Mẹ và Con - Những thay đổi khi mang thai dễ khiến bạn cảm thấy lo lắng. Nhưng đôi khi, đây là những thay đổi hết sức bình thường trong thai kỳ!

Khi bước vào thai kỳ, bạn sẽ nhận thấy cơ thể mình dần khác lạ hơn so với trước đây. Đừng quá lo lắng về điều này, bởi những thay đổi khi mang thai mà bạn tưởng chừng như bất thường lại có thể… hoàn toàn bình thường đấy nhé.

Phụ nữ mang thai dễ bị đầy hơi, chướng bụng

Khi em bé lớn lên, không gian ở vùng bụng trở nên “chật hẹp” hơn và quá trình tiêu hóa của bạn có thể trở nên thất thường hơn, khiến bạn đầy hơi và chướng bụng. Ngoài ra, bạn có thể ăn uống khác đi khi đang mang thai, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

Để cải thiện sự thay đổi khi mang thai này, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo như bánh mì kẹp thịt và gà rán, cũng như nước ngọt có ga. Đặc biệt không nên dùng các loại đồ ăn hay thức uống có chứa những loại có chất làm ngọt nhân tạo. Đi bộ nhanh 20 phút sau bữa tối cũng có thể kích thích tiêu hóa và giảm đầy hơi.

Khi ngủ, bạn có thể thử kê đầu lên một chiếc gối phụ hoặc kê cao chân để giảm bớt một số áp lực lên ruột, từ đó cải thiện chứng khó tiêu hoặc ợ nóng vào ban đêm.

những thay đổi khi mang thai trong 3 tháng đầu

Táo bón – một vấn đề thường gặp trong thai kỳ

Bạn có cảm giác như bạn đang dành quá nhiều thời gian trong phòng tắm? Bạn không cô đơn. Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), hầu hết phụ nữ mang thai đều bị táo bón vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Đây là một sự thay đổi khi mang thai vô cùng bình thường và phổ biến.

Ngay sau khi bạn thụ thai, các hormone thai kỳ tăng mạnh như progesterone sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa của bạn để cho phép nhiều chất dinh dưỡng được hấp thụ và truyền sang em bé hơn. Tuy nhiên, sự chậm lại này có thể gây táo bón ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ.

Ngoài ra, theo thời gian, thai nhi dần phát triển cũng bắt đầu làm tắc ruột của bạn, khiến việc tiêu hóa ngay cả những bữa ăn nhỏ cũng khó khăn hơn. Việc tăng cường hấp thụ chất xơ có thể khiến tình trạng táo bón được cải thiện. Phụ nữ mang thai nên ăn nhiều trái cây tươi, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, nên uống nhiều nước để khắc phục tình trạng táo bón khi mang thai này.

Són tiểu khi mang thai

Bạn cảm nhận cơ thể thay đổi khi mang thai do bạn thường xuyên són tiểu hơn và đang lo lắng vì điều này? Hãy cứ yên tâm bạn nhé. Trong tam cá nguyệt thứ hai, em bé đang lớn của bạn bắt đầu gây áp lực lên bàng quang và khiến bạn cảm thấy buồn tiểu nhiều hơn và dễ bị són tiểu.

Bên cạnh đó, một số hormone nhất định sẽ báo hiệu cho cơ xương chậu của bạn thư giãn để việc sinh nở được dễ dàng hơn. Điều này khiến bạn dễ bị rò rỉ nước tiểu hơn – được gọi là tiểu không tự chủ – khi hắt hơi hoặc cười khúc khích.

Nhu cầu tình dục thay đổi khi mang thai

Một số phụ nữ cảm thấy nhu cầu tình dục cao hơn khi mang thai. Tuy nhiên, với những người khác, họ dường như mất hứng thú với chuyện chăn gối. Và theo các chuyên gia thì nhu cầu tình dục thay đổi khi mang thai dù là theo chiều hướng nào thì cũng hoàn toàn bình thường.

Bạn có thể hứng thú hơn do không cần lo lắng việc chẳng may có thai sau khi quan hệ, cộng với việc lưu lượng máu đến “cô bé” tăng hơn 30%. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cảm thấy ngại quan hệ do sợ ảnh hưởng đến thai nhi và do mệt mỏi, ốm nghén trong thai kỳ.

những thay đổi khi mang thai trong 3 tháng giữa thai kỳ

Những thay đổi khi mang thai ở phụ nữ: Ngứa núm vú và vú

Khi nói về những sự thay đổi khi mang thai trên cơ thể, nhiều phụ nữ cho biết, họ cảm thấy núm vú và vú của họ có phần to hơn bình thường để chuẩn bị cho việc tiết sữa và thường dễ bị ngứa hơn.

