Lập ngân sách chi tiêu cơ bản là cách quản lý tài chính thông minh, đặc biệt khi năm mới sắp đến và bạn cần thắt chặt ngân sách để có một cái “Tết ấm” cho cả gia đình. Tuy nhiên, dù có cố gắng rất nhiều nhưng mọi chuyện vẫn không theo kế hoạch bạn đề ra, tệ hơn là bạn còn thâm hụt một khoản kha khá?
Dưới đây là những sai lầm phổ biến mà mọi người dễ mắc phải khi tìm cách quản lý tài chính cá nhân mà Tạp chí Mẹ&Con đã vạch ra. Bạn tham khảo để tìm cách khắc phục ngay nhé!
Vì sao cần lập ngân sách chi tiêu cho bản thân?
Có thể sắp xếp các hoạt động ưu tiên
Bạn không biết mình cần phải làm gì, mua sắm những gì trước, những gì sau? Lập ngân sách giúp bạn biết được những việc mình cần chi tiêu và mình còn lại bao nhiêu tiền, mình có thể ưu tiên cho những việc nào trước, như trả nợ hoặc đóng tiền nhà, tiền điện…
Ngừng chi tiêu quá mức
Đây là cách quản lý tài chính hiệu quả bởi khi bạn có danh sách những việc cần chi tiêu, bạn sẽ ý thức được số tiền còn lại của mình. Mỗi khi muốn mua một món đồ ngoài dự định, bạn sẽ cân nhắc hơn về việc liệu mình còn tiền hay không, số tiền bạn được phép chi cho khoảng này là bao nhiêu. Với những nàng không cưỡng lại được thói quen mua sắm vào những ngày Black Friday hay các dịp siêu sale 11.11, 12.12 thì kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn làm được điều này! Khi bạn nhận ra bạn không còn kinh phí để mua quần áo hay những món đồ không cần thiết, bạn sẽ biết mình nên mua gì, bỏ gì.
Đạt được mục tiêu của mình
Nếu bạn có kế hoạch mua nhà vào năm 35 tuổi hay đi du lịch sau khi nghỉ hưu, việc lập ngân sách chi tiêu sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện hóa ước mơ của mình. Hãy phân bổ tổng số tiền mình có vào các loại quỹ khác nhau như quỹ mua sắm, quỹ tiết kiệm, quỹ mua nhà… Mỗi tháng, bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm được một khoản tiền để hoàn thành mục tiêu thay vì cứ liên tục xài tiền cho những việc nhất thời, vô bổ.
5 sai lầm thường gặp khi lập ngân sách chi tiêu cá nhân
Lập ngân sách quá khắt khe
Việc ngồi lại viết ra một bản kế hoạch, lập ngân sách cũng như dự trù kinh phí là cách quản lý tài chính rất tốt để kiểm soát chi tiêu của bản thân. Tuy nhiên, nếu quá khắt khe và thiếu thực tế sẽ khiến mọi thứ phản tác dụng. Bạn không thể nào lập ra một ngân sách mà không có khoản chi tiêu dành cho giải trí hoặc tiêu vặt. Khi quá kiềm hãm bản thân khỏi những thói quen giải trí trước đó sẽ khiến mình bị mệt mỏi và kết quả là bạn sẽ còn tiêu nhiều hơn số tiền hàng tháng dành cho hạng mục này. Kể cả tiêu ít hơn thì cũng sẽ làm hỏng cả ngân sách dự trù và khiến bản kế hoạch trở nên vô dụng.
Cách quản lý tài chính tốt nhất là lập chi tiêu phù hợp với cuộc sống, gồm các mục như chi phí cơ bản, chi phí phát sinh và khoản dành cho giải trí. Nếu muốn tiết kiệm thì từ từ giảm từng chi phí, làm từng chút một, không giảm đột ngột cùng một lúc. Ngoài ra, không nên quá ỷ lại vào suy nghĩ rằng bản thân sẽ không tiêu tiền tùy hứng dù chỉ một lần bởi vì xác suất này rất thấp, thậm chí đưa bản thân vào thế bí, thôi thúc việc tiêu xài nhiều hơn.
Lập ngân sách vượt quá khả năng
Lập ngân sách vượt quá khả năng thường xảy ra ở những người tiêu tiền nhiều, không kiểm soát, thậm chí còn vượt quá cả thu nhập hàng tháng. Để “chữa cháy” cho những khoản bị hụt, nhiều người sẽ dùng tiền tháng sau bù cho tháng trước. Điều này dẫn tới một vòng luẩn quẩn vì thu nhập hàng tháng sẽ không đủ sống, gây áp lực lớn lên ngân sách.
Nếu bạn đang mắc kẹt trong tình trạng này thì điều cần làm bây giờ là viết ra cách quản lý tài chính hay bản kế hoạch mới. Dựa trên tình hình tài chính hiện tại để cắt giảm hoặc xếp ưu tiên những mục cần thiết, như vậy mới thực sự phù hợp và khả thi với thực tế.
