Mẹ và Con - Một lần làm mẹ, bạn sẽ trải qua một hành trình 40 tuần để cùng con chuẩn bị cho cuộc vượt cạn của năm. Và khi "mẹ tròn, con vuông" thì chỉ thêm một vài bước nữa sau sinh mà mẹ cần lưu ý mà thôi. Đó là theo dõi sản dịch sau sinh.

Theo các thống kê mới nhất trên thư viện y khoa Lancet, dù khống chế bằng những biện pháp phòng tránh tối ưu, nhưng cứ 1.000 trẻ sinh ra bằng chuyển dạ tự nhiên hoặc sinh mổ thì sẽ có 11 mẹ bầu bị nhiễm trùng sau sinh. Tình trạng này tăng thời gian nằm viện cũng như những nguy cơ khác và buộc phải dùng đến kháng sinh liều cao. 

Thế nhưng việc theo dõi và chăm sóc sau sinh có thể đơn giản từ việc quan tâm đến lượng sản dịch sau sinh trong những tuần đầu con chào đời. Và đây là những lời khuyên của Tạp chí Mẹ và Con dành cho mẹ. 

sản dịch sau sinh

Sản dịch sau sinh là gì?

Kể từ giây phút cầm trên tay que thử 2 vạch, cơ thể của bạn có lẽ đã bắt đầu một chuỗi những thay đổi để chuẩn bị cho khoảnh khắc “vượt cạn” và cả quá trình hồi phục nằm sau cuộc sinh của mình nữa. Những tuần lễ đầu tiên sau khi sinh sẽ được gọi là giai đoạn hậu sản. Một trong những hiện tượng mà chị em bầu nào cũng gặp trong giai đoạn này chính là tống suất sản dịch sau sinh.

Sản dịch sau sinh – hiện tượng sinh lý thường gặp

Sau khi bé yêu và bánh nhau được đưa ra ngoài, dạ con của bạn sẽ bắt đầu co nhỏ thành một khối cầu an toàn và đẩy ra ngoài những thành phần còn sót lại. Những thành phần này bao gồm những mảnh vụn của nội mạc tử cung, những cục máu đông nhỏ từ chỗ rốn con bám vào, phần sót lại của nước ối và dịch tiết cơ thể. Tất cả được gọi chung là sản dịch.

Sản dịch có thể nhiều hoặc ít tùy theo cơ địa của bạn. Tuy nhiên một điều chắc chắn với bạn, là ngay cả khi bạn sinh mổ, thì cũng sẽ ra sản dịch sau sinh. Có điều là các chị bầu sinh mổ sẽ mau hết sản dịch hơn các chị sinh tự nhiên qua ngã âm đạo, tùy thuộc vào cách chăm sóc và một số yếu tố kèm theo.

Phân biệt sản dịch sau sinh và băng huyết

Một trong những điều không thuận lợi sau sinh mà bất kỳ một bác sĩ sản nào cũng cực kỳ đề phòng đó chính là băng huyết sau sinh. Tình trạng băng huyết diễn ra khi tử cung không thể co lại thành khối cầu an toàn vì một bất thường nào đó. Việc dạ con kém co hồi khiến bạn không thể cầm được máu và đưa đến những tình huống nguy hiểm cho mẹ.

Sự khác biệt duy nhất của chảy máu do băng huyết và sản dịch chính là ở màu sắc. 

Sản dịch có màu sẫm và nhớt như máu cá. Nguyên nhân là bởi máu này đã ở đó từ lúc bạn “mang” con, nó trộn lẫn với nước ối khi chuyển dạ nên có mới có tính chất nhớt như vậy. Trái lại, máu băng huyết có màu đỏ tươi, nhìn giống lúc bạn bị chảy máu khi cắt phạm vào tay khi đang thái rau.

