Ngày đón con chào đời chính là ngày hạnh phúc nhất của mẹ. Nhưng để có được phút giây thiêng liêng ấy là những cơn đau và hàng loạt thay đổi của cơ thể khiến mẹ suy sụp. Sau khi sinh, có quá nhiều sự “mới mẻ” khiến cả tâm lý và thể chất của mẹ có những biến động không ngừng. Dưới đây 7 sự thay đổi của cơ thể mà phụ nữ sau sinh em bé nào cũng sẽ gặp phải. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu để thông cảm và sẻ chia, bạn nhé!
7 thay đổi của cơ thể mẹ khi con chào đời
Cân nặng không giảm nhiều như lời đồn
Nhiều bà mẹ truyền tai nhau rằng sau khi sinh con sẽ giảm cân vì bé bú sẽ giúp mẹ đốt cháy khoảng 500 calo (tương đương chạy 8km). Tuy nhiên điều này chỉ đúng với một số người, số còn lại vẫn không giảm được ký nào cho tới khi bé cai sữa. Điều này được lý giải là do khi bé bú sữa làm cho các mẹ cảm thấy đói và họ sẽ nhanh chóng nạp một lượng calo để bù đắp lại.
Ngoài ra, vì còn phải nuôi bé bằng sữa mẹ nên bắt buộc mẹ phải ăn những thức ăn giàu dưỡng chất giúp bé khỏe mạnh, cộng thêm việc phải chăm sóc, không có thời gian tập luyện nên khó có thể giảm cân sau sinh em bé.
Ngực chảy xệ
Trong quá trình mang thai cũng như cho con bú, các tuyến sữa hình thành làm vòng 1 to hơn. Lượng sữa căng đầy tạo áp lực khiến các dây chằng, cơ ngực khó nâng đỡ được như ban đầu. Đó chính là nguyên nhân khiến ngực chảy xệ sau khi sinh. Thêm vào đó, việc bé bú, nằm trên ngực hay dùng máy hút sữa cũng khiến ngực biến dạng và sa trễ.
“Vùng kín” lỏng lẻo
Nếu mẹ đẻ thường thì không tránh khỏi việc “vùng kín” bị rộng, sưng tấy, lỏng lẻo hơn trước. Những ngày đầu sau sinh em bé, mẹ thường tiểu khó, tiểu không tự chủ, tệ hơn là viêm nhiễm phụ khoa. Tuy nhiên tình trạng này sẽ thuyên giảm sau vài ngày bé chào đời, nhưng không được như ban đầu.
Nếu cảm thấy lo lắng về vấn đề này, các mẹ có thể hỏi bác sĩ tư vấn. Hiện nay có rất nhiều phương pháp để se khít “vùng kín” thông qua các bài tập nhằm săn cơ, phục hồi sau sinh hoặc phẫu thuật…
Rụng tóc
30-40% phụ nữ sau sinh đều gặp tình trạng rụng tóc. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết đột ngột, lượng estrogen giảm dần khiến tóc bị rụng rất nhiều trong khoảng 3-4 tháng sau sinh, thậm chí còn hiện tượng rụng tóc mảng. Ngoài ra, trong thời kỳ con bú sữa, cơ thể người mẹ tiết ra prolactin giúp nguồn sữa dồi dào hơn nhưng lại vô tình ức chế estrogen nên càng khiến tóc rụng “thảm” hơn.
Để khắc phục điều này các mẹ chú ý ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung các loại vitamin B,C,E, kẽm và biotin. Đồng thời, mẹ nên chăm sóc tóc với những loại dầu gội thuần thiên nhiên, không buộc tóc quá chặt và hạn chế sử dụng các loại máy nhiệt để tạo kiểu nhé!
Rối loạn nội tiết
Sau khi sinh em bé là thời điểm rối loạn nội tiết khiến người phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, cảm xúc bất định, mọc mụn, giảm ham muốn tình dục, tăng cân… Khoảng 6 tuần sau sinh, phụ nữ sẽ bắt đầu có những biểu hiện của trầm cảm sau sinh. Những thay đổi tâm lý thường gặp phải như không muốn tắm hay tập trung quá mức vào việc chăm bé, thiếu cảm giác thèm ăn, không có nhu cầu tiếp xúc với người lạ…
Nồng độ hormone của mẹ sẽ trở lại mức bình thường vào thời điểm 6 tháng sau sinh. Vậy nên trước khoảng thời gian này, các mẹ cố gắng giữ đầu óc không bị căng thẳng, mệt mỏi để bản thân không bị trầm cảm nhé!
Da sạm nám
Sau sinh em bé, nhiều mẹ bầu thường có tình trạng da sạm nám, nhiều vết thâm. Hơn nữa, da còn bắt đầu khô ráp, sần sùi hơn chứ không còn mịn màng như trước. Điều này khiến mẹ cảm thấy tự ti và ngại giao tiếp với mọi người.
Đau lưng và chân
Khi mang thai, cơ thể người mẹ phải chịu một trọng lượng tương đối lớn, nên cột sống và thắt lưng dễ bị đau. Bên cạnh đó, tác dụng phụ của mũi gây tê tủy sống để giảm đau khi sinh nở làm mẹ đau đớn trong thời gian dài. Điều may mắn là tình trạng này sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm đầu sau sinh. Khi nội tiết của mẹ hồi phục và ổn định hoàn toàn thì các cơn đau cũng sẽ biến mất.
