Mẹ và Con - Sảy thai là chuyện không ai mong muốn. Thậm chí, đây là một việc vô cùng đau đớn bởi con chưa kịp chào đời đã phải rời bỏ thế gian này, bố mẹ cũng chẳng thể nhìn mặt con dẫu chỉ một lần.

Mang thai và sinh con khỏe mạnh là niềm mong ước lớn nhất của các mẹ bầu. Do đó, việc tìm hiểu các nguyên nhân sảy thai giúp mẹ cẩn thận hơn trong suốt thai kỳ, hạn chế nguy cơ sảy thai để con yêu chào đời như mong đợi. Và những thông tin cần thiết Tạp chí Mẹ và Con muốn chia sẻ với mẹ như sau: 

nguyên nhân sảy thai

Mẹ hiểu thế nào về sảy thai?

Theo các thống kê, sảy thai thường xảy ra ở trong 20 tuần đầu của thai kỳ và có đến 80% các trường hợp sảy thai diễn ra ở 3 tháng đầu tiên khi mẹ mang thai bé. Các nguyên nhân sảy thai không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng mang thai lần sau. Có đến 85% phụ nữ bị sảy thai lần đầu có thể mang thai và sinh nở như bình thường ở lần tiếp theo.

Các loại sảy thai:

  • Dọa sảy thai: Tình trạng ra máu bất thường, máu có màu đỏ tươi hoặc hơi nâu. Dọa sảy thai còn đi với các triệu chứng như đau bụng, đau thắt lưng.
  • Sảy thai không hoàn toàn: Khi bị sảy thai không hoàn toàn, cổ tử cung giãn ra, máu bắt đầu ra nhiều máu hơn và kèm theo đó là những cơn đau bụng dữ dội. Đi kèm với máu có thể là một số dị vật ra ngoài từ ống sinh. Khi sảy thai không hoàn toàn, bạn không thể tiếp tục mang thai nữa bởi lúc này một phần thai nhi đã rời khỏi cổ tử cung.
  • Sảy thai hoàn toàn: Lúc này, thai nhi đã hoàn toàn rời khỏi cổ tử cung. Tuy nhiên, người mẹ vẫn phải đến bệnh viện thăm khám, siêu âm để bác sĩ quyết định phải uống thuốc hay nạo để làm sạch tử cung.

Các nguyên nhân sảy thai mẹ cần biết

Bất thường về nhiễm sắc thể

Nếu sảy thai trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, đó có thể là vấn đề do nhiễm sắc thể của thai nhi. Nhiễm sắc thể sẽ chứa các gen quy định đặc điểm riêng của bé như màu mắt, màu tóc. 

Nếu có sự chênh lệch về số lượng nhiễm sắc thể hoặc xuất hiện đột biến nhiễm sắc thể, thai nhi sẽ không thể phát triển như bình thường được. Sự bất thường, rối loạn về nhiễm sắc thể có thể xảy ra ngẫu nhiên khi phôi phân chia và phát triển. Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp nào để ngăn chặn các vấn đề này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguyên nhân sảy thai do nhiễm sắc thể bất thường dễ xảy ra ở trường hợp phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi, từ 35 tuổi trở lên. 

Do bất thường nhiễm sắc thể là một vấn đề diễn ra ngẫu nhiên chứ không di truyền từ bố mẹ sang bé nên nếu mang thai bé thứ 1, mẹ bị sảy thai do bất thường nhiễm sắc thể thì không đồng nghĩa với việc bé thứ 2 cũng thế. Mẹ có thể an tâm, mẹ nhé!

mang thai

Sử dụng các loại thuốc làm tăng nguy cơ sảy thai

Khi mang thai, các mẹ bầu thường được bác sĩ căn dặn thật cẩn thận khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cho dù là các loại thuốc cảm cúm thông thường cũng phải hỏi ý kiến của bác sĩ. Sở dĩ như vậy vì một số loại thuốc nếu uống không đúng cách, không đúng liều lượng có thể trở thành nguyên nhân sảy thai, khiến bé không thể chào đời được…

Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ sảy thai và dị tật thai nhi có thể kể đến như:

  • Metronidazole – loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về nhiễm trùng đường ruột
  • Penicillin – thuốc kháng sinh, có khả năng điều trị các vấn đề liên quan đến nấm, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng
  • Aspirin – thuốc chống viêm không steroid, giúp hạ sốt và giảm đau
  • Các loại thuốc trị mụn như thuốc bôi thuộc nhóm retinoid, thuốc có chất isotretinoin…
  • Các loại thuốc chữa trầm cảm ức chế men monoamine oxidase 

Tình trạng sức khỏe của người mẹ

Tình trạng sức khỏe của mẹ không ổn định có thể trở thành một nguyên nhân sảy thai mà mẹ cần đặc biệt lưu ý trong khoảng thời gian đang có em bé.