Bắt đầu từ giai đoạn đầu của thai kỳ, vùng da nhạy cảm ở vùng này căng ra, có thể gây ngứa dai dẳng ở núm vú, đầu ngực hoặc ngực. Thay đổi nội tiết tố và tăng lưu lượng máu đến khu vực này cũng có thể góp phần gây ngứa núm vú, vú hoặc ngực. Ngoài ra, nhiều phụ nữ mang thai còn có cảm giác nặng ngực hoặc ngực cực kỳ nhạy cảm, đau nhức.

Để cải thiện sự thay đổi khi mang thai này, bạn có thể thoa một số loại kem dưỡng lành tính dành riêng cho mẹ bầu, chườm mát, chọn áo lót với chất liệu mềm mại và thoáng khí,… Và đừng quên đến bệnh viện ngay nếu núm vú có dấu hiệu ngứa ngáy kèm theo sưng đỏ, chảy máu hoặc dịch bạn nhé.

Phụ nữ dễ bị mờ mắt khi mang thai

Bạn có thể thắc mắc liệu mình có cần đeo kính hay không khi trong thai kỳ, mắt của bạn có xu hướng mờ đi. Tình trạng mờ mắt khi mang thai là một tác dụng phụ khác của việc cơ thể bị trữ nước. Khi mang thai, bạn sẽ bị sưng tấy khắp người và điều đó có thể ảnh hưởng đến mắt của bạn. Thấu kính và giác mạc của bạn có thể tạm thời trở nên dày hơn và áp lực trong mắt của bạn có thể thay đổi, dẫn đến mờ mắt.

Những thay đổi về thị lực có thể là một thay đổi khi mang thai vô hại, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Do đó, bạn nên đi khám nếu cảm thấy mờ mắt trong thời gian mang thai bạn nhé.

Tĩnh mạch âm đạo thay đổi khi mang thai

Giãn tĩnh mạch âm đạo là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn hoặc sưng ở môi âm hộ. Tình trạng này xảy ra do áp lực của tử cung đang phát triển lên các tĩnh mạch trong âm đạo. Nếu bạn mắc phải tình trạng giãn tĩnh mạch âm đạo trong một lần mang thai, bạn có nhiều khả năng mắc phải vấn đề này trong những lần mang thai sau. Một số người mang thai còn bị giãn tĩnh mạch ở chân và bàn chân.

Nếu bạn đang gặp vấn đề này, đừng quá lo lắng. Các tĩnh mạch âm đạo cho dù có trông lớn đến đâu cũng không thể chảy máu, Và trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ co lại sau sinh, biến mất hoàn toàn. Vì thế, hãy cứ thoải mái và bình tĩnh.

Bị đau răng khi mang thai

Khi mang thai, bạn có thể phát hiện ra rằng cùng với các bộ phận khác trên cơ thể, nướu của bạn cũng sưng lên do nồng độ progesterone và estrogen thay đổi cũng như lưu lượng máu tăng lên. Nướu của phụ nữ mang thai có thể chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. 

cơ thể phụ nữ thay đổi khi mang thai như thế nào

Nếu bạn nhận thấy nướu răng bị chảy máu đáng kể, ngay cả khi bạn không đánh răng, hãy đến gặp nha sĩ để kiểm tra xem bạn có bị viêm nướu và viêm nha chu (một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng cũng ảnh hưởng đến dây chằng và xương xung quanh có liên quan đến nguy cơ sinh non cao hơn và cân nặng khi sinh thấp) hay không. 

Làn da thay đổi khi mang thai

Phụ nữ mang thai sẽ trải qua những sự thay đổi rõ rệt về làn da, Trong đó, phổ biến nhất chính là tình trạng nám da khi mang thai. Nồng độ estrogen tăng lên sẽ thúc đẩy cơ thể sản xuất melanin cung cấp sắc tố cho da, khiến da bạn dễ bị nám và có những vùng sẫm màu trên mặt, ngực, bụng,…

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị mụn nhiều hơn khi mang thai do thay đổi nội tiết tố. Các nốt mụn nhỏ, li ti và ửng đỏ, có thể gây khô và kích ứng da, khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy.

Xem thêm: Mách mẹ 6 cách trị nám da khi mang thai và sau sinh hiệu quả

Ngoài những thay đổi khi mang thai trên, trong suốt thai kỳ, phụ nữ cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như bàn chân phù và sưng to, hội chứng ống cổ tay, nghẹt mũi, buồn nôn và ói mửa,… Nếu bạn cảm thấy lo lắng về những vấn đề sức khỏe của mình trong thai kỳ, hãy đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn chi tiết nhất bạn nhé.

Bài viết liên quan