Tết năm nay, lần đầu tiên thiên thần bé bỏng của bạn sẽ theo bố mẹ về quê hoặc đi du lịch. Chuyện chẳng có gì đáng nói với người lớn hay trẻ ở độ tuổi đã khá lớn, nhưng với trẻ nhỏ đang tuổi ăn dặm, đó là cả vấn đề “nhức đầu” với mẹ. Cho bé ăn gì, làm sao đảm bảo đủ chất, làm sao tránh mọi nguy cơ ngộ độc thực phẩm do lạ thức ăn, kém vệ sinh hay thậm chí là thói quen chế biến thức ăn khác ở nhà?
> 6 món cháo ‘thần thánh’ cho bé dưới 1 tuổi ăn không kịp đút
Chuẩn bị gì cho bé?
Một điều hiển nhiên là khi đi du lịch hay về quê, điều kiện sinh hoạt, ăn uống của trẻ không thể thuận tiện và chu đáo như ở nhà. Nếu địa điểm bạn đến cũng là những thành phố lớn, trong nước, cùng vùng miền (khẩu vị, cách chế biến, nguồn nguyên liệu thực phẩm không khác biệt nhiều) thì đó là một may mắn cho bạn. Ngược lại, hãy lường trước những khó khăn nếu như nơi bạn đến là một vùng miền hẻo lánh, nơi nước sử dụng còn là nước giếng, nước sông, nơi một chiếc tủ lạnh, một chiếc bếp ga vẫn còn là điều xa lạ. Bởi lẽ, chắc chắn lúc này, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ như lúc ở nhà sẽ cần đến sự chuẩn bị chu đáo của mẹ ngay từ đầu.
Bạn cần lưu ý đến những điều gì về chế độ dinh dưỡng khi cho con đi du lịch, về quê dịp Tết? Trước hết, nhớ rằng trẻ cần được ăn nhiều bữa trong ngày. Trẻ độ tuổi càng nhỏ thì thể tích dạ dày (bao tử) cũng nhỏ theo. Do đó, bạn cần chia thành nhiều bữa nhỏ với lượng thức ăn vừa đủ, phù hợp với thể tích dạ dày trẻ. Nếu nơi bạn đến không thuận tiện lắm cho việc tìm kiếm, chế biến các loại thức ăn nhiều lần trong ngày, hãy mang theo sữa bột dinh dưỡng vì nó có thể bổ sung được phần nào dưỡng chất trẻ cần. Lưu ý, nước dùng pha sữa cho trẻ phải đun sôi thật kỹ.
Một số loại bột ăn dặm công thức sẽ giúp ích cho bạn trong trường hợp này. Tuy nhiên, ngay từ lúc ở nhà, bạn cần cho trẻ “làm quen” với các thực phẩm sẽ mang theo, để có thể yên tâm là trẻ không cảm thấy sự khác biệt lớn giữa ăn ở nhà và khi đi chơi. Với trẻ lớn hơn, có thể chuẩn bị sẵn một số loại thực phẩm tương đối thuận tiện để mang đi, không khó bảo quản như pho mát, xúc xích dinh dưỡng, bột ngũ cốc đóng gói, một số loại bánh ngũ cốc có thể trộn với sữa tươi thành những bữa nhẹ.
Ảnh minh họa
Nhắc mẹ đôi điều…
Về quê hoặc đi du lịch, nhiều mẹ trở nên lơ là với bữa sáng của con, chỉ cho trẻ ăn qua loa. Song, điều này là không ổn vì với trẻ nhỏ, năng lượng của bữa sáng chiếm 1/4 – 1/3 tổng năng lượng trong ngày. Bữa sáng cũng như bữa trưa, tối phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, cháo, bún, mì, nui, phở, khoai, v.v.), đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ, v.v.), chất béo (dầu, mỡ), rau củ và trái cây.