Cách giúp cơ thể phục hồi nhanh
Ăn uống khoa học
Sau sinh em bé, mẹ cần cho con bú nên thường cố gắng ăn nhiều món ăn lợi sữa để cung cấp dưỡng chất cho con. Tuy nhiên, việc này thường khiến cơ thể người mẹ xồ xề, không lấy lại được cân nặng như thuở còn son trẻ. Để giảm cân an toàn sau sinh, mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau đây:
- Cắt giảm calo: Các loại bánh ngọt, đồ ngọt, soda, rượu và thức ăn nhanh như pizza, xúc xích có nhiều chất béo rắn và đường nhưng lại rất ít dưỡng chất. Mẹ hãy cắt bỏ nhóm thực phẩm này trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình.
- Uống nhiều nước: Uống 1 cốc nước trước khi cho con bú không chỉ giúp sữa tiết ra dễ dàng hơn mà còn giúp đốt cháy calo trong cơ thể người mẹ, giúp giảm cân nhanh chóng.
- Ăn nhiều bữa: Sau khi sinh em bé, chúng ta thường hay cố gắng ăn thật nhanh, ăn thật nhiều trong một buổi để dành thời gian chăm con. Tuy nhiên, nếu muốn giảm cân, bạn nên chia nhỏ bữa ăn và ăn ít trong mỗi bữa bạn nhé!
Tập thể dục
Các bài tập nhẹ nhàng như yoga hay thiền có thể khiến bạn giãn gân cốt, giảm tình trạng đau mỏi sau sinh. Hơn nữa, tập thể dục còn giúp bạn thư giãn, hạn chế trầm cảm sau sinh. Và chắc có lẽ mẹ bầu nào cũng biết, dành thời gian để tập thể dục mỗi ngày chính là bí quyết giảm cân vô cùng hiệu quả.
Một lưu ý cho bạn khi tập thể dục chính là chọn các bài tập nhẹ nhàng, tránh các bài tập dùng sức nhiều vì cơ thể vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Ngoài ra, thời điểm thích hợp để bắt đầu các bài tập này là sau khi sinh khoảng 1 tháng đấy.
Chọn áo lót phù hợp
Vì phải cho con bú nên sau khi sinh em bé, nhiều mẹ bỉm thường chọn cách “thả rông”. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên mẹ nên hạn chế việc không mặc áo lót. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn những loại áo ngực phù hợp, vừa thuận tiện cho bé bú, vừa chống chảy xệ.
Uống các loại vitamin
Bên cạnh việc ăn uống khoa học, bạn có thể bổ sung thêm các loại vitamin để ngăn ngừa rụng tóc, dưỡng da và giúp cho cơ thể phục hồi nhanh chóng hơn. Bạn có thể uống các loại vitamin dạng viên hoặc dạng nước đều được. Nhưng để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống nhé!
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc
Nỗi khổ của hầu hết các mẹ khi sinh em bé chính là phải thường xuyên phải thức giữa đêm để cho con bú, thay quần áo khi bé tè dầm, thức khuya để chăm con khi bé bệnh… Điều này khiến sức khỏe của bạn không thể phục hồi như ban đầu, thậm chí còn khiến cho tình trạng đau mỏi lưng, tay chân kéo dài cho đến khi lớn tuổi. Để phục hồi cơ thể nhanh chóng sau khi sinh em bé, bạn cần chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ đủ giấc, tránh suy nhược cơ thể.
Lưu ý dành cho mẹ sinh mổ
Bên cạnh các bí quyết chăm sóc sức khỏe, phục hồi cơ thể sau khi sinh em bé, mẹ sinh mổ cần chú ý thêm một vài vấn đề như:
- Dùng men tiêu hóa hoặc ăn các loại thực phẩm lên men: Khi mổ, bác sĩ có thể dùng thêm các kháng sinh để ca mổ diễn ra thuận lợi hơn. Các loại kháng sinh này có thể làm ảnh hưởng đến lợi khuẩn trong đường ruột. Vì thế, bạn nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ để sử dụng men vi sinh (men tiêu hóa) hoặc các lợi khuẩn nhằm giúp đường ruột khỏe mạnh hơn.
- Tránh thực phẩm gây viêm nhiễm vết mổ: Một số loại thực phẩm có thể làm cho vết mổ của bạn bị nhiễm trùng, viêm nhiễm. Vì thế, với thực đơn sau sinh mổ, bạn nên hạn chế các món như thịt đỏ, bánh mì trắng và đồ chiên…
- Vệ sinh vết mổ thật nhẹ nhàng: Vết sẹo mổ cần được chú ý vệ sinh sạch sẽ để tránh viêm nhiễm và không để lại sẹo to gây mất thẩm mỹ. Mẹ nên vệ sinh nhẹ nhàng, lau khô bằng khăn và không bôi các loại kem/thuốc lên vết mổ khi vết thương chưa lành và chưa được sự đồng ý từ bác sĩ.
Mang nặng đẻ đau, cơ thể chịu biết bao thay đổi tiêu cực nhưng được làm mẹ vẫn là điều hạnh phúc và đáng để người phụ nữ đánh đổi. Chúc các mẹ luôn luôn hạnh phúc và trẻ đẹp. Đừng quên theo dõi Mẹ và Con để đón đọc thêm nhiều bài viết hay về mẹ và bé, bạn nhé!