sảy thai

Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ), mẹ có thể bị sảy thai nếu gặp phải các vấn đề về sức khỏe như: 

  • Mắc các bệnh nhiễm trùng như Cytomegalovirus (CMV) hoặc rubella
  • Mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp, lupus ban đỏ 
  • Gặp các vấn đề rối loạn như rối loạn tự miễn dịch hoặc rối loạn hormone nội tiết
  • Đang điều trị các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp
  • các vấn đề ở tử cung như u xơ tử cung hoặc dị tật tử cung, hở eo cổ tử cung (bất túc cổ tử cung)

Lối sống không lành mạnh

Một nguyên nhân sảy thai khác cần được nhắc đến chính là lối sống không lành mạnh của mẹ trước và trong khi mang thai. Mẹ có thể bị sảy thai tự nhiên sớm nếu duy trì các thói quen như:

  • Thường xuyên ngủ muộn
  • Hút thuốc lá
  • Uống rượu, bia, sử dụng ma túy và các chất kích thích khác
  • Không ăn uống đầy đủ dưỡng chất
  • Thường xuyên vận động mạnh

Yếu tố môi trường

Khi mang thai, dù mẹ đã áp dụng đầy đủ các biện pháp dưỡng thai nhưng thai nhi vẫn không thể phát triển khỏe mạnh và dẫn đến sảy thai, có thể nguyên nhân sảy thai là do các yếu tố về môi trường. 

mẹ bị sảy thai

Cụ thể, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với nguồn nước nhiễm độc, ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế hoặc bóng đèn huỳnh quang, tiếp xúc với các dung môi (chất pha loãng sơn, chất tẩy nhờn, tẩy vết bẩn và vecni),… đều có thể khiến mẹ bị sảy thai hoặc thai nhi bị dị tật.

Mang thai khi tuổi cao

Tuổi tác của mẹ khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai dưới 35 tuổi có 15% nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, nếu mang thai trên 35 tuổi, nguy cơ sảy thai có thể tăng lên cao hơn. 

Theo các thống kê, mang thai trong độ tuổi từ 35 – 45 tuổi, mẹ bầu có 20 – 35% nguy cơ sảy thai. Nếu mang thai khi đã trên 45 tuổi, nguy cơ sảy thai là 50%. Vì vậy, có thể thấy tuổi tác cũng có thể trở thành nguyên nhân sảy thai. Nên chủ động mang thai sớm trước 35 tuổi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Chế độ ăn uống

Khi mang thai, mẹ luôn được khuyến khích phải ăn đầy đủ, bổ sung các chất dinh dưỡng bởi thiếu hụt vitamin có thể khiến thai nhi không thể phát triển được, dẫn đến tình trạng dọa sảy thai hoặc sảy thai.

Ngoài ra, thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể dẫn đến tình trạng sảy thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Từng bị sảy thai

Tuy mẹ từng bị sảy thai 1 lần vẫn có cơ hội mang thai lần tiếp theo và sinh con như bình thường nhưng nếu sảy thai từ 2 lần trở lên, nguy cơ sảy thai lần 3 sẽ cao hơn rất nhiều. 

sinh em bé

Xét nghiệm tiền sản xâm lấn

Tuy trường hợp này rất hiếm xảy ra nhưng một số trường hợp, khi lấy mẫu lông nhung màng đệm hay chọc ối để xét nghiệm tiền sản xâm lấn vẫn có thể trở thành nguyên nhân sảy thai.

Phải làm gì để bảo vệ thai nhi, hạn chế nguy cơ sảy thai?

Trên thực tế, không có cách nào để ngăn chặn nguy cơ sảy thai tuyệt đối 100%. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể áp dụng 1 số biện pháp phòng ngừa sảy thai, bảo vệ thai nhi để hạn chế nguy cơ sảy thai như:

  • Khám thai theo lịch để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường nhằm tìm phương pháp điều trị phù hợp
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên theo dõi bảng cân nặng cơ thể
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động mạnh, không suy nghĩ quá nhiều
  • Hạn chế các thói quen nguy hiểm như sử dụng chất kích thích, uống rượu bia 
  • Trình bày với bác sĩ về các nguy cơ có thể gặp phải xuất phát từ môi trường đang sống để xin ý kiến về cách hạn chế sảy thai phù hợp
  • Nếu đã sảy thai trên 2 lần, hãy thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa 

Có rất nhiều nguyên nhân sảy thai dù bạn ở đang ở giai đoạn nào của thai kỳ. Vì vậy, để bé yêu có thể chào đời thuận lợi, hãy thật sự cẩn thận và áp dụng các biện pháp bảo vệ thai nhi phù hợp bạn nhé! Mến chúc bạn mẹ tròn con vuông.

Bài viết liên quan