Rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc trẻ chậm nói là do cơ địa và là do trẻ không muốn nói, cứ chờ một thời gian nhất định con sẽ nói. Nhưng trên thực tế, việc chậm nói có rất nhiều liên quan đến sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần của con yêu sau này.
Để hiểu rõ hơn về rắc rối này của trẻ, mời bạn tìm hiểu bài viết sau đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Vì sao con mãi không chịu nói?
Anh Chí Hùng (Quận 8) có bé gái gần 25 tháng tuổi, nhưng chẳng biết nói gì ngoài vài tiếng u a, chị chia sẻ “Nếu con muốn gì cũng chỉ trỏ rồi ư ư, tôi đang lo lắng không biết có phải là bé đang bị tự kỷ hay không”.
Bên cạnh đó, chị Phước Thanh (Quận 10) cũng có một bé trai khoảng 3 tuổi, trộm vía là thân hình khỏe mạnh, trắng trẻo, nhưng cũng gặp phải trường hợp chậm nói tương tự. Nhiều lần chị cũng muốn đưa con đi khám xem con đang gặp vấn đề gì, có sao không, nhưng chồng chị lại khăng khăng bảo “Chả sao hết, trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, có đứa nói nhanh có đứa nói chậm, mấy tháng nữa cũng sẽ biết nói thôi”.
Tuy nhiên, cũng đã được vài lần “mấy tháng nữa” rồi nhưng con vẫn thế, không có dấu hiệu khả quan. Lần lựa mãi chị mới quyết định mang con đến bệnh viện nhi, bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân thì biết được rằng cha mẹ đi làm cả ngày, cu cậu ở nhà cùng với một chị giúp việc. Chị giúp việc cả ngày cũng chỉ biết bếp núc, quét dọn nhà cửa, chỉ cho bé ăn, tắm và thay tã, ít trò chuyện và giao tiếp với con. Tối ba mẹ đi làm về thì nhiều khi cu cậu cũng đã lăn ra ngủ nên không có nhiều thời gian nói chuyện với nhau.
Bác sĩ khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, “Trẻ chậm nói thường do 2 nguyên nhân chính: thực thể và tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do bé có những vấn đề về các cơ quan phát âm – giao tiếp như tai, mũi, họng; cơ quan chỉ huy như bị dị tật bẩm sinh ở não, bại não, những di chứng sau khi bị bệnh xuất huyết não hay viêm màng não… Bên cạnh đó, nguyên nhân tâm lý là do gia đình quá cưng chiều hoặc hay bỏ bê con hoặc đã xảy ra cú sốc/biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ.
Thế nhưng, theo số liệu thống kê của bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ chậm nói do nguyên nhân tâm lý chiếm đến 70% tổng số trẻ điều trị tại khoa này. Với con số đáng quan ngại này, chúng ta phải đặt ra những câu hỏi mang tính chất tự suy xét, có phải do cuộc sống ngày càng hiện đại, các bậc phụ huynh đã bị cuốn mình theo guồng quay của công việc, nên con cái cũng không được chăm sóc, quan tâm nhiều. Có phải, chậm nói đang là một căn bệnh của thời đại số?
Tại sao trẻ chậm nói được xem là căn bệnh của “Thời đại số”?
Những gia đình hiện nay thường gồm cha mẹ, con nhỏ sống cùng một nhà. Vì thế mọi người dễ dàng bị “bao vây” bởi các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, truyền hình… Và đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chính các “bảo mẫu bất đắc dĩ” là những thiết bị điện tử này có liên quan đến khoảng 50% nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ.
Hơn thế, quỹ thời gian trong ngày của cha mẹ hiện đại chỉ còn buổi tối muộn do phải bận rộn làm việc cả ngày. Vì thế, khi quay về với gia đình, mối quan tâm của họ với con cái chỉ là tắm rửa, cho ăn và đi ngủ. Đôi khi họ còn bận rộn luôn cả đêm. Có thể nói, cha mẹ ngày nay thường quên mất chất lượng của việc dành thời gian bên con, nó không nằm ở việc chu cấp đầy đủ vật chất, cũng không nằm ở khoảng “tắm – ăn – ngủ”, mà là ở rất nhiều về mặt giao tiếp tích cực với con bằng lời nói.
Theo nhiều báo cáo chuyên khoa tâm lý cho biết, rất nhiều chứng minh có thấy sự thiếu giao tiếp của cha mẹ trong gia đình có liên quan rất nhiều đến sự chậm nói của trẻ sau 2 tuổi. Điều này có thể kéo dài đến 33 tháng tuổi, nếu không điều trị kịp thời, con sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh tâm thần khác. Ngoài ra, trẻ chậm nói thường có khả năng kiểm soát cảm xúc và diễn đạt đều rất kém. Vì thế, bạn cũng đừng thắc mắc tại sao khi bạn ít dành nhiều thời gian quan tâm con mà bé lại rất ương bướng.
Các bậc cha mẹ nên thấu hiểu, trẻ em không đòi hỏi quá nhiều trong quỹ thời gian của bạn. Điều mà con yêu cần chính là tình yêu và sự quan tâm bạn đặt vào trong từng phút giây đó.
Nếu bạn bận rộn cả ngày, hãy dành ra thời gian buổi tối hoặc cuối tuần để gia tăng nhiều thời gian tích cực bên con. Có nhiều nghiên cứu lâm sàng cho biết, sự tương tác và giao tiếp của cha mẹ ảnh hưởng đến sự gia tăng cả về mức độ sử dụng ngôn ngữ và số lượng từ vựng của trẻ. Thời gian giao tiếp tích cực không phụ thuộc vào bao lâu bạn giao tiếp với con, mà là bao nhiêu thời gian bạn làm bé vui vẻ, ngạc nhiên, có những phản xạ và phản ứng phù hợp, cũng như hiểu được những gì bạn đang giao tiếp với chúng ở bất kỳ hoạt động nào.
