Mẹ và Con - Luôn cảm thấy lạnh khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân của tình trạng này là gì, làm thế nào để khắc phục? Để Tạp chí Mẹ và Con mách bạn nhé!

Cảm thấy lạnh ở vùng khí hậu lạnh hơn hoặc đang ngồi trong phòng máy lạnh là điều bình thường.. Nhưng nếu bạn nhận thấy mình luôn cảm thấy lạnh, ngay cả khi bạn không ở nhiệt độ lạnh hơn, thì có thể có một nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn. 

Trọng lượng cơ thể thấp làm bạn dễ lạnh hơn

Nguyên nhân

Trọng lượng cơ thể thấp (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) định nghĩa là có chỉ số BMI dưới 18,5 kg/m²) có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh vì một vài lý do. 

Đầu tiên, khi bạn thiếu cân, bạn thiếu một lượng chất béo thích hợp trong cơ thể để bảo vệ bạn khỏi nhiệt độ lạnh. Ngoài ra, chỉ số BMI thấp cũng đồng nghĩa với việc bạn có ít mô mỡ hơn (theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí EPMA) điều này có thể khiến cơ thể bạn sinh ra ít nhiệt hơn. 

Trọng lượng cơ thể thấp cũng có thể có nghĩa là bạn có khối lượng cơ bắp thấp, điều đó cũng có thể góp phần khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Bởi vì cơ bắp giúp duy trì nhiệt độ cơ thể bằng cách tạo ra nhiệt.

Giải pháp

Nếu bạn gầy và thiếu cân kéo dài, không thay đổi nên đến bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm để xem nguyên nhân khiến bạn bị nhẹ cân là gì. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn các loại thực phẩm lành mạnh có chứa protein, chất béo và carbohydrate phức tạp. Việc tập thể dục cũng có thể giúp bạn tăng khối lượng cơ bắp của cơ thể.

luôn cảm thấy lạnh do trọng lượng cơ thể thấp

Suy giáp làm người bệnh dễ thấy lạnh hơn

Nguyên nhân

Luôn cảm thấy lạnh là một dấu hiệu nhận biết của bệnh suy giáp, có nghĩa là tuyến giáp của bạn không tiết ra đủ hormone tuyến giáp. Điều này khiến quá trình trao đổi chất của bạn chậm lại, khiến bạn không thể tạo ra đủ nhiệt.

Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK) cho biết gần 5% người Mỹ mắc bệnh này. Tỷ lệ cao hơn ở phụ nữ và những người trên 50 tuổi. Bạn có thể chú ý các dấu hiệu của bệnh suy giáp bao gồm:

  • Tóc mỏng hoặc rụng tóc
  • Da và tóc khô
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc rong kinh kéo dài
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân
  • Luôn cảm thấy lạnh

Giải pháp

Nếu bạn nghi ngờ có vấn đề về tuyến giáp, cần đến bệnh viện bởi bạn cần xét nghiệm máu mới có thể xác định chính xác tình trạng bệnh và có giải pháp điều trị phù hợp, cải thiện vấn đề luôn cảm thấy lạnh của bạn.

Thấy lạnh không rõ nguyên nhân có thể do thiếu máu do thiếu sắt

Nguyên nhân

Hàm lượng sắt thấp là một trong những lý do phổ biến nhất gây cảm giác lạnh mãn tính. Nguyên nhân l vì sắt giúp các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể bạn, vì vậy nó có thể tạo ra nhiệt.

Hơn nữa, sự thiếu hụt sắt trong cơ thể có thể làm chậm hoạt động của tuyến giáp, dẫn đến suy giáp. Điều này có thể khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Ngoài ra, một số triệu chứng khác của tình trạng thiếu sắt bao gồm:

  • Da nhợt nhạt
  • Móng tay dễ gãy
  • Khó tập trung
  • Hụt hơi

Giải pháp

Tùy thuộc vào mức độ thiếu máu của bạn, bác sĩ có thể kê các loại thực phẩm chức năng giúp bạn bổ sung sắt, truyền tĩnh mạch hoặc tăng lượng thức ăn giàu chất sắt như thịt đỏ, rau lá xanh và trứng.

Máu lưu thông kém khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Nguyên nhân

Nếu bàn tay và bàn chân của bạn luôn cảm thấy lạnh nhưng các bộ phận khác của cơ thể lại cảm thấy ấm, thì có thể là do vấn đề về tuần hoàn khiến máu không thể đến được các chi của bạn.

Một nguyên nhân phổ biến của các vấn đề về tuần hoàn máu là bệnh Raynaud. Tình trạng này khiến các mạch máu ở bàn tay và bàn chân của bạn tạm thời bị thu hẹp lại khi chúng cảm thấy lạnh. Bên cạnh đó, các lý do khác khiến máu khó đến các chi của bạn bao gồm bệnh lý tim mạch khiến tim bạn bơm máu không hiệu quả hoặc hút thuốc lá làm co mạch máu.

Giải pháp

Cần thăm khám tại bệnh viện để xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề về tuần hoàn của bạn có phải do bệnh Raynaud hay không. Từ đó, bạn sẽ được tư vấn cụ thể xem mình cần làm gì.

Máu lưu thông kém khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Mất nước dễ làm bạn thấy lạnh hơn

Nguyên nhân

Hơn 60% cơ thể người trưởng thành là nước và nước giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn được cung cấp đủ nước, nước sẽ giữ nhiệt và giải phóng nhiệt từ từ, giữ cho nhiệt độ cơ thể bạn ở mức dễ chịu. Khi cơ thể có ít nước hơn, cơ thể bạn sẽ nhạy cảm hơn với nhiệt độ khắc nghiệt.

