Trong đời sống hiện đại, câu chuyện về các cặp đôi “tan đàn xẻ nghé” không còn là chuyện quá lạ lẫm. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao ngày càng có nhiều người ly dị đến như thế? Vì sao hôn nhân lại không hạnh phúc?
Cùng tìm hiểu vấn đề này với Tạp chí Mẹ và Con qua 9 nguyên nhân phổ biến dưới đây:
Nói xấu sau lưng
Dù ban đầu xuất phát điểm có thể chỉ là đùa cợt. Nhưng càng ngày chúng sẽ càng đi xa và là một trong số nguy cơ khiến các cặp đôi dễ… đưa nhau ra tòa. Nói dài, nói dai thành nói dại. Nhiều người thường mang vợ, chồng mình ra “xả” cho bõ tức với người ngoài. Thế nhưng theo mạch cảm xúc, những lời lẽ cứ thế tuôn ra, tuôn ra và chính người nói không kiểm soát được bản thân. Khi những lời này đến tai đối phương, họ sẽ cho rằng bạn thiếu tôn trọng họ. Lòng tự tôn dâng cao, nảy sinh cãi vã là điều không thể tránh khỏi.
Mất kiểm soát khi cãi nhau
Hôn nhân dù êm ấm đến đâu cũng không tránh khỏi những lúc cãi vã, bất đồng. Tuy nhiên, dù có tức giận đến đâu, bạn cũng tuyệt đối không được mất kiểm soát. Hậu quả thường thấy của việc mất kiểm soát khi cãi nhau, đó là nói lời làm tổn thương nhau và bạo lực.
Những trận cãi vã có thể qua đi, nhưng vết thương và nỗi ám ảnh của lời nói luôn còn mãi. Để đến một ngày nào đó khi “trái gió trở trời”, những lời ấy lại trở thành rào cản ngăn bạn và người ấy một lần nữa nắm lấy tay nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Cố che đậy cảm xúc
Có một sự thật là nếu bạn không nói ra, chẳng ai biết bạn đang nghĩ gì. Phụ nữ thường có thói quen cố che đậy cảm xúc, nhưng lại luôn bắt đối phương… tự hiểu. Nếu đối phương dù đã làm mọi cách nhưng vẫn không thể hiểu, chị em ắt hẳn quay sang… giận dỗi.
Người này cho rằng người kia vô tâm, người kia cho rằng người này không thành thật. Điều này quả thực vô cùng phi lý. Đó cũng là nguyên nhân khiến cả hai xa nhau với tốc độ “tên lửa”.
Phê bình và chỉ trích
Phê bình là công việc của những người kiếm sống bằng ngòi bút, không phải việc của bạn, nhưng tại sao chúng lại xuất hiện trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hiển nhiên là trong cuộc sống hôn nhân thì điều này càng không nên tồn tại. Nếu như bạn lựa lời góp ý để đối phương nhận ra và sửa chữa những sai lầm của mình, điều này là rất tốt. Tuy nhiên, nếu như bạn chăm chăm lấy những điều chưa hoàn thiện của bạn đời ra để phê bình, chỉ trích rồi… dạy bảo, điều này chẳng khác gì đang chọc tức họ.
Cái gì cũng có giới hạn của nó. Nếu không góp ý được hay chẳng thể nghĩ ra lời khuyên nào hữu ích thì cũng đừng phê bình, chỉ trích nhau, bạn nhé!
Thách thức lẫn nhau
Đang trong giai đoạn cao trào của cuộc cãi vã, hiếm có người nào kiềm chế được lời nói như ngọn núi lửa phun trào dữ dội. Vào lúc này, người ta cũng thường nảy sinh sự thách thức lẫn nhau, ví dụ: “Tôi thách cô bước chân ra khỏi cửa”, “Tôi thách anh làm như vậy với tôi”…
Thử tưởng tượng mà xem, nếu sự thách thức của bạn “thành công” và người bạn đời thực hiện thật thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Cái tôi quá lớn
Không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng “mỗi người một nơi” là do bất đồng trong suy nghĩ, mà chủ yếu là cái tôi của một trong hai người, hoặc cả hai quá lớn. Khác với “chính kiến” giữ vững quan điểm lập trường, “cái tôi” là hành động cho thấy trong bạn hiện hữu sự cố chấp, bảo thủ đến khó chịu.
Mềm nắn rắn buông. Nếu mỗi người biết nhường nhịn nhau một chút, đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của đối phương thì cuộc sống hôn nhân chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái. Ngược lại, chính bạn sẽ là người nếm trái đắng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Nổi nóng vô cớ
Nếu không phải là mẫu người nhỏ nhẹ, dịu dàng… thì bạn cũng đừng nên nổi nóng mà không có lý do. Sự nổi nóng chỉ được coi là có tác dụng khi bạn thực hiện không thường xuyên và đúng thời điểm. Nổi nóng nhiều lần, song song với vô cớ sẽ “phản tác dụng”, khiến đối phương chai sạn và… “bật” lại bạn.
Trời không chịu đất, đất cũng chẳng chịu trời. Con đường đưa nhau ra tòa của hai bạn có vẻ đang đến rất nhanh.
Mâu thuẫn về tiền bạc
Tiền bạc là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình. Dẫu biết không phải tất cả, nhưng không thể phủ nhận không có tiền cuộc sống sẽ vất vả lắm thay. Nhiều người vì không chịu đựng nổi cảnh thiếu thốn, hoặc thèm khát cuộc sống của người khác (qua phim ảnh, mạng xã hội) để rồi so sánh với cuộc sống của chính mình mà bực bội, cáu gắt rồi xích mích vô cớ.
Muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, điều quan trọng trên hết là vợ chồng phải đồng lòng chứ không phải ngồi đó than vãn, chê bai. Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Thuận vợ thuận chồng tát biển đông mới cạn, bạn thấy đúng không?
Chỉ biết nghĩ cho bản thân
Yêu bản thân mình? Điều đó không sai. Thế nhưng hôn nhân là cuộc sống của hai người, hãy biết nghĩ cho cả đối phương. Bạn thích ăn ngon, muốn mặc đẹp, thích được chiều chuộng, muốn được cưng nựng… hãy nghĩ rằng, người bạn đời cũng muốn được như thế.
Chính vì vậy, muốn người khác đối xử với mình thế nào, hãy đối xử với họ y hệt như thế. Chỉ chăm nghĩ sao cho có lợi với bản thân sẽ là con đường ngắn nhất “tiễn” hai bạn ra tòa. Thật đấy!
Hôn nhân không hạnh phúc có thể đến từ 1 hoặc cả 2 người. Tuy nhiên, nếu bạn biết điều chỉnh 9 sai lầm nói trên thì chí ít bạn cũng sẽ có một cuộc hôn nhân êm ả, nhẹ nhàng và những tháng ngày bình yên bên con cái.