Quỹ Sức khỏe tâm thần Anh (MHF) gợi ý sau hai năm sống trong đại dịch COVID-19, nhu cầu bao dung với bản thân và quan tâm đến sức khỏe tâm thần của chúng ta trong năm 2022 là rất cần thiết. Tổ chức này gợi ý chủ đề của năm mới này nên là “chính ta”.
Cứ đầu năm mới, mọi người thường hăm hở đặt ra hàng loạt mục tiêu để rồi đa số là không bao giờ hoàn thành được. Có một câu nói đùa kinh điển cho dịp này, đại để là: “Mục tiêu năm 2022 của tôi là hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2021 mà lẽ ra tôi đã phải đạt được hồi năm 2020, theo đúng lời hứa từ năm 2019”.
Các chuyên gia lý giải chuyện này như sau: Với những rộn ràng của một năm mới đến, chúng ta rất dễ rơi vào cám dỗ của việc nhìn lại, tự nhận xét và đánh giá. Dĩ nhiên khi đó chúng ta thường hừng hực khí thế đề ra các mục tiêu cho năm sau với quyết tâm sẽ là một con người mới mẻ, tốt hơn năm trước. Nhưng hỡi ơi, ta nào biết tờ sớ dài với những mục tiêu như trở thành một người sôi nổi hơn, khỏe mạnh hơn, vĩnh biệt những thói quen cố hữu, học ngàn lẻ một kỹ năng mới… khiến ta bị “ngộp”, dễ thất vọng và rồi các mục tiêu rơi rụng.
Trong bối cảnh đặc biệt là năm COVID-19 thứ 3 với bao “dư chấn” về sức khỏe tâm thần, MHF cho rằng mục tiêu yêu thương chính mình chỉ cần dung dị thế này thôi: mỗi người, dù ở đâu trên thế giới này, đều chấp nhận chính mình, chăm sóc tốt, dành thời gian cho bản thân và nuôi dưỡng tâm trí.
Chăm sóc tốt cho mình bắt đầu với thói quen ăn uống lành mạnh, đa dạng; vận động phù hợp, ngủ tốt; hạn chế các thực phẩm như bia, rượu, thuốc lá, chất kích thích; ngắt kết nối – bỏ điện thoại xuống để dấn thân nhiều hơn vào thế giới của thực tại với đi bộ, thiền, vẽ tranh, xem phim, thưởng thức một ly cà phê, lắng nghe một người bạn, mỉm cười với thế giới…
Tạp chí Forbes cũng nhận định rằng 2022 sẽ là năm mà sức khỏe tâm thần, sức khỏe cảm xúc và lòng thấu cảm sẽ được ưu tiên, sau khi cả thế giới đã trải qua rất nhiều điều chưa từng có trong hai năm qua. Chúng ta chứng kiến người thân kẻ sơ nhiễm COVID-19 và qua đời, có thể chính chúng ta cũng từng ngã bệnh. Chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng của bản thân về sức khỏe, công việc và nhiều vấn đề khác.
Cũng cần nhắc lại COVID-19 đã tác động ra sao đến sức khỏe tâm thần của con người, dù là ở các nước phát triển thuộc khối OECD hay các nền kinh tế đang phát triển từ Á sang Âu. Từ tháng 3-2020 trở đi, tỉ lệ lo âu và trầm cảm gia tăng, thậm chí tăng gấp đôi ở một số quốc gia OECD, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 5-2021. Các giai đoạn có tỉ lệ đau khổ về tinh thần cao nhất tương ứng với các giai đoạn gia tăng về số ca tử vong do COVID-19 và thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Các nước OECD đã khắc phục bằng cách tăng quy mô các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm và thu nhập, qua đó giảm bớt đau khổ tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, khối này cũng thừa nhận quy mô của tình trạng đau khổ về tinh thần từ khi bắt đầu đại dịch đòi hỏi sự hỗ trợ của toàn xã hội với các biện pháp tích hợp nếu không muốn để lại những vết sẹo vĩnh viễn. Các nước phát triển còn như thế, ở những nước mà an sinh xã hội còn mỏng manh, không nói cũng hiểu khủng hoảng tâm thần do đại dịch còn nặng nề thế nào.
Một nghiên cứu trên Nature hồi tháng 7-2021 khẳng định đại dịch COVID-19 không loại trừ ai và đặt con người trước những rủi ro cao nhất về thể chất và tâm thần. Từ tháng 1 đến 7-2020, số liệu thu thập trên 146.139 người ở 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp và Singapore) cho thấy 32,6% gặp vấn đề lo âu, 27,6% trầm cảm và 30,3% mất ngủ do ảnh hưởng COVID.
Năm 2022, vì thế, nên là một năm chúng ta có cái nhìn bao dung hơn về bản thân và tập trung nhiều sức khỏe tâm thần của mình. Tử tế và khoan dung với bản thân là điều tốt nhất chúng ta làm cho chính mình.
Nhưng có mấy ai trong chúng ta thường đánh giá xem liệu ta có đối xử với chính mình như cách ta hòa ái với người khác? MHF gợi ý: Hãy chống lại thôi thúc muốn làm mới hoàn toàn bản thân trong năm 2022. Thay vào đó, “hãy chấp nhận ta của năm ngoái, hôm nay và cả ngày mai”. Tóm lại, đừng đặt nặng “quyết tâm năm mới”. Yêu thương bản thân đơn giản chỉ là dành 15 – 30 phút mỗi ngày để làm điều mình thích, và để ta trở thành bạn tốt của chính ta.
Theo Tuổi Trẻ