Ngoài cảm giác ớn lạnh, các triệu chứng mất nước khác bao gồm: 

  • Chóng mặt
  • Lú lẫn
  • Da khô
  • Mệt mỏi
  • Đi tiểu và đổ mồ hôi ít hơn bình thường
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Khô miệng

Giải pháp

Nên uống tối thiểu tám ly nước mỗi ngày, nhưng nên chú ý uống nhiều hơn nếu bạn đang tập thể dục hoặc đứng dưới ánh nắng mặt trời.

Thiếu Vitamin B12 – nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy lạnh

Nguyên nhân

Không tiêu thụ đủ vitamin B12 (khoảng 2,4 microgam hàng ngày đối với người trưởng thành) có thể gây thiếu máu, dẫn đến cảm lạnh mãn tính. Ngoài tình trạng luôn cảm thấy lạnh, các triệu chứng thiếu vitamin B12 bao gồm: 

  • Mệt mỏi
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Ăn mất ngon
  • Da nhợt nhạt
  • Cảm thấy cáu kỉnh
  • Khó thở, thường là khi tập thể dục
  • Sưng, đỏ lưỡi hoặc chảy máu nướu răng

Nếu tình trạng thiếu vitamin B12 diễn ra quá lâu mà không được điều trị, nó cũng có thể gây ra các triệu chứng sau: 

  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Dễ thay đổi trạng thái tinh thần
  • Mất tập trung, khó tập trung trong một thời gian dài
  • Loạn thần
  • Mất thăng bằng
  • Ảo giác

Giải pháp

Mặc dù tình trạng thiếu B12 hiếm gặp trong dân số nói chung, nhưng vấn đề lại phổ biến ở những người ăn chay vì chất dinh dưỡng này hầu như chỉ có trong các sản phẩm từ động vật. Do đó, hãy thử dùng thực phẩm bổ sung nếu bạn chỉ ăn các loại thực vật. Nếu bạn vẫn ăn uống đầy đủ nhưng vẫn có triệu chứng thiếu vitamin B12, nên đến bệnh viện thăm khám vì có thể vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ của cơ thể.

Vấn đề đường huyết

Nguyên nhân

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh thần kinh ngoại biên, làm tổn thương các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân của bạn.

Khi bệnh phát triển, bạn sẽ cảm thấy tê và đôi khi đau ở bàn tay và bàn chân. Và vì những dây thần kinh này cũng chịu trách nhiệm gửi thông điệp đến não về cảm giác nhiệt độ nên bàn tay và bàn chân của bạn có thể cảm thấy lạnh. 

Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, một tình trạng còn được gọi là hạ đường huyết, bạn cũng có thể cảm thấy ớn lạnh. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị hạ đường huyết nếu họ dùng quá nhiều insulin hoặc không ăn đủ carbohydrate cho lượng insulin họ đang dùng. 

Nếu bạn không bị tiểu đường, hạ đường huyết có thể là do:

  • Chế độ ăn uống mất cân bằng
  • Đi quá lâu mà không ăn
  • Hành kinh

Giải pháp

Nếu bạn đã được chẩn đoán hoặc có các triệu chứng của bệnh tiểu đường như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, bạn cần lập tức đến bệnh viện. 

Nếu bạn nghĩ rằng lượng đường trong máu của bạn thấp, bạn có thể ăn 15 gam carbohydrate (tương đương với một thìa canh mật ong) và kiểm tra mức đường huyết sau 15 phút (hoặc xem bạn có cảm thấy tốt hơn không, nếu bạn bạn không bị tiểu đường). Nếu vẫn còn thấp, hãy ăn một khẩu phần khác và lặp lại các bước này cho đến khi mức của bạn trở lại bình thường hoặc bạn cảm thấy tốt hơn. 

Thiếu ngủ

Nguyên nhân

Ngủ không đủ giấc sẽ tàn phá hệ thống thần kinh của bạn, điều này có thể làm thay đổi hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của bạn và khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Ngoài ra, khi bạn mệt mỏi sau một đêm trằn trọc, quá trình trao đổi chất của bạn sẽ hoạt động chậm chạp hơn. Các vấn đề về trao đổi chất cũng có thể dẫn đến cảm giác lạnh. 

Xem thêm:

Giải pháp

Để giải quyết vấn đề này, cần đảm bảo rằng bạn ngủ đủ số giờ khuyến nghị mỗi đêm phù hợp với độ tuổi của mình. Người lớn cần ngủ từ bảy tiếng trở lên mỗi đêm. Ngoài ra, hãy cố gắng tuân thủ lịch trình ngủ đều đặn và tắt nguồn thiết bị điện tử khoảng 30 phút trước khi ngủ.

cơ thể luôn cảm thấy lạnh

Do thuốc chẹn Beta

Nguyên nhân

Nếu tay và chân của bạn cảm thấy lạnh, đó có thể là do bạn đang dùng thuốc chẹn beta. Đây là nhóm thuốc thường được kê đơn cho các vấn đề về tim và hệ tuần hoàn. Thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim để cải thiện lưu lượng máu và giảm huyết áp, đồng thời chúng có thể ảnh hưởng đến lượng máu đến tay và chân của bạn. 

Giải pháp

Nếu bạn nghi ngờ thuốc chẹn beta là nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy lạnh, bạn cần thảo luận với bác sĩ xem bạn có nên đổi thuốc hay không. Trong khi chờ đợi, hãy giữ ấm các bộ phận cơ thể bằng găng tay và tất dày.

Nhìn chung, có thể có một số lý do khác nhau giải thích tại sao bạn luôn cảm thấy lạnh. Nếu bạn đã loại bỏ các nguyên nhân như thiếu ngủ, mất nước, trọng lượng cơ thể thấp mà vẫn cảm thấy lạnh, thì bước tiếp theo bạn cần chính là đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe vì đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Bài viết liên quan