Nếu trẻ đã qua tuổi ăn dặm, có thể ăn sữa chua, hãy chịu khó tìm cho được món này ở nơi bạn đến. Sữa chua không chỉ cung cấp cho trẻ nhiều năng lượng, vitamin cần thiết mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, để trẻ khỏe hơn trong những ngày phải đối phó với nhiều thay đổi về nhịp sinh hoạt lẫn chế độ ăn uống.
Dù trẻ đã có thể ăn chung “thực đơn” với người lớn nhưng bạn không nên để trẻ ăn các món như bánh chưng, giò chả, thịt nguội, nem tré, v.v.. Khi chế biến thức ăn cho trẻ, cần đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi ngon, vệ sinh kỹ lưỡng. Hạn chế để trẻ phải ăn uống thức ăn hàng quán.
Đặc biệt, các bữa ăn cho bé trong ngày Tết cần chú trọng cho trẻ hấp thụ đủ protein (đạm), vì protein rất cần thiết để tăng cường sức khỏe, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động và làm tăng độ minh mẫn cho não bộ. Thiếu protein, bé sẽ mệt mỏi, uể oải, khó khăn để theo kịp những hoạt động “liên tục, liên tục” trong ngày Tết. Nguồn protein thiết yếu có trong các thức ăn như thịt gà, thịt heo nạc, trứng, cá và sữa.
ThS. BS Nguyễn Thị Minh Hồng
MẸ CẦN NHỚ!
Phòng chống bệnh đường ruột
Nên ăn chín, uống sôi. Không để trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo, các loại mứt kém vệ sinh vì rất dễ mắc bệnh lây lan qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, thương hàn, tả, lị, hội chứng tay – chân – miệng. Nên đem theo vài gói Oresol để pha vào nước uống (1 gói pha trong 1 lít nước chín) khi trẻ bị tiêu chảy, trước khi đến cơ sở y tế địa phương để khám và điều trị.
Cho trẻ uống nhiều nước
Việc di chuyển liên tục từ điểm này đến điểm khác khiến năng lượng tiêu hao nhiều, theo đó cơ thể cũng mất nước nên cần bổ sung nước kịp thời. Nếu không yên tâm nguồn nước giếng, nước sông ở những vùng quê nơi bạn đưa con về, nên chọn nước uống đóng chai của các thương hiệu uy tín. Cần thiết thì dùng nước này để đun nấu, chế biến thức ăn cho trẻ cũng như cho trẻ uống. Không nên ngần ngại làm vậy quá “kiểu cách” hay cho rằng “trẻ ở đây đứa nào cũng uống nước này, có sao đâu”. Cơ thể của trẻ nhỏ rất chậm thích nghi trước những đổi thay đột ngột, trong đó, đổi thay về nước uống (nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, vị khác thường) có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ ngay.
Chế độ ăn cho trẻ theo độ tuổi
– Trẻ sơ sinh: Bú mẹ (ngày 10 – 14 lần).
– 6 tháng: Tập ăn dặm bột, sữa, bú mẹ nhiều lần.
– 7 – 8 tháng: Bột (mặn/ngọt) 1/2 chén x 2 bữa. Bú sữa mẹ nhiều lần hoặc sữa bột: 120 -150ml x 6 lần.
– 9 – 12 tháng: Bột hoặc cháo 1 chén x 3 bữa, sữa 180 – 200ml x 4 – 5 lần. Thêm trái cây, các chế phẩm sữa.
– 13 – 24 tháng: Bột, cháo, bún, hủ tíu, súp 1 chén x 3 – 4 bữa. Sữa 200ml x 3 – 4 lần. Thêm trái cây, chế phẩm sữa, bánh.
– 24 – 30 tháng: Cháo, bún, hủ tíu 1 chén bữa sáng. Cơm 1/2 chén x 2 bữa trưa, tối. Sữa 200ml x 3 – 4 lần. Thêm trái cây, chế phẩm sữa, bánh.
– 3 – 6 tuổi: Cơm 1 chén x 3 bữa. Sữa 200 ml x 3 – 4 lần. Thêm trái cây, chế phẩm sữa, bánh, khoai.