Mẹ và Con - Khi mang thai, bạn sẽ trải qua rất nhiều thay đổi trên cơ thể, từ bộ ngực lớn hơn cho đến các vết rạn da. Một số người cũng nhận thấy làn da của họ - đặc biệt là trên khuôn mặt - trông loang lổ và đổi màu. Đây chính là tình trạng nám da khi mang thai.

Nám da khi mang thai hoàn toàn vô hại, mặc dù tình trạng nám da có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn và khiến bạn cảm thấy mình có phần xấu xí. Hãy để Tạp chí Mẹ và Con tiết lộ một số cách giúp bạn cải thiện tình trạng nám da trong thai kỳ nhé!

Nám da khi mang thai là gì?

Nám da khi mang thai là tình trạng những vết nám tối màu xuất hiện khi bạn đang mang thai, khiến da không đều màu và trở nên loang lổ. Tình trạng tăng sắc tố da này thường không gây đau đớn, vô hại và không ảnh hưởng đến em bé của bạn. Các triệu chứng thường biến mất sau khi sinh.

Nám dakhi mang thai cũng khá phổ biến; các nghiên cứu chỉ ra rằng nó xuất hiện ở 50 đến 70% phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân gây nám khi mang thai là gì?

Giống như nhiều thay đổi của cơ thể, bạn có thể đổ lỗi cho hormone thai kỳ gây ra nám. Cụ thể, khi nồng độ estrogen và progesterone tăng lên trong thai kỳ, tình trạng tăng sắc tố (thay đổi màu da) có thể xảy ra nhiều hơn.

Nám hoặc tăng sắc tố có thể xảy ra trong thai kỳ do sự gia tăng lượng melanin gây ra bởi sự thay đổi nội tiết tố. Melanin là chất mà cơ thể bạn sản xuất ra để tạo màu cho da, tóc và mắt.

Ngoài ra, có một số yếu tố nhất định có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng nám da khi mang thai, bao gồm tiền sử gia đình có người bị nám da khi mang thai. Hoặc những người có tông màu da trung bình hoặc tối hơn thường dễ bị nám hơn. Đó là bởi vì da có nhiều sắc tố sẽ sản sinh ra nhiều melanin hơn.

Người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng không dùng kem chống nắng, không che chắn cẩn thận,… cũng có nguy cơ bị nám da khi mang thai cao hơn.

Nguyên nhân gây nám khi mang thai

Triệu chứng nám da khi mang thai

Nhìn chung, nám da được biểu hiện dưới dạng có sự đổi màu của da, có vẻ sẫm màu hơn làn da bình thường của bạn (thường là màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, có thể hơi xám).

Tình trạng tăng sắc tố da trong thai kỳ này có thể tạo nên những đốm nám nhỏ giống như tàn nhang hoặc những mảng lớn hơn. Nám thường xuất hiện ở các khu vực sau:

  • Môi trên
  • Trán
  • Mũi
  • Cằm

Tình trạng nám da xảy ra trong thai kỳ không chỉ xuất hiện trên mặt mà còn có thể xuất hiện trên bụng hoặc đùi, ở đầu núm vú và cả các vùng da khác.

Nám da không kèm theo ngứa, sưng tấy hoặc đau nhức. Và nám da khi mang thai cũng không gây đau đớn và vô hại đối với em bé đang phát triển của bạn mặc dù những vết nám trông có vẻ khó chịu.

Nám da thường xuất hiện khi nào?

Tình trạng nám da khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ, dù cho đó là tam cá nguyệt thứ nhất hay thứ hai hoặc thậm chí ở cuối thai kỳ. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy, nhiều người mang thai trải qua tình trạng nám da khi mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba khi nồng độ hormone ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, vào gần cuối thai kỳ, các triệu chứng nám da khi mang thai sẽ bắt đầu có dấu hiệu được cải thiện và sau khi sinh, những vết nám sẽ bắt đầu mờ dần. Nám sẽ tự khỏi một cách tự nhiên sau khi các hormone trong cơ thể được cân bằng.

Có thể ngăn ngừa nám khi mang thai hay không

Có thể ngăn ngừa nám khi mang thai hay không?

Do nám da khi mang thai có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai nên nhiều người cho rằng, không có cách để ngăn ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, trên thực tế thì bạn có thể làm một số điều để giảm bớt sự xuất hiện của nám da, chẳng hạn như:

  • Sử dụng kem chống nắng: Tia cực tím (UV) có thể làm tăng cường sự thay đổi sắc tố ở da. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 30 trở lên và thoa lại trong ngày (hai giờ một lần nếu bạn ở ngoài trời). Và đừng quên chọn kem chống nắng an toàn, lành tính, thích hợp với phụ nữ đang mang thai bạn nhé.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Nên ở những nơi râm mát, hạn chế ra các khu vực ngoài trời, đặc biệt là vào buổi trưa, khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất sẽ giúp bạn phần nào ngăn ngừa được tình trạng nám da khi mang thai. Hơn nữa, việc đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang cũng có thể hữu ích trong việc bảo vệ làn da của bạn.
  • Tránh các sản phẩm có chứa chất tạo mùi tổng hợp: Chất tạo mùi tổng hợp thường chứa các thành phần gây dị ứng, kích ứng da. Chúng có thể làm cho tình trạng nám da khi mang thai trở nên tồi tệ hơn. Do đó, bạn nên chọn những sản phẩm được dán nhãn là không gây mụn hoặc không gây dị ứng.
  • Sử dụng các sản phẩm có chất chống oxy hóa đậm đặc: Những sản phẩm này có thể giúp làm giảm sắc tố da không đều màu. Tuy nhiên, bạn cũng nên đọc kỹ thông tin sản phẩm xem phụ nữ mang thai có thể sử dụng được hay không.

Điều trị nám sau sinh

Nếu bạn lo ngại tình trạng nám da khi mang thai ảnh hưởng đến ngoại hình của mình thì tin tốt dành cho bạn chính là hầu hết các trường hợp nám sẽ tự hết sau khi bạn sinh con, mặc dù đôi khi có thể mất vài tháng hoặc thậm chí cả năm.

Trong khi chờ đợi các vết nám mờ dần, bạn có thể sử dụng kem trị nám. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là khi bạn đang cho con bú. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm các loại mặt nạ dưỡng da như mặt nạ sữa chua với chanh, mặt nạ nghệ mật ong, mặt nạ bơ và sữa tươi,… như một cách trị nám da để giúp da sáng đều màu hơn.

cách trị nám da khi mang thai

Nám da khi mang thai có thể làm bạn cảm thấy e ngại với ngoại hình của mình. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể cải thiện sau sinh nên đừng quá lo lắng bạn nhé!

Bài viết liên quan