Mẹ&Con - 'Làm dâu khổ một, thì ở rể sẽ còn… rắc rối, mệt mỏi hơn gấp chục lần!'. Thở dài đánh thượt, nâng ly bia lên trong lúc ngà ngà say, Phạm Hoàng Nam – một 'chàng rể' ở bên nhà vợ gần 8 năm nay nói đầy cám cảnh. Làm dâu là nghề không có… nghỉ hưu Làm dâu ngược 5 tuyệt chiêu giúp dâu mới "sống khỏe" ở nhà chồng

Không cái “khổ” nào bằng… ở rể?!

Bạn bè thân với Nam rất thắc mắc, trước khi cưới, anh chàng này thuộc dạng “con nhà lành” có tiếng. Đi làm đến 6 giờ chiều là rời công ty, thẳng một nước về nhà trọ. Bạn bè có rủ đi nhậu cũng đòi chuyển sang… cà phê, và chỉ cuối tuần mới đi chứ cũng không thích lê la hàng quán. Có giai đoạn, các bạn cùng công ty cứ đùa, chọc Nam vì anh là người duy nhất trong phòng đi làm tự nấu cơm mang theo, lại hay lên tiếng coi bữa cơm nhà là số một.

Bẵng đi một thời gian, Nam lấy vợ. Vợ là con một, lại ở trên thành phố, gia đình thuộc hàng khá giả nên thuyết phục tới lui, cuối cùng chấp nhận về… ở rể. Mới đầu, vẫn thấy Nam “ngoan ngoãn” hết giờ làm là về nhà đón vợ, hiếm khi la cà. Nhưng chỉ 3 năm sau ngày cưới trở đi, bạn bè “sốc” với chuyện anh thay đổi gần như hoàn toàn.

noi-kho-cua-chang-o-re

Đi làm 6 ngày, thì hết nhẵn 6 buổi tối anh kiếm cớ rủ người này người khác đi nhậu. Nhiều bữa bạn bè bận cả, anh cũng kiếm cớ ở lại công ty làm việc muộn, hơn 8 giờ tối mới chịu về nhà. Bạn bè gặng hỏi, mãi Nam mới bộc bạch: “Về nhà, cái cảnh đi ra đi vô gì cũng nghe mẹ vợ cằn nhằn mà phát chán. Lấy vợ xong mà cái gì vợ cũng chờ đến mẹ. Kêu nấu cơm thì không nấu vì mẹ nấu rồi. Mình mở miệng ra nói vài câu đã nghe mẹ bênh con gái. Riết rồi phát chán. Thà đi cho khuất mắt, về nhà chỉ việc leo lên phòng, tắm rửa rồi ngủ thôi!”.

Tệ hơn cả tình cảnh của Nam, chàng trai Lê Lâm mới 31 tuổi đã có thời gian ở nhà vợ 4 năm. “Biết vậy hồi xưa đừng cưới!”, Lâm hay thốt ra câu này mỗi khi vợ hằm hè bảo anh sao quá lạnh nhạt với gia đình. Đi sớm về muộn, không bao giờ quan tâm đến chuyện nhà, ngay cả đám giỗ, khi có bà con bên vợ đến, anh cũng lấy cớ: “Con bận!” để… chuồn đi khỏi, chứ không ở nhà cúng giỗ, ăn chung.

Anh kể: “Hồi đầu tôi đã không chịu chuyện ở rể rồi, nhưng thương vợ nên nghe cô ấy nói ngọt riết, tôi cũng thuận. Nhưng ở nhà vợ, tôi hơi xỉn một chút trong đám cưới của bạn, về cũng nghe người này người kia bóng gió rằng suốt ngày lo nhậu. Tôi mệt vì thức đêm, sáng 10 giờ mới dậy thì lập tức trong bữa cơm có người mát mẻ: Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa suốt ngày. Ban đầu chỉ là những chuyện cỏn con, vợ tôi bảo tại mẹ thương nên mới nhắc nhở, bảo ban. Nhưng càng ngày tôi càng phát khùng. Có vợ thì cũng như không. Ở nhà vợ thì làm gì có chuyện mình được là chủ gia đình. Vợ chồng cãi nhau, chưa chi đã thấy mẹ xen vào, bảo tôi sai cái này cái kia. Tôi mệt mỏi, ức chế lắm mới có chuyện bỏ đi suốt như vậy chứ!”.

Rõ ràng, ở rể vốn không phải là chọn lựa tốt cho các “chàng”. Lập gia đình xong, người đàn ông nào lại không ước muốn làm chủ gia đình, xây dựng mọi thứ căn cơ nề nếp để thể hiện rõ vai trò trụ cột của mình. Nhưng đã ở rể, mọi thứ đều phải chiều theo ý bố mẹ vợ. Nhìn thấy vợ làm gì không vừa lòng cũng khó mở miệng góp ý. Cứ như vậy, dù chẳng có những chuyện gây gổ nghiêm trọng như kiểu mẹ chồng nàng dâu, nhưng chàng rể cũng mau chóng mất đi vị thế và sự tự tin của mình.

noi-kho-cua-chang-o-re

“Rể hiền” sống ở nhà vợ?

Thông thường khi ở rể, có hai tình huống sẽ xảy ra: Một là chàng rể dần trở nên nhu nhược và thiếu quyết đoán, cái gì cũng “tùy mẹ”, “tùy vợ”, muốn ra sao thì ra. Hai là chàng rể sẽ trở nên như “nhím xù lông”, đầy hiếu chiến ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chỉ cần ai “nói động” một chút là lập tức phản kháng, cố thể hiện “bản lĩnh” của mình thông qua việc… cãi vợ mọi thứ và sa vào nhậu nhẹt.

Nhưng càng như thế, mẹ vợ càng tỏ ra khó chịu, tội nghiệp cho con gái, rồi tiếng bấc tiếng chì nặng nề thêm nữa. Anh Đinh Hậu (Quận 11) thở dài: “Vợ chồng cưới 4 năm, có một cháu 2 tuổi nên ly dị thì tội con. Nhưng quả thực cứ thế này, không biết lúc nào thì tôi bùng nổ. Tôi nói vợ dọn ra ngoài đi, có ở thuê chật chội thì cũng là mái ấm của mình. Vợ lại không nghe. Cô ấy muốn cho con có môi trường sống tốt, cứ bảo nhà cửa rộng rãi thế này, tiện nghi thế này, tại sao lại không ở mà cứ bắt con mình ra ở nơi chật chội ô nhiễm ở bên ngoài! Đến mức, đã có lúc tôi ra tối hậu thư, bảo một là cô ấy cùng dọn đi, hai là cô ấy và con cứ ở lại nhà ngoại, tôi sẽ đi!”.

Chuyên gia tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: “Thực tế người đàn ông ở rể chịu những ức chế tinh thần có khi còn hơn người phụ nữ làm dâu. Trong đó, ức chế lớn nhất chính là không có được sự tự chủ của mình, không nói được vợ con. Nhiều bà mẹ xót con gái, cưới xong đòi bắt rể, rồi lại suốt ngày lo bao sân hết cho con gái. Người đàn ông về nhà, lúc nào cũng thấy vợ ngủ trưa trờ trưa trật, hoặc diện áo váy đi chơi, chẳng đụng tới việc nhà cũng không nói được. Vì hễ nói là mẹ vợ lại bênh, bảo để đấy mẹ làm. Người mẹ vợ tưởng thế là thương các con. Kỳ thực, đó là điều khiến cho những chàng rể ở nhờ bên nhà vợ cảm thấy mình như bị tước đoạt hết quyền làm chồng, làm cha, nói vợ cũng không nghe…”.

Ở rể còn chịu một áp lực vô hình rất lớn khác là những lời đàm tiếu, xì xầm của hàng xóm, người quen. Chẳng ai chịu nổi cái cảnh đến đám giỗ quây quần, những ánh mắt tò mò lại chĩa vào mình và ngọt nhạt: “Ơ, em rể tốt phước nhỉ, ở đây với bố mẹ vợ rồi sau này thừa hưởng cả cơ ngơi!”, “Ở rể thật đấy hả chú em? Chú mày giỏi thật, chứ anh thì anh chịu!!!”.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Thực tế không phải chàng rể nào cũng cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống “ở rể” của mình. Cũng theo chuyên gia tâm lý Đinh Phương Duy, điều này tùy thuộc rất nhiều vào ứng xử của vợ và gia đình bên vợ. “Người vợ cần khéo léo giữ vai trò cho chồng trong gia đình, luôn tôn trọng chồng, và nỗ lực thể hiện trách nhiệm của mình để quán xuyến nhà cửa, lo toan mọi thứ một cách độc lập chứ không phải cái gì cũng trông chờ vào mẹ. Hãy cố gắng để chàng trai ở rể cảm thấy mình đang là một đứa con trai, có trách nhiệm phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ lúc tuổi già, đảm trách các phần việc quan trọng trong gia đình vợ chứ không phải là một đứa con rể ăn nhờ ở đậu!”, ông cho biết.

noi-kho-cua-chang-o-re

Nhắc đến chuyện của mình, anh Hà Lý (Quận 3) cũng thừa nhận: “Ban đầu, khi vợ đề nghị tôi về ở chung cùng cha mẹ vợ vì ông bà cụ đã già, các anh chị của vợ thì đều đi xuất cảnh hết rồi, tôi không chịu. Nhưng vợ hứa chỉ thử 2 tháng thôi, nếu tôi thật sự cảm thấy không ổn, cô ấy sẽ không nài ép nữa. Tôi đồng ý vì đó cũng là khoảng thời gian mẹ vợ bị bệnh. Từ 2 tháng, tôi ở cùng nhà với bố mẹ vợ đến giờ đã… 3 năm”.

Anh bật mí, lý do ở được lâu như vậy vẫn cảm thấy thoải mái là vì vợ rất tâm lý. Từng chuyện nhỏ cô đều hỏi anh, bàn bạc và coi trọng ý kiến anh. Bố mẹ vợ cũng hết sức khéo léo, chỉ cần nghe ai đấy xì xầm là ông bà gạt đi và khẳng định đầy tự hào ngay: “Chúng tôi may mắn có rể hiền thảo. Nó thương vợ chồng tôi cô quạnh, già cả nay đau mai ốm nên mới chịu về ở chung, để chăm sóc cho chúng tôi. Chứ vợ chồng nó nhà cao cửa rộng, ở đâu bên ngoài chẳng được mà phải chịu về đây…”. Nhìn cách ông bà nhạc phụ đối xử với mình như con trai, anh bảo: “Tôi nhờ đó mà thấy tự tin hơn, thoải mái hơn, cũng xem bố mẹ vợ như bố mẹ của mình, xem ngôi nhà bên vợ như ngôi nhà thật sự mà mình cần gắn bó…”. 

Tags:

Bài viết liên quan