Lập ngân sách không có mục tiêu
Phần lớn chúng ta sẽ không hề có mục tiêu cho khoản tiền tiết kiệm sau khi trả nợ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục tiết kiệm bởi vì lời khuyên “thà có còn hơn không”. Nhưng do dành tiền không có lý do cụ thể nên bạn sẽ chẳng mấy chủ động trong chuyện này, mua nhiều thứ không cần thiết, không kiểm soát việc mua sắm. Mục tiêu đơn giản nhất lúc này là tiêu xài tùy thích, phần còn lại thì tiết kiệm. Đây là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến không có khoản tiết kiệm, thậm chí nợ nần thêm.
Thay vì suy nghĩ tiết kiệm chỉ là cách quản lý tài chính thứ yếu, hãy ngồi xuống và dành thời gian suy nghĩ về mục tiêu tương lai cho khoản này. Ví dụ, lo cho con đi học thêm, học đại học, học việc…
Quên những chi phí phát sinh
Mỗi người sẽ có cách quản lý tài chính cũng như dự trù kinh phí phát sinh khác nhau. Tất nhiên, trong khoản này sẽ có những chi tiêu tính toán trước được và những chi tiêu hoàn toàn bất ngờ. Đối với những ngân sách phát sinh dễ khắc phục và dự đoán, bạn có thể xác định qua chi phí bất thường hàng quý, hàng năm rồi thêm đó vào ngân sách. Trường hợp không nhớ cụ thể những khoản này, bạn nên kiểm tra tài khoản cũng như ghi lại chi tiêu hàng tháng để dễ dàng cho việc kiểm soát. Những gia đình có trẻ nhỏ, trẻ đang đi học, khoản phát sinh thường nằm ở chi phí khám bệnh, chi phí đồ dùng học tập…
Đối với những ngân sách, khoản chi không lường trước được như đám cưới, đám tang, xe hư hỏng… thì bạn nên dự trù một khoản tiền mặt nho nhỏ cho điều này. Nhưng không cần quá lo lắng vì có thể cộng dồn khoản này cho các tháng sau khi không có chuyện gì xảy ra.
Không có khoản phòng cho tình huống xấu
Việc thâm hụt ngân sách phần lớn đến từ nguyên nhân là do không có khoản dự phòng cho tình huống xấu như hư hỏng đồ dùng, xe cộ, bệnh tật, tai nạn…Do đó, để quản lý tài chính một cách thông minh, hãy ngồi xuống và hoàn thành một quỹ dự phòng khẩn cấp nhé.
Ngoài ra, bạn nên dành thời gian kiểm tra lại kế hoạch theo ngày hoặc theo tuần bởi vì sẽ có một số vấn đề phát sinh khiến bạn phải thay đổi ngân sách cho phù hợp. Không có kế hoạch dự trù nào là hoàn toàn hoàn hảo mà cần sự biến hóa theo thực tế. Chính vì thế, khi cảm thấy không còn phù hợp, hãy thay đổi.
3 cách quản lý tài chính siêu hiệu quả
Sử dụng tiền mặt
Tuy dùng thẻ thật tiện lợi và bạn cũng hạn chế được nhiều nỗi lo nhưng khi đi mua sắm, ăn uống, việc “cà thẻ” thường khiến bạn chi tiêu quá mức. Do đó, khi lập ra ngân sách chi tiêu, bạn có thể rút đủ số tiền mặt cho các khoản này để hạn chế tiêu xài quá mức.
Kiểm tra ngân sách mỗi ngày
Vào cuối ngày, hãy dành ra 5 – 10 phút xem lại chi tiêu trong ngày của mình. Đây là một cách quản lý tài chính vô cùng hiệu quả bởi bạn sẽ biết được bạn đang dùng tiền cho những việc gì, số tiền còn lại cho những ngày sau là bao nhiêu,…
Sử dụng các ứng dụng điện tử
Ngày nay, điện thoại dường như là vật bất ly thân của mỗi người. Bạn cũng thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính bảng, laptop… Vì thế, hãy tải các ứng dụng thiết lập ngân sách trực tiếp trên các thiết bị di động để dễ dàng sử dụng. Sau mỗi lần chi tiêu, bạn có thể ghi chú lại, các ứng dụng này sẽ tự động tính toán số tiền còn lại của bạn. Mỗi tháng, các ứng dụng sẽ báo cáo với bạn mức chi tiêu, cho bạn biết bạn có đang tiêu xài quá mức đặt ra ban đầu hay không.
Mặc dù mỗi người sẽ có những cách quản lý tài chính khác nhau nhưng nhìn chung, bạn có thể áp dụng các bí quyết mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ để tránh những lỗi sai khi quản lý chi tiêu cũng như giúp mình có thể quản lý ngân sách tốt hơn đấy. Hãy yêu thương ví tiền của mình và trở thành một người chi tiêu thông minh, bạn nhé!