Ngoài theo dõi sản dịch, một số dấu hiệu khác thường đi kèm với tình trạng băng huyết bao gồm:

  • Đột ngột nhìn mờ
  • Sốt hoặc ớn lạnh sau sinh
  • Cảm thấy lâng lâng, nhẹ đầu, buồn ngủ hoặc choáng vàng, nhất là khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi
  • Buồn nôn
  • Da xanh xao nhợt nhạt
  • Đau bụng kiểu như đau bụng kinh
  • Hồi hộp, trồng ngực
  • Thấy có nhiều máu cục lớn ra chung với sản dịch trong 1 ngày

Sản dịch như thế nào là bình thường?

Thông thường sản dịch sau sinh có mùi tanh nồng như những ngày “dâu rụng” vậy. Điểm khác biệt là lần “dâu” này ra lâu hơn. Trung bình sản dịch sẽ kéo dài 20 ngày nhưng cũng có thể kéo dài đến 40-45 ngày sau sinh. Càng về sau màu sắc và lượng sản dịch cũng sẽ thay đổi:

  • Khoảng 2 – 3 ngày đầu tiên: sản dịch có màu đỏ sẫm và nhớt. Vài ngày đầu tiên sản dịch sẽ ra rất nhiều đấy, đôi khi còn lẫn những cục máu đông. Bạn cần lưu ý quan sát màu sắc của dịch những ngày này nhé!

ra sản dịch sau sinh bình thường

  • Tuần đầu tiên sau khi con chào đời: Lúc này sản dịch bắt đầu ít sậm và chuyển sang xu hướng hơi nâu hồng. Nếu dùng miếng băng vệ sinh cho sản phụ, bạn sẽ thấy những cục máu đông tí ti như quả nho khô. Mẹ cũng không phải lo lắng quá vì đây cũng không phải là điều bất thường.
  • Bước vào tuần thứ 3 sau sinh: Tử cung bắt đầu gần giống như trước khi sinh, lúc này sản dịch có màu nhạt hơn, trong. Thành phần dịch lúc này chứa phần còn sót của lớp màng bọc con kèm theo nhiều bạch cầu.
  • Đến 6 tuần: Lúc này lượng sản dịch sau sinh không còn nhiều. Nếu còn sản dịch, bạn sẽ thấy chúng có màu hồng hoặc trắng. Tuy nhiên lượng dịch chỉ đủ thấm ướt băng vệ sinh chứ không chảy nhiều như trước nữa. Thời điểm 6 tuần cũng là giai đoạn cuối cùng của sản dịch đấy.

Dấu hiệu sản dịch bất thường

Có sản dịch sau sinh là một quá trình hồi phục bình thường sau mỗi cuộc sinh. Tất nhiên sẽ không khỏi bối rối, nhất là khi bạn trải qua cuộc vượt cạn lần đầu tiên. Như thế nào là sản dịch bất thường? Có một vài dấu hiệu “dễ” theo dõi mà bạn có thể quan sát và chú ý đến. 

Lượng sản dịch tăng chứ không giảm

Cái mô tuýp tiết sản dịch thường sẽ nhiều vào những ngày đầu tiên, nhưng dần dần chúng ít đi theo thời gian. Giống như có một ly nước cứ vơi dần vơi dần đến khi cạn thì gọi là sạch sản dịch. 

Nhưng nếu một thời điểm nào đó trong quá trình này mà sản dịch lại nhiều hơn, nhất là sau tuần đầu tiên mà chưa thấy giảm. Hành động hợp lý nhất thời điểm này là nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra và xử lí sớm các bất thường sau sinh nhé.

sản dịch sau sinh nhiều bất thường

Sản dịch bỗng nhiên có mùi khó chịu

Theo lẽ thường tình thì dịch cơ thể sẽ…không có mùi thơm tho như bạn nghĩ đâu, nhất là ở sản dịch sau sinh. Dịch này thường có mùi nồng và chẳng khác khi hành kinh là mấy và cũng không gây khó chịu.

Khi sản dịch có mùi lạ chẳng hạn như mùi hôi, đây là điểm báo động tình trạng gọi là nhiễm trùng sau sinh hay nhiễm trùng hậu sản. Nhiễm trùng sau sinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn lan đi khắp cơ thể gây ra nhiễm trùng máu. Vì thế bạn nên chú ý biểu hiện này nhé. 

Đau vùng bụng dưới sau sinh

Sau khi sinh dạ con sẽ bắt đầu quá trình co nhỏ lại để về với trạng thái be bé xinh xinh trước khi có con. Quá trình này sẽ bắt đầu bằng việc gò cứng lúc em bé vừa ra khỏi người mẹ để giúp mẹ cầm máu. Vài phút sau, tử cung sẽ đến ngang rốn (khối cầu an toàn) và dần nhỏ lại trong 2-3 ngày sau đó. Tất nhiên bạn sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều trong quá trình này.

Tuy nhiên, trong thời gian sau sinh mà bạn đau bụng dưới rốn, mà cụ thể hơn là gần hạ vị, thì khả năng cao là bất thường rồi đấy. Biểu hiện này thường sẽ đi cùng với sản dịch “dơ”. Khi 2 biểu hiện này đi cùng nhau, đó là sự dự báo tình trạng viêm nhiễm trong tử cung. Tuy nhiên dù có hay không triệu chứng đổi mùi sản dịch, bạn cũng nên đi thăm khám sớm khi đau vùng bụng dưới trong vòng 6 tuần sau sinh nhé.

đau bụng khi ra sản dịch sau sinh

Các nguyên nhân khiến sản dịch sau sinh trở nên bất thường

Sự thay đổi những tính chất tự nhiên của dịch dạ con sau khi sinh có thể gợi ý cho một tình trạng nguy hiểm. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến thay đổi tính chất sản dịch của bạn:

  • Bế sản dịch sau sinh
  • Mất máu nhiều lúc sinh
  • Băng huyết sau sinh
  • Sinh bằng phương pháp phẫu thuật
  • Sinh con to
  • Sinh con đa ối
  • Chuyển dạ lâu
  • Cho con bú chậm
  • Chăm sóc hậu sản chưa đúng cách
  • Và các nguyên nhân cơ địa khách quan

Điều bạn nên và không làm khi ra sản dịch

Nên làm

  • Cho con bú sớm, 8-12 lần/ngày (bạn sẽ thấy con đòi bú). Việc cho con bú sẽ giúp kích thích sự co hồi của dạ con, tống xuất sản dịch tốt hơn
  • Hãy dùng băng vệ sinh thay vì tampon (việc này sẽ giúp bạn tránh được nguy nhiễm trùng sau sinh do tampon và cũng giúp bạn dễ đong lường lượng sản dịch hàng ngày)
  • Những ngày thế này thì một bộ đồ lót thoải mái và bộ đồ rộng rãi sẽ khiến bạn dễ chịu hơn bình thường đấy
  • Ăn uống đầy đủ, không kiêng khem gì (trừ khi bác sĩ dặn bạn ăn kiêng) vì bạn cần bổ sung lại nhiều dưỡng chất sau một cuộc sinh dài.

chế độ dinh dưỡng khi ra sản dịch sau sinh

Không nên làm

  • Không nằm than, không xông hơi cửa mình như quan niệm trước đây (vì khả năng nhiễm trùng, hoại tử cao)
  • Nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh đi lại nhiều, nếu có làm việc thì chỉ nên làm việc vừa sức. Bạn sẽ để ý thấy sản dịch sẽ ra nhiều hơn khi bạn đi lại (đó là dấu hiệu cơ thể bảo bạn nên nghỉ ngơi một chút đi đấy)
  • Tránh quan hệ tình dục trong thời kỳ hậu sản

Có thể nói việc để ý sự thay đổi sản dịch sau sinh là rất cần thiết. Nếu trước sinh bạn chuẩn bị rất nhiều thứ chỉn chu nhất cho thiên thần nhỏ, thì chỉ thêm vài bước theo dõi đơn giản nữa để hoàn chỉnh một kỳ sinh “mẹ tròn, con vuông” rồi đấy. Với vài dấu hiệu nhỏ trên đây, Mẹ và Con hi vọng bạn sẽ có những phút giây đầu tiên bên con thật khỏe mạnh, an toàn và hạnh phúc nhé! 

Bài viết liên quan