Trung bình một đất nước thải ra khoảng 3,3 triệu tấn tã giấy mỗi năm. Người ta ước tính phải mất tới 500 năm để một chiếc tã phân hủy. Và đó không chỉ là vấn đề thời gian, tã giấy còn làm gia tăng khả năng lây nhiễm khí độc và hóa chất độc hại cho hệ sinh thái tự nhiên.
Do đó, sử dụng tã vải là một sự lựa chọn rất thân thiện với môi trường. Thoạt thấy việc giặt tã thật vất vả mà không phải bà mẹ nào cũng có đủ thời gian để thực hiện hàng ngày. Nhưng không sao, Mẹ và Con sẽ gửi đến bạn đọc một số lời khuyên và mẹo cơ bản vô cùng hữu ích trong việc giặt tã vải cho con như sau:
Trước khi giặt tã vải
Ở những bước đầu tiên, bạn hãy kiểm tra bao bì sản phẩm hoặc xem thông tin sản phẩm trang web của công ty để tìm hiểu các hướng dẫn giặt được khuyến nghị phù hợp với loại tã bạn chọn. Bạn cần tuân theo các hướng dẫn này để đảm bảo tã được vệ sinh ở điều kiện tốt để có thể tái sử dụng được nhiều lần!
Cách giặt tã vải
Bước 1: Loại bỏ mọi chất thải rắn
Nếu con bạn chỉ bú sữa mẹ, phân của con có thể hòa tan trong nước nên có thể dễ dàng dùng vòi xịt để loại bỏ các chất bẩn. Đối với trẻ bú sữa công thức hoặc trẻ sơ sinh đến tuổi ăn dặm, bạn cần loại bỏ các chất thải rắn trực tiếp vào bồn cầu trước khi cho chúng vào lồng giặt.
Lớp lót tã là lõi thấm hút có thể dùng kết hợp với tã vải dạng túi. Việc làm sạch sẽ vô cùng dễ dàng vì bạn chỉ cần lấy lõi bẩn ra và cho vào sọt rác. Hầu hết các lớp lót tã này đều được sản xuất để có thể phân hủy sinh học nên bạn vẫn có thể đảm bảo nếp sống xanh nhé!
Bước 2: Trữ tã bẩn trong giỏ hoặc túi riêng
Nếu bạn chưa có thời gian xử lý ngay những miếng tã bẩn, bạn có thể bỏ tã vào túi hoặc giỏ mà vẫn giữ chúng ở trạng thái còn ướt. Bởi vì tã ẩm là bí quyết giúp phân của bé dễ dàng giặt sạch mà không để lại vệt ố vàng.
Bước 3: Giặt tã vải
Bạn nên lên lịch giặt tã hàng ngày. Việc này có thể quá sức với bạn, nhưng bạn cần xử lý tã bị thấm nước và bốc mùi. Việc trữ tã ẩm quá lâu có thể gây ra các vết nấm mốc và kết quả là bạn phải cho hết đống tã hư vào sọt rác.
Hãy đảm bảo con bạn có đủ 8 – 10 chiếc tã mỗi ngày và do đó bạn cần dự phòng khoảng 20 chiếc tã cho con dùng nhé.
Chu trình 1: giặt tã vải lạnh
Chọn chu trình xả trước hoặc “giặt tốc độ cao” với nước lạnh và KHÔNG chứa chất tẩy rửa. Cách này sẽ giúp loại bỏ chất thải còn tồn đọng, giúp giảm nguy cơ bị ố vàng.
Chu trình 2: giặt tã vải nóng
Chọn chu trình giặt ấm/nóng thông thường để giặt cùng với chất tẩy rửa phù hợp với các loại quần áo của trẻ sơ sinh. Hãy thêm một ít muối nở (baking soda) hoặc nước cốt chanh vào bột giặt để có thể dễ dàng loại bỏ các vết bẩn cứng đầu.
Nói không với chất tẩy trắng vì thuốc tẩy là một hóa chất mạnh và dễ làm hỏng vải nếu sử dụng quá thường xuyên.
Không sử dụng nước xả làm mềm vải và có mùi thơm vì chất làm mềm vải phủ lên bề mặt của tã vải, gây tích tụ và ngăn ngừa khả năng thấm hút tối ưu của vải.
Đối với chế độ giặt nóng, hãy cài đặt mức nước tối đa và tăng thêm 1 lần xả. Bạn càng xả bằng nhiều nước thì đương nhiên chất bẩn hay bột giặt sẽ không có cơ hội tồn đọng trên vải và gây tổn thương cho da của bé phải không nào?
Bước 4: Phơi hay sấy khô?
Phương pháp tốt nhất để làm khô tã vải là phơi ngoài trời nắng. Ánh nắng mặt trời đánh bay vi khuẩn làm giảm thiểu mùi hôi và cũng là một cách giữ tã trắng sáng hơn.
Cách phơi cũng quyết định độ bền của vải. Không nên kéo căng tã để không làm ảnh hưởng đến độ đàn hồi của vải. Nếu đọc kỹ ký hiệu trên nhãn mác của nhà sản xuất, một số tã vải được sản xuất để có thể cho vào máy sấy ở chế độ thấp, nhưng dù sao điều này sẽ khiến tã bị hao mòn nhiều hơn theo thời gian. Sử dụng máy sấy cũng có thể gây hư hỏng lớp lót chống thấm nước, cũng như miếng dán, nút và khuy cài.
Tã vải có thể không phải là sự lựa chọn hoàn hảo cho tất cả mọi người. Nếu đây là một quyết định khó khăn, bạn có thể bắt đầu bằng việc sử dụng 2-3 chiếc tã vải để dần làm quen. Kiên nhẫn và giữ quyết tâm là chìa khóa quan trọng giúp bạn điều chỉnh và thiết lập một thói quen phù hợp nhất cho mình. Mẹ và Con hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những mẹ đang sử dụng tã vải cho con. Giặt tả vãi không hề đơn giản tí nào, tuy vậy nếu nắm được những tips trên bạn sẽ đỡ đần hơn rất nhiều trong việc chăm con hàng ngày.