Làm sao để biết con đang có dấu hiệu chậm nói?
Cha mẹ có thể căn cứ vào quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ bình thường để kiểm tra xem trẻ có chậm nói hay không. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, nếu trẻ chỉ mới trễ hơn 1 – 2 tháng thì hoàn toàn không sao cả, cha mẹ không cần quá lo lắng:
- Trẻ từ 3 – 6 tháng: Con yêu có thể nói được các nguyên âm đơn giản (a, ba, bà….)
- Trẻ từ 6 – 9 tháng: Nói được 2 âm khác nhau (ma ma, da da…)
- Trẻ từ 9 – 12 tháng: Con đã phát âm được “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm để gây sự chú ý, học nhại lại theo người lớn nhưng không rõ từ.
- Trẻ từ 12 – 15 tháng: Con có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện được tiếp tục.
- Trẻ 15 – 18 tháng: Con có thể nói được 4 từ, thường là tên các con vật đơn giản như mèo, chó… cùng với các cử chỉ nhỏ như vẫy tay, chỉ trỏ.
- Trẻ từ 18 – 2 tuổi: Bé yêu đã biết khoảng 25 từ, gọi tên người, biết chào hỏi, tạm biệt, từ chối…
- Trẻ từ 2 – 3 tuổi: Giai đoạn này bé sẽ nói rất nhiều, số lượng từ vựng tăng khoảng 50 – 200 từ, tự nói chuyện một mình khi chơi.
- Trẻ 3 – 4 tuổi: Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, âm tiết dù chưa rõ ràng như biết sử dụng ngữ điệu lên xuống như người lớn. Thường hỏi “cái gì, ở đâu, tại sao, có thể nhắc lại lời người khác khoảng 6 từ”.
Giải pháp nào cho con yêu – những đứa trẻ chậm nói?
Nhiều thạc sĩ tâm lý cho biết, “Khi thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói hơn so với độ tuổi, tốt hơn các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến các bệnh viện nhi để được thăm khám và xác định các nguyên nhân cụ thể để tìm được các phương pháp điều trị kịp thời. Nếu trẻ chậm nói xuất phát từ các nguyên nhân thực thể, liên quan đến tai mũi họng, bác sĩ sẽ tìm các biện pháp cụ thể hơn, có thể làm những cuộc tiểu phẫu, hoặc cho trẻ đeo máy trợ thính để con có thể học nói dễ dàng hơn. Nếu như xuất phát từ nguyên nhân tâm lý, chính cha mẹ hoặc những người gần gũi với con nhiều sẽ giúp con học nói nhanh nhất”.
Một số giải pháp được các chuyên gia khuyến khích cha mẹ nên thực hiện khi bé yêu chậm nói như:
- Thường xuyên quan tâm và trò chuyện với con nhiều hơn. Chỉ khi trò chuyện thường xuyên, bạn mới có thể giúp con phản xạ ra thành lời nói, giao tiếp 2 chiều. Thậm chí, các bậc phụ huynh nên trò chuyện với con ngay từ còn trong bụng mẹ. Khi chào đời, trẻ sẽ nhận ra giọng của ba mẹ, điều này ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khả năng ngôn ngữ của con.
- Đọc truyện, hát và kể cho trẻ nghe những câu chuyện nhỏ ngay từ khi con còn bé xíu, thậm chí là 3 – 4 tháng tuổi để trẻ có thêm tiền đề để phát triển khả năng ngôn ngữ, từ vựng của mình tốt hơn.
- Chỉ cho con biết những đồ vật xung quanh, vẽ cho con những con vật/thiên nhiên và chỉ cho chúng tên gọi để mở rộng thêm khả năng ngôn từ của bé. Kích thích toàn bộ tất cả giác quan của con trong vấn đề dạy nói để làm sao trẻ vừa được thấy, nghe, làm và tiếp xúc. Điều này rất quan trọng trong việc chăm sóc trẻ chậm nói.
- Rèn cho trẻ nói lên nhu cầu của mình. Nhiều cha mẹ khi thấy con khóc lóc đòi chỉ trỏ ư ư thì cưng chiều nhanh tay đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ. Như vậy càng làm cho con càng lười tập nói hơn. Hãy rèn cho trẻ tập nói lên nhu cầu của mình để trẻ có cơ hội được nói nhiều và nhanh hơn.
- Nhiều cha mẹ có quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng các thiết bị điện tử xung quanh sẽ giúp con biết nhiều hơn và học nói nhanh hơn. Tuy nhiên, việc xem tivi hoàn toàn không có sự tương tác 2 chiều, trẻ chỉ được nghe, thấy và không có cơ hội nói chuyện, giao tiếp. Muốn trẻ học nói nhanh, bạn cần phải kiên trì hơn trong việc tự mình giao tiếp tích cực với con.
- Nếu cha mẹ không có thời gian chăm sóc, quan tâm con cái, có thể gửi bé đến nhà trẻ. Môi trường nhà trẻ có cô giáo, bạn bè sẽ giúp con có thêm được nhiều sự tương tác và phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ nhanh nhạy hơn.
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ chậm nói cũng như giúp bạn có được cách kiểm tra, cách khắc phục vấn đề này khi trẻ không may mắc phải. Chúc bạn áp dụng thành công, bé yêu sớm líu lo như sáo cả ngày nhé!