chưa tốt
Thường sau khi sinh, có nhiều chị bầu sẽ nằm than, hay xông hơi vào âm đạo để mau hồi phục. Tuy nhiên ngày nay những quan niệm này đã dần không còn chính xác nữa.
Nhiều nghiên cứu đưa ra kết quả rằng, các việc ăn kiêng, nằm than, xông hơi không mang lại hiệu quả gì, nhưng có đóng góp vào việc “tắc” sản dịch và nhiễm trùng sau sinh của bạn. Nhất là ở các chị bầu khi sinh có sự can thiệp hỗ trợ như cắt tầng chủ động, sinh giúp bằng dụng cụ…
Ngoài ra có một số thói quen về đồ mặc hay “gần gũi” quá sớm sau sinh cũng làm tăng đáng để nguy cơ nhiễm trùng hậu sản.
Nguyên nhân cơ địa khách quan
Nếu như bạn không có bất kỳ yếu tố nào kể trên, cũng như sau khi làm mọi xét nghiệm vẫn không tìm được nguyên nhân ở đâu. Thì khả năng cao cơ thể của bạn có một số yếu tố dễ làm ảnh hưởng đến sự “thoát” của sản dịch.
Với những yếu tố này, thì bạn cần phải chú ý chăm sóc thật kỹ, nhất là trong những lần đi sinh bạn nhé.
Dấu hiệu gợi ý tình trạng bế sản dịch sau sinh
Khi có tình trạng bế sản dịch sau sinh, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao
- Vùng bụng dưới rốn trở nên căng tức
- Khi ấn vào bụng dưới sẽ có cảm giác đau tức hoặc một khối ở bụng dưới (sờ giống như lúc mới sinh xong)
- Khi bác sĩ khám bằng dụng cụ mỏ vịt sẽ thấy cổ tử cung đóng kín, ấn vào thì rất đau.
- Sản dịch ra có thể ít, nhưng khi bác sĩ nong ra kiểm tra thì lại có máu đen và mùi hôi (mùi hôi báo hiệu cho tình trạng nhiễm trùng)
Các phương pháp điều trị bế sản dịch sau sinh
Tình trạng bế sản dịch sau sinh không thể tự điều trị tại nhà. Bạn cần đến bệnh viện để các bác sĩ đánh giá và can thiệp kịp lúc. Tùy theo tình trạng và điều kiện của cơ sở mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn, nhưng sẽ có một số phương pháp phổ biến sau mà bạn có thể tham khảo:
Thủ thuật nong cổ tử cung
Thông thường, đây là cách đầu tiên và dễ thực hiện nhất. Các chuyên gia sẽ đặt mỏ vịt thám sát và khám cổ tử cung, sau đó dùng một dụng cụ chuyên biệt để nong cổ tử cung. Tạo điều kiện cho các tế bào, dịch ứ đọng bên trong tử cung đi ra ngoài.
Đôi khi bác sĩ có thể dùng dụng cụ vô khuẩn để gắp khối dịch đọng trong tử cung ra ngoài. Tất nhiên một điều rất quan trọng là bạn cần đến cơ sở có uy tín để đảm bảo quá trình này vô khuẩn.
Thủ thuật hút dịch tử cung
Cũng tương tự như thủ thuật nong cổ tử cung, chỉ khác biệt là thay vì dùng dụng cụ nong, bác sĩ sẽ dùng một ống hút vô trùng đưa vào buồng tử cung thông qua cổ tử cung. Sau khi hút sản dịch bị ứ đọng trong tử cung, bạn sẽ được tư vấn nghỉ ngơi, dùng kháng sinh và theo dõi sản dịch sau đó.
Cả hai thủ thuật này đều phải đảm bảo sự vô trùng tuyệt đối. Vì nhiễm trùng trong lòng tử cung sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của bạn.
Dùng thuốc kích thích co bóp tử cung
Phần lớn các nguyên nhân khiến sản dịch không được đưa ra ngoài là vì cơ tử cung co hồi không được tốt. Vì vậy, việc dùng thuốc tăng co bóp có thể giúp dạ con đẩy các chất dịch còn sót lại ra ngoài. Ngày nay tại các phòng sanh lớn đều cho bạn sử dụng một viên thuốc kích thích co bóp tử cung, có thể đặt hậu môn (ngay sau sinh) hoặc đường tiêm.
Tuy nhiên đây là thuốc có kiểm soát nghiêm ngặt, nên sau khi sinh bạn cần có ý kiến của bác sĩ trước khi lặp lại liều thuốc này.
Cần làm gì để tránh bế sản dịch sau sinh?
Vệ sinh vùng kín và vết sinh mổ sạch sẽ
Các dịch của cơ thể đều là dịch vô trùng, nhưng lại là một môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn phát triển. Sản dịch cũng không ngoại lệ. Khi các vi khuẩn trong âm đạo có thể “mượn” dinh dưỡng của sản dịch mà phát triển gây ra viêm nhiễm âm đạo. Hoặc nặng hơn là nhiễm trùng trong buồng tử cung, dẫn đến tình trạng mà chúng ta thường nhắc đến với tên gọi “nhiễm trùng sau sinh”.
Điều bạn nên làm là:
- Vệ sinh vùng âm đạo bằng nước sạch, 2-3 lần/ngày
- Dùng khăn bông thấm thật khô vùng âm đạo, môi lớn, môi bé để đảm bảo sự khô thoáng của vùng này
- Nhất là các chị em có khâu tầng sinh môn cần phải chú ý việc việc sinh nhẹ nhàng tại mối chỉ (Hiện nay phần lớn các bệnh viện đều dùng chỉ tự tiêu, bạn sẽ không cần phải đi tháo chỉ)
- Thay băng vệ sinh dành cho bà bầu thường xuyên, 4-5 lần ngày.
Điều bạn không nên làm là:
- Tránh dùng tampon
- Tránh vệ sinh âm đạo bằng bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh làm tổn thương thêm các mô chưa lành
- Không thụt rửa âm đạo
- Không tắm bồn để tránh viêm nhiễm
Nếu như phương pháp sinh của bạn là sinh mổ, không những bạn phải chăm sóc vùng kín mà còn phải quan tâm đến vùng mổ sinh nữa. Vết khâu trên da sẽ gợi ý cho vết khâu trong tử cung có lành tốt hay không. Khi bạn thấy các dấu hiệu: căng tức vùng vết mổ, đỏ da mối chỉ, chảy dịch (dịch trong hay đục), hay cảm thấy căng tức hạ vị sau khi sinh mổ… bạn nên đến ngay bệnh viện để theo dõi.
Cho bé bú sữa mẹ sớm
Không biết có làm bạn ngạc nhiên không nhưng việc cho con bú sữa mẹ không chỉ giúp ích cho sức khỏe của con mà còn giúp ích cho mẹ. Khi trẻ bú sớm, con sẽ “gọi” sữa về trong những lần tiếp theo. Điều kỳ diệu nằm ở chỗ là hormon chịu trách nhiệm tạo sữa cho con thường sản sinh chung với hormon Oxytocin có chức năng co hồi tử cung. Thế nên, việc bú sớm sẽ hạn chế được tình trạng ứ đọng sản dịch và quan trọng hơn là băng huyết sau sinh.
Ngoài ra mẹ có thể kích sữa bằng cách massage đầu vú, dùng máy vắt sữa… cũng có chức năng tương tự.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Các chị em sau sinh nên có một chế độ ăn uống riêng biệt, đảm bảo dinh dưỡng. Trong thực đơn, bạn cần phải có một số loại thực phẩm có chức năng lợi sữa và hỗ trợ co hồi tử cung, chẳng hạn như:
- Rau dền
- Rau ngót
- Hoa chuối
- Mướp
- Đu đủ
- Nghệ…
Không chỉ riêng những thực phẩm này, mà sau sinh bạn cần phải ăn đầy đủ các nhóm thức ăn để có thể phục hồi lại nguyên trạng ban đầu thật tốt.
Đi tiểu thường xuyên
Giai đoạn sau sinh, bạn sẽ dễ gặp các vấn đề về rối loạn đi tiểu, kể cả khi bàng quang đã căng đầy. Lí do là sau sinh, bàng quang của bạn kém nhạy cảm hơn bình thường. Việc bàng quang lúc nào cũng căng, gây cản trở cho cơ quan nằm ngay kế bên – đó là tử cung, khó co bóp hơn.
Vì thế để phòng việc ứ trệ sản dịch, bạn nên đi vệ sinh mỗi 2-3 giờ nhé!
Đi lại, vận động nhẹ nhàng
Khi vận động, các cơ co bóp khiến bạn tống xuất sản dịch nhiều hơn. Điều gây khó khăn là bạn không được nghỉ ngơi quá nhiều và cũng không thể bắt đầu công việc hàng ngày ngay sau sinh được. Và đây là biện pháp tối ưu cho bạn:
- Bạn sẽ được nằm nghỉ trong 6-8 giờ
- Sau đó bạn nên ngồi dậy để đi lại vài vòng trong nhà hoặc quét nhà nhẹ nhàng
- Hạn chế những công việc dùng nhiều sức như bưng bê đồ, hay các bài vận động mạnh như chạy bộ, bơi lội…
- Tăng dần cường độ trong những ngày sau khi sản dịch của bạn đã bắt đầu nhạt màu
Sẽ là một ngày vui không tả khi có thể đón tết có ông bà và có cả tiếng rôm rả của bé yêu. Niềm vui sẽ không dừng lại ở đó nếu như những ngày xuân mẹ bầu có thể tự chăm sóc tốt tại nhà với những mẹo được trình bày ở trên. Với đôi điều chia sẻ trên đây, Tạp chí Mẹ và Con hy vọng có thể đồng hành cùng bạn để có những khoảnh khắc tuyệt vời nhất bên thiên thần nhỏ đáng yêu, nhất là xuân Nhâm Dần